Đà Nẵng cuối tuần

Người trẻ "bỏ phố về quê"

17:07, 16/12/2023 (GMT+7)

Thế hệ Millennials ở Mỹ, Canada và nhiều nơi khác trên thế giới đang cảm thấy tiếc nuối khi rời xa các thành phố lớn, bỏ lỡ nhiều cơ hội và mất những mối quan hệ xã hội đã từng vun đắp.

Người trẻ tìm kiếm việc làm tại Chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc.  Ảnh: CNN
Người trẻ tìm kiếm việc làm tại Chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: CNN

Thế hệ Millennials (thế hệ Thiên niên kỷ) là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z, những người sinh từ năm 1981-1996. Một thập niên trước, họ “bỏ quê ra phố”. Song, những năm xảy ra Covid-19 và sau thời kỳ dịch bệnh, xu hướng ngược lại đang diễn ra.

Giá nhà ở tăng cao, thị trường việc làm chững lại

Năm 2020, Zachary Thacher rời New York (Mỹ) về làm việc tại trang trại của một người bạn. Thacher cho biết, anh từng nghĩ sẽ không bao giờ trở lại thành phố, nhưng suy nghĩ này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. “Tôi nhớ sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng thành thị”, Thacher nói.

Cũng trong năm 2020, Susan - nghệ sĩ khoảng 30 tuổi sống ở New York - đã cùng chồng chuyển đến sinh sống tại thị trấn Catskills - vùng ngoại ô có dân số chỉ khoảng 1.000 người. Chồng Susan vốn cảm thấy mệt mỏi với nhịp sống hối hả của New York nên cả hai muốn “bỏ phố về quê”. Đại dịch Covid-19 xảy ra càng thôi thúc họ rời đi. Tuy nhiên, khi ổn định cuộc sống, Susan dần cảm thấy lạc lõng và xa lạ vì bị tách khỏi cộng đồng sáng tạo ở New York vốn rất quen thuộc với cô.

Có rất nhiều trường hợp như Thacher và Susan. Trong và sau những năm Covid-19, nhiều người nắm bắt xu hướng làm việc từ xa nên chuyển đến khu vực ngoại ô hoặc nông thôn vốn thoáng đãng, yên tĩnh. Hơn nữa, sau Covid-19, giá nhà tại các thành phố lớn gia tăng và thị trường việc làm khó khăn hơn là những nguyên nhân khiến người trẻ rời các thành phố ồn ào, đông đúc. Nghiên cứu của Công ty Intercontinental Exchange (ICE) cho thấy một hộ gia đình trung bình tại Mỹ hiện phải trả gần 41% thu nhập hằng tháng để trang trải các khoản thanh toán gốc và lãi cho một ngôi nhà có giá trung bình. Nhà ở đang tiêu tốn phần lớn tiền lương; trong khi đó, giá xăng, chi phí hàng hóa và các khoản vay khác cũng tăng ngất ngưởng. Để tiết kiệm tiền mua nhà, nhiều cuộc di dân từ các thành phố có chi phí cao đến những khu vực có chi phí hợp lý hơn là điều tất yếu.

Về việc làm, số lượng nhân viên mới được tuyển dụng và số người tự nguyện bỏ việc đã giảm kể từ đầu năm ngoái. Bộ Lao động Mỹ dự báo thị trường việc làm ở nước này có thể suy yếu hơn nữa vào năm 2024 khi các doanh nghiệp vẫn giảm chỉ tiêu tuyển dụng.

Tại Canada, cuộc khủng hoảng nhà đang diễn ra nghiêm trọng hơn cả ở Mỹ. Báo Business Insider dẫn lời nhà kinh tế Mosche Lander của Đại học Concordia cho rằng, nguyên nhân do Canada không xây dựng đủ nhà ở và chính quyền “thiên về chủ nhà chứ không phải người thuê nhà”. Tháng 5-2021, anh Alex Gatien chuyển đến sống ở thị trấn yên tĩnh cách thành phố Toronto 270km về phía đông. Vợ chồng anh mua ngôi nhà có 4 phòng ngủ cùng khoảng sân rộng. Tuy nhiên, người đàn ông 38 tuổi này đến nay vẫn cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống mới. “Mọi người ở nông thôn sống quá khép kín. Họ thường xuyên lái xe đi khắp nơi và hiếm khi gặp nhau”, anh Gatien nói.

“Hồi sinh” nông thôn

Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, năm 2021, thế hệ Millennials có nhiều người “bỏ phố về quê” nhất, tập trung ở các thành phố lớn như Los Angeles và Chicago. Từ năm 2020-2021, 85% số người mua nhà trong độ tuổi 31-40 đã chọn khu vực ngoại ô hoặc nông thôn.

Nhà nghiên cứu Riordan Frost thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, sự chuyển dịch từ phố về quê là do những người thuộc thế hệ Millennials muốn trì hoãn việc kết hôn, sinh con và mua nhà lần đầu tại các đô thị lớn. Trong đó, nguyên nhân chính là giá nhà rẻ ở ngoại ô hoặc nông thôn, nhưng họ nhận ra điều này không đáng để đánh đổi cuộc sống đô thị.

Tại Trung Quốc, nhiều người trẻ lập nghiệp ở nông thôn vì “không còn sự lựa chọn nào khác”. Việc cố bám trụ lại thành phố trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, không có việc làm khiến nhiều người tốt nghiệp đại học cảm thấy nghi ngờ về năng lực bản thân. Vì vậy, nông thôn mang lại sự “chữa lành” cho người trẻ.
Chính phủ Trung Quốc và các địa phương đang nỗ lực khuyến khích những người trẻ tuổi lập nghiệp ở nông thôn với nhiều chương trình “hồi sinh nông thôn” để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực này với thành thị. Chẳng hạn, tháng 5-2023, tỉnh Quảng Đông đã công bố kế hoạch thử nghiệm tuyển dụng 300.000 người tốt nghiệp đại học về vùng nông thôn từ năm 2025. Nhiều người đã đăng ký tham gia sáng kiến này và xem đó là giải pháp bền vững để bảo đảm sự ổn định cùng những lợi ích khác.

KHÁNH LINH (theo Business Insider, SMCP)

.