Đà Nẵng cuối tuần
Dấn thân và sáng tạo
Xu hướng phát triển của xã hội tạo ra nhiều ngành nghề mới. Điều này giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội trong việc lựa chọn nghề nghiệp, không chỉ được tự do về mặt thời gian mà còn được thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên ở lĩnh vực nào, muốn thành công cũng đòi hỏi mỗi người phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường làm việc này.
Nguyễn Thị Bích Ngọc (bên trái) tham gia workshop “Khởi nghiệp từ content triệu view - bí quyết tạo nên thu nhập cho gen Z qua mạng xã hội” do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp thực hiện. Ảnh: Đ.H.L |
Truyền cảm hứng cho các bạn trẻ
Là một người trẻ được học tập tại môi trường năng động ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi trở về Đà Nẵng sinh sống, Nguyễn Thị Bích Ngọc (Nại Hiên Đông, Sơn Trà) luôn đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta không là người tạo ra cơ hội và tự quản trị vận mệnh của mình”. Từ đó, Bích Ngọc nghĩ đến việc startup để tạo cơ hội và truyền lửa cho các bạn trẻ có chung niềm đam mê. Tuy nhiên, Ngọc vấp phải khó khăn từ phía gia đình khi ba không ủng hộ cô bỏ ngang công việc ổn định với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Với đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầu năm 2023, Ngọc quyết định sáng lập và điều hành Công ty CP Truyền thông và Giải trí The Gem (gọi tắt The Gem) ngay sau khi tình hình kinh tế khá khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Khó khăn ban đầu của Ngọc là nguồn vốn còn hạn hẹp do mới ra trường. Chính điều này luôn thôi thúc Ngọc phải cố gắng xoay xở và kiểm soát đồng tiền để tạo ra lợi nhuận. Ngọc cho biết, thị trường Đà nẵng có nhiều công ty truyền thông xây dựng các dịch vụ về sản phẩm nhưng về lĩnh vực sáng tạo thì không nhiều. Việc đào tạo tài năng còn mới nên mảng này khá dồi dào nguồn lực, chưa có môi trường nào có đủ năng lực cho các bạn trẻ phát triển. Do đó, Them Gem tập trung vào đào tạo và xây dựng hình ảnh thương hiệu cho các bạn trẻ để trở thành người của công chúng. Thông qua các hoạt động như viết nội dung, thiết kế các ấn phẩm graphic, poster, banner... trên các nền tảng mạng xã hội giúp các bạn trẻ được đào tạo các kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, trẻ trung với các sếp là gen Z và có cơ hội phát triển các mối quan hệ để hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Với môi trường làm việc do Ngọc tạo ra, The Gem đã thu hút 10-15 bạn trẻ sinh năm từ 1998-2005. Trong đó có rất nhiều bạn đang là học sinh, sinh viên - lứa tuổi nhiều hoài bão và giàu óc sáng tạo. Tuy nhiên, những người có khả năng sáng tạo cao lại rất nhạy cảm, dễ bị cảm xúc chi phối nên lại là một nhược điểm buộc Ngọc phải có những biện pháp riêng để quản lý và khai thác năng lực nhân viên của mình.
“Công việc không có giới hạn sáng tạo, sản phẩm làm ra là kết tinh của sáng tạo và cảm xúc, do đó, trong quá trình làm việc cần truyền cảm hứng, định hướng cho các bạn tự quản trị bản thân, tạo kỷ luật nhưng không áp đặt. Kim chỉ nam của công ty là năng lượng của tuổi trẻ và đặt mục tiêu đến năm 30 tuổi phải có trách nhiệm với cuộc đời mình. Chúng tôi cố gắng tối ưu hóa nội tại, luôn tạo ra nguồn năng lượng chung, từ đó hiểu và thông cảm khi các bạn mắc lỗi để các bạn cảm thấy đây là môi trường làm việc an toàn. Trước đây vì quá nuông chiều cảm xúc của các bạn mà gặp phải những sai lầm. Sau đó tôi rút kinh nghiệm và cố gắng làm sao để trở thành người truyền lửa cho các bạn được sống đúng nghĩa chứ không phải là đang tồn tại”, Ngọc bộc bạch.
Đối với The Gem, mỗi sản phẩm, dự án đồng hành cùng khách hàng chính là sự nỗ lực và thấu hiểu. Bằng nhiều kinh nghiệm học hỏi và trau dồi kỹ năng ở các mảng: marketing, tư duy logic, tâm lý học, đàm phán… The Gem đã hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo để mang đến khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất. Không chỉ sáng lập và điều hành The Gem, Ngọc còn ấp ủ nhiều dự định cho tương lại sắp tới như học thêm về ngành tâm lý học để hỗ trợ các bạn vượt qua khủng hoảng, hoặc mở một tiệm bánh để được thỏa mãn đam mê nấu nướng của mình.
Chọn đam mê, không chọn ngành học
Với Lê Hoàng Diệu Linh (An Khê, Thanh Khê), sau khi tốt nghiệp ngành báo chí, Linh chọn công việc sáng tạo nội dung. Hiện nay Linh đầu quân cho Công ty GFPI chuyên tư vấn các dự án liên quan đến bất động sản, thể thao điện tử, các dự án sản xuất thân thiện với môi trường như chén dĩa lá sen, bột nêm thuần chay… Phụ trách mảng marketing của công ty, Linh tập trung viết nội dung quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức các sự kiện và xây dựng kịch bản cho các đoạn phim ngắn… Đây là một công việc thú vị nhưng cũng gặp không ít áp lực.
“Xuất thân từ ngành báo chí nên tôi thích làm việc với con chữ, qua đó giúp vốn từ của mình ngày càng phát triển và đa dạng hơn. Công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao, tôi luôn tự học để tìm cách viết mới, thu hút người đọc. Mỗi bài viết tùy theo mục đích, đối tượng hướng đến mà có cách viết khác nhau. Áp lực lớn nhất trong công việc mà tôi phải đối mặt thường xuyên là thời hạn nộp bài và tìm nhà cung cấp cho sự kiện”, Linh chia sẻ. Đặc biệt, công việc sáng tạo nội dung cũng chịu áp lực về việc đào thải khi tuổi tác ngày càng lớn. Do đó, người làm cần không ngừng tự trau dồi kiến thức và học hỏi để chạy theo xu hướng của giới trẻ. Theo Linh, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm nhưng ở lứa tuổi 35-40, người sáng tạo nội dung khó có sự nhạy bén với các xu hướng bằng các bạn trẻ.
Cũng tốt nghiệp chuyên ngành báo chí nhưng Thu Phong (An Khê, Thanh Khê) lại chọn cho mình công việc thêu tay mà bản thân yêu thích. Tuy nhiên, để đến với công việc này, Phong lại đi đường vòng khi chọn nghề stylist (tư vấn trực tiếp cho khách giúp học chọn kiểu tóc, trang phục, cách trang điểm để phù hợp với từng hoàn cảnh mà họ tham gia) sau khi ra trường. “Hiện tại tôi làm nghề thêu tay. Nhưng một năm trước đó, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm stylist. Đây là một công việc tự do. Lúc đầu, tôi làm vị trí trợ lý, cụ thể là chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho diễn viên, người mẫu và xử lý những vấn đề về trang phục trong chương trình. Qua đó, tôi được tiếp xúc nhiều hơn về ngành thời trang để nâng cao gu thẩm mỹ, trau dồi kinh nghiệm. Đặc thù của công việc này là di chuyển nhiều, linh động thời gian, xử lý vấn đề nhanh, khi khách hàng yêu cầu mình phải thực hiện gấp rút”, Phong chia sẻ.
“Hiện tôi đang tham gia những buổi chia sẻ kinh nghiệm cắt may của những chị em tham gia lớp cắt may và thiết kế áo dài do thầy Đỗ Trịnh Hoài Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là một việc có ích và ý nghĩa, có thể giúp đỡ người khác và mang lại niềm vui cho chính bản thân mình. Qua công việc này, tôi muốn lan tỏa và mang những giá trị của nghề thêu tay đến gần mọi người hơn. Tôi thực sự rất vui khi áo mình thêu được nhiều người mặc. Đặc biệt, trong những dịp trọng đại như ngày cưới hay làm voan đội đầu cho cô dâu, tôi cũng cảm nhận được tình cảm đối với món đồ mình làm”, Phong xúc động nói.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG