Đà Nẵng cuối tuần

Ăn cưới

14:48, 06/01/2024 (GMT+7)

Cưới và ăn cưới nó xưa như chuyện… vợ chồng. Mỗi thời có khác nhau nhưng nói chung đây là dịp bạn bè, người thân đến chung vui với đôi trẻ, là dịp thể hiện tình cảm chúc phúc gia đình. Ngày nay, do sự phát triển của công nghệ cưới nên việc trăm năm cũng có những sắc thái mới, nhưng dù có mới đến đâu cũng dựa trên nền tảng truyền thống, rất nhiều khâu “xưa bày nay bắt chước”.

Số lượng khách mời là việc tốn nhiều thời gian. Bao nhiêu? Khuynh hướng chung cho đây là dịp gia đình trả nghĩa cho việc lâu nay mình đi ăn cưới bạn bè, bây giờ mời lại. Ảnh: H.Đ.M
Số lượng khách mời là việc tốn nhiều thời gian. Bao nhiêu? Khuynh hướng chung cho đây là dịp gia đình trả nghĩa cho việc lâu nay mình đi ăn cưới bạn bè, bây giờ mời lại. Ảnh: H.Đ.M

Thiệp mời là khâu lo thứ nhất. Tùy theo điều kiện mà hình thức báo hỷ, kèm theo lời mời có khác nhau. Bình thường thì chọn loại phổ thông in sẵn, chỉ việc mua về điền tên là xong. Nhưng ngày nay do điều kiện kinh tế khấm khá, mọi khâu từ thiệp, chụp ảnh, y phục… đều được chăm chút công phu. Riêng thiệp thì đủ kiểu ngang, dọc, chất lượng giấy, mùi thơm, kiểu chữ, nội dung… được thể hiện đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Có một chi tiết nhiều người khen: ngoài bì ngoài việc viết tên người nhận một cách trang trọng, còn ghi rõ thời gian và địa điểm tổ chức. Việc nhỏ này rất đáng để ý, vì có khi cùng thời gian nhận được nhiều thiệp mời, chỉ cần nhìn ngoài phong bì là ta biết được thông tin, không cần mở hết thiệp ra để kiểm tra, nó như là lời nhắc chứ nhiều khi do công việc mà ta có thể quên.

Số lượng khách mời là việc tốn nhiều thời gian. Bao nhiêu? Khuynh hướng chung cho đây là dịp gia đình trả nghĩa cho việc lâu nay mình đi ăn cưới bạn bè, bây giờ mời lại. Phần lớn là bạn bè của bố mẹ, khách của chú rể cô dâu ít hơn, việc này có cái hay là tạo sự đông vui, nhưng cũng có cái khó là nhiều khi ngồi chung một bàn nhưng lại không quen biết nhau, chỉ chào đôi câu rồi thì phần ai người nấy ăn. Có nhiều tiệc phân khu vực bạn nhà gái, nhà trai (và bạn của cô dâu, chú rể) để có thể có sự quen biết nhau “ngồi cho vui”, nhưng xem ra không mấy thực tế, bởi khi cao trào thì có chỗ ngồi là quý rồi, hơi đâu mà còn tìm chỗ bên này bên nọ. Nhiều người có ý than phiền ngày nay đám cưới đông như... mít-tinh, muốn giảm xuống khoảng trăm người, để buổi tiệc thật sự là dịp gặp mặt ấm cúng thân tình, nói vậy chứ không dễ. Chỉ sợ sót bạn bè trách móc, thêm nữa số khách nhà trai nhà gái cũng phải xấp xỉ bằng nhau mới thấy hợp tình. Có lẽ vất vả nhất là việc đi đưa thiệp, may mắn bây giờ thiệp được chụp ảnh và gửi qua zalo, người nhận cũng tiện và nhất là giảm được sự vất vả của việc chạy từ đầu phố cuối thôn để đưa cho hết 5, 6 trăm cái thiệp.

Sau khi phát hành thiệp mời là bắt đầu nỗi lo số người… vắng. Thường thì chủ nhà hàng tư vấn số lượng suất ăn cần đặt, kinh nghiệm là ít hơn khoảng 10% số lượng danh sách, tuy nhiên khó nhất là thường mời “anh chị”, có khi đi hai người nhưng thường là một. Đây là nỗi lo lớn, làm sao tính toán số lượng khách để đặt bàn cho phù hợp? Hiện nhiều thiệp mời, ngoài các thông tin thông thường còn kèm sơ đồ địa điểm, và cả câu “Vui lòng xác nhận tham dự”. Đây là việc nên được khuyến khích, bởi nhiều khi chỉ mất mươi giây, thông tin hồi đáp giúp rất nhiều cho gia chủ. Thật đáng nghĩ, một suất ăn khoảng 400.000 đồng (chưa kể nước uống) mà nhiều khi thừa cả 5, 7 bàn.

Giờ giấc đám cưới là nỗi lo không nhỏ. Nhiều người nói ăn cưới phía Bắc, nhất là Hà Nội đúng giờ nhất. Cứ đủ 6 người là được mời vào mâm, ít có chuyện lên nói dài dòng phi lộ. Còn ăn cưới ở Sài Gòn là nỗi kinh hoàng về khoảng chờ đợi. Chậm gần hai tiếng so với giờ khai tiệc không phải là chuyện lạ. Do điều kiện giao thông tắc đường nơi đô thị sầm uất, hay do cái tính du di mà có? Ở Đà Nẵng (và miền Trung) thì khoảng giữa của hai trạng thái Bắc Nam nói trên, nói chung tương đối đúng giờ. Cũng có trường hợp có người hớt hải chạy đến hôn trường khi khách đã sang món cuối! Đã tính chuyện đi dự thì cố mà giúp cho đôi trẻ cái chuyện đúng giờ, đây cũng là khía cạnh của ứng xử văn minh. Ta thua đời nhiều thứ, thì cũng có thứ nên bằng đời là đúng giờ.

Quà cưới. Ngày trước, quà cưới thường là đồ dùng cho đôi vợ chồng trẻ, có thể một chiếc thau men, chục bát, cũng có khi mùng màn chăn gối. Những năm sau đó kinh tế khá hơn, quà tặng có khi là cái tủ lạnh hay cái máy rửa bát. Giờ thì không còn cái không gian đặt quà như ngày xưa nữa, mà đơn giản hơn là cho tiền. Phong bì và cả bút viết có khi được gia chủ đễ sẵn ngay chỗ cái hộp trang trí lộng lẫy ngoài cửa. Ở Hà Nội nhiều đám cưới để hai cái hộp hai bên tả hữu, khách của họ nhà trai, gái bỏ phong bì riêng. Gần đây không cần phong bì rắc rối, trên thiếp mời in mã vạch hoặc số tài khoản. Người đi ăn cưới chỉ cần mở điện thoại, tích tắc là số tiền mừng cưới đến được cô dâu (hoặc chú rể). Nhanh chóng và chính xác.

Một chi tiết tế nhị nữa là tiền mừng. Thường thì người đi ăn cưới không để cô dâu chú rể phải lỗ, nhưng cũng có chỗ sau khi ăn rồi ra mới bỏ tiền vào phong bì tùy theo chất lượng mâm cỗ. Cũng có thiệp ghi rõ “không kèm trẻ em”, kể cũng tế nhị nhưng có người không ý tứ xem việc ăn cưới là một bữa ăn giỗ nhà ngoại, cả gia đình vợ chồng và cả hai đứa con nhỏ nữa. Thật ái ngại, khi phải bố trí 4 ghế mà phong bì chỉ 1, đáng nói hơn là các bạn nhỏ vào hội trường chạy nhảy lung tung, nhiều khi lên cả sân khấu… nhìn cô dâu cho rõ. Thêm nữa, tưởng đâu nó mất đi theo đà văn minh, nhưng rất tiếc là vẫn còn tình trạng đi ăn chực. Thật buồn khi cô dâu chú rể, mở phong bì dán kín bên trong có hai tờ vé số đã xổ hôm qua!

Rất vui khi được dự một đám cưới con của người bạn thân, là dịp được gặp lại bạn bè lâu ngày. Có món ăn ngon, không gian sang trọng, âm nhạc nhẹ nhàng. Ai đi grab thì có thể uống vài ly, còn không thì nước khoáng. Đi ăn cưới là dịp thể hiện tình thân, nhưng quan trọng hơn cũng là dịp để mình thể hiện phong cách văn minh. Giờ giấc, y phục, nói năng… nó không chỉ là góc con người mà là một dấu ấn của riêng mình trước nơi chốn đông người. Nhận được một thiệp mời là một niềm vui, bởi bạn không bị lãng quên, bạn đến một đám cưới, bạn không chỉ đi ăn cưới mà chính bạn góp vào niềm vui của gia chủ, của chuyện trăm năm cô dâu chú rể. Dĩ nhiên, như S. Exupéry nói, yêu nhau không phải ngồi để nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng. Sự có mặt của ta là góp phần nhìn về hướng hạnh phúc ấy.

HUỲNH ĐỨC MINH

.