Đà Nẵng cuối tuần

NGƯỜI TRẺ VÀ VIỆC LÀM

Hương vị của nghề

08:35, 10/12/2023 (GMT+7)

Bánh, giờ đây không chỉ là món ăn được yêu thích mà còn góp phần định hình nên xu hướng nghề nghiệp - nghề làm bánh. Trong xu thế phát triển và hội nhập, bánh đa dạng về chủng loại lẫn hương vị. Nghề làm bánh cũng bởi vậy, không còn ẩn mình sau tấm rèm nội trợ hay gian bếp, mà đang vươn mình để trở thành một nghề hot, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Cô giáo Dương Nguyễn Ngọc Thiên (bên phải) hướng dẫn học trò cách tạo hình một chiếc bánh kem đẹp. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cô giáo Dương Nguyễn Ngọc Thiên (bên phải) hướng dẫn học trò cách tạo hình một chiếc bánh kem đẹp. Ảnh: KHÁNH HÒA

Kết nối nhờ… bánh

Vượt qua hàng trăm km đường bộ cùng nỗi ngần ngại khi lần đầu đặt chân đến thành phố Đà Nẵng, chị Huỳnh Thị Đặng (tỉnh Kiên Giang) tìm đến cơ sở đào tạo nghề làm bánh Út Thiện (114/54 Lê Đình Lý) để “tầm sư học đạo” chỉ bởi một chữ “duyên” khi tình cờ xem video dạy làm bánh của Út Thiên trên nền tảng mạng xã hội. Khen chị Đặng vì có niềm yêu thích và quyết tâm mãnh liệt để đến với nghề làm bánh thì cũng phải khen gấp nhiều lần như thế đối với cơ sở làm bánh Út Thiện khi đã tạo được uy tín, niềm tin để “kéo” học viên dẫu ở nơi xa xôi tìm về với mình.

Nói về quyết định ra Đà Nẵng học làm bánh, chị Đặng chia sẻ, các thành viên trong gia đình đều ngăn cản bởi chẳng ai muốn chị phải vất vả đi một quãng đường xa xôi, lại không có người thân quen chỉ để học… làm bánh. Trong khi, chỉ cần vài tiếng đi xe đò là chị đã có thể tìm được địa chỉ học ở Sài Gòn với cùng mức chi phí. Vừa chăm chú tập tạo hình từng cánh hoa, chị Đặng vừa bộc bạch: “Trước mình làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà. Từ lúc bùng phát Covid-19 đến nay công ty vẫn chưa khắc phục được thiệt hại, thiếu đơn hàng nên hơn 50% công nhân phải nghỉ việc, trong đó có mình. Nghỉ việc rồi ở nhà chỉ quanh quẩn chuyện bếp núc, chán lắm nên mình nảy ra ý định học làm bánh để mở tiệm kinh doanh. Ban đầu mình cũng thử mua nguyên liệu về rồi mở YouTube học cách làm nhưng chẳng đâu vào đâu nên quyết tâm phải đi học nghề. Ở rất nhiều video, clip hướng dẫn và dạy làm bánh, mình tìm thấy trang của cô Út Thiện. Thấy cô dạy nhiệt tâm, đáng tin cậy nên mình quyết định ra Đà Nẵng theo học”.

Qua ba buổi lên lớp, chị Đặng được cô Út Thiện dạy cách sử dụng và phân biệt các dụng cụ làm bánh chuyên dụng, nhận diện các loại nguyên liệu cho từng dòng bánh Á - Âu, bánh truyền thống. Quan trọng nhất là phải rèn luyện cho đôi tay thật linh hoạt và khéo léo để những đường cắt, vẽ đạt được độ sắc nét, tinh tế cần có.

Chị Đặng khoe, đã làm được các bước cơ bản của dòng bánh Âu cùng một số loại thuộc dòng bánh truyền thống như bánh chuối, bánh bao, thạch rau câu, bánh mì… Là học viên khá “đặc biệt” của cơ sở nên chị được cô giáo trực tiếp dạy, kèm cặp hằng ngày để thời gian học rút ngắn chỉ còn 10 buổi (so với 15 buổi theo quy định của chương trình học) nhưng phải bảo đảm khi kết thúc khóa học, sẽ làm được nhiều dòng bánh khác nhau cũng như đủ tự tin để mở tiệm kinh doanh.

Bén duyên với công việc làm bánh từ nhu cầu phục vụ trong gia đình, chị Ngọc Anh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) lại cho rằng, làm bánh nhìn tưởng đơn giản nhưng rất cực, phải thực sự yêu thích thì mới đủ kiên nhẫn vì hầu như các công đoạn đều được làm thủ công, tốn thời gian và công sức; từng loại bánh sẽ có công thức và bí quyết riêng cần phải ghi nhớ kỹ. Thoạt nhìn, để làm nên những chiếc bánh bông lan, bánh mì, bánh dứa, bánh cookies khá đơn giản vì thường chỉ xoay quanh vài nguyên liệu thông dụng, như: bột gạo, bột mì, trứng, sữa, đường… cộng thêm chút biến tấu là có thêm một loại bánh mới.

Tuy nhiên, để mỗi mẻ bánh thành công, người làm phải cẩn thận đong đo từng loại nguyên liệu, chỉ cần sai một chút là thất bại. Với người làm bánh đã lành nghề, đôi khi chỉ cần nhìn sơ qua là đã biết bột đủ “dậy” để đổ bánh chưa, hoặc có cần ủ thêm giờ để bánh khi nướng, hấp có độ bông, xốp như mong muốn. Chẳng hạn, bánh bông lan thì khi chuẩn bị bột, đánh trứng xong là phải đổ ra khuôn nướng liền; còn bánh bột đậu cần thời gian ủ tầm 2 giờ sau mới bắt đầu bắt bột, nướng bánh. “Kinh nghiệm của mình là muốn làm ra chiếc bánh ngon, ví như bánh bông lan, là phải đánh bột bằng tay trong nhiều giờ, đổ bánh bằng khuôn đồng rồi mới cho vào lò nướng”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Chị Dương Nguyễn Ngọc Thiện chủ cơ sở dạy, đào tạo làm bánh Út Thiện cho biết, đã có hàng trăm học viên ra nghề và mở được tiệm kinh doanh từ “lò” đào tạo làm bánh Út Thiện. Học viên đến học đủ mọi lứa tuổi, thành phần, hoàn cảnh sống nhưng tựu chung đều có niềm đam mê thực sự đối với công việc này. Vừa qua, cơ sở còn đào tạo và hỗ trợ thành công một học viên là người khuyết tật về mắt (ở Quảng Ngãi) mở tiệm bán bánh.

Chị Thiện cho biết thêm, thời gian tới, cơ sở sẽ kết nối và chiêu sinh lớp dạy làm bánh cho người khuyết tật với mong muốn giúp họ chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, thấu hiểu nỗi lòng của các học viên về vấn đề kinh phí, nên không chỉ tận tâm trong việc truyền dạy kiến thức, thực hành làm bánh mà cơ sở còn hỗ trợ chỗ ở trọ, đưa ra những lời khuyên bổ ích để học viên sau khi ra nghề có thể mở được tiệm bánh trong khả năng tài chính cho phép. Trong dài hạn, chị Ngọc Thiện đặt mục tiêu sẽ xây dựng cơ sở thành học viện làm bánh để công tác đào tạo đi vào chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Nghề được nhiều người lựa chọn

Trong bối cảnh người lao động nghỉ việc ở các nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp do hệ lụy từ Covid-19, thực tế tìm hiểu tại các trung tâm, trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề trên địa bàn thành phố cho thấy, học làm bánh là một trong những nghề đang được nhiều người lựa chọn như một giải pháp để bắt đầu một công việc mới hoặc để tăng thêm thu nhập. Đến từ xã Phong Điền, thành phố Huế, chị Nguyễn Thị Diễm nghỉ công việc làm công nhân may tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) sau gần 5 năm gắn bó và nhanh chóng đăng ký khóa học làm bánh gồm 30 buổi với mức học phí gần 5 triệu đồng.

“Mình chọn công việc này vì nó phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, kinh phí học và mở tiệm không quá lớn (chỉ khoảng vài chục triệu đồng) trong khi thời gian học không kéo dài. Sau khóa học này, mình sẽ mở tiệm bán bánh ở quê, vừa chăm sóc con cái, kiếm thêm thu nhập, phụ giúp kinh tế gia đình”, chị Diễm chia sẻ.

Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập từ lương chưa đủ để bảo đảm cuộc sống nên không ít người chọn đến với nghề làm bánh như một nghề tay trái. Trường hợp chị Lê Thị Kim Oanh (nhân viên Công ty TNHH Fujukura Automotive, Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) minh chứng rõ nét cho xu hướng này. Tham gia khóa học làm bánh có cơ sở tại đường Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu), qua 30 buổi học, đến nay chị Kim Oanh đã mở được tiệm kinh doanh bánh.

Bày tỏ niềm vui trước thành quả ban đầu khi bước vào nghề, chị Oanh tiết lộ, hằng ngày, từ 6 giờ sáng tiệm đã mở cửa bán hàng. Nhưng trước đó, tầm khoảng 5 giờ sáng, những mẻ bánh đầu tiên trong ngày đã ra lò, vừa nóng hổi, vừa thơm nức. Mỗi chiếc bánh làm ra phải trải qua nhiều công đoạn, cái nào cũng được chăm chút từng li từng tí từ chọn nguyên phụ liệu đến thiết kế mẫu mã, độ đậm nhạt khác nhau. Nhờ làm bánh ngon, vừa miệng nên mới mở tiệm nhưng chị Kim Oanh đã có nhiều bạn hàng thân quen thường xuyên ghé mua.

Bánh có nhiều loại khác nhau nhưng cùng chung đặc tính xã hội, đó là gắn bó và gần gũi với đời sống của con người. Có người mua bánh như một hình thức làm quà biếu, tặng; có người mua để dùng trong gia đình; cũng có người xem như món ăn yêu thích để sử dụng hằng ngày. Cùng với xu thế phát triển mạnh của ngành du lịch và dịch vụ ăn uống đã tạo điều kiện cho nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng du nhập vào nước ta…

Hiện nay, các nhà hàng, khách sạn lớn cũng đưa thực đơn là các món bánh tráng miệng vào để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh những dòng bánh có xuất xứ từ các nước trong khu vực Á - Âu, thì bánh truyền thống như bánh mì, bánh chuối, bánh xu xuê… vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng.

Thông tin từ một số trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố như Học viện Á - Âu, Trường Cao đẳng nghề Du lịch, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn… cho biết, hằng năm đều có mở các lớp đào tạo bài bản và chuyên nghiệp đội ngũ thợ làm bánh có tay nghề. Điều đó chứng tỏ, giữa xã hội phát triển và hội nhập, giữa hàng vạn điều mới mẻ, nghề làm bánh những tưởng chỉ là công việc nội trợ, bếp núc nhưng vẫn có chỗ đứng rất riêng, là nhu cầu thực tiễn trong đời sống.

KHÁNH HÒA

.