Đà Nẵng cuối tuần
Khám phá khu vườn đẹp nhất Nhật Bản
Năm nay là năm thứ 21 liên tiếp, khu vườn của Bảo tàng nghệ thuật Adachi tiếp tục được bầu chọn là khu vườn truyền thống Nhật Bản đẹp nhất.
Một du khách trước ô cửa sổ lớn được thiết kế theo phong cách “khung tranh” và ngắm nhìn một góc của khu vườn. Ảnh: Robert Gilhooly/Alamy Stock Photo |
Kể từ năm 2003 đến nay, Journal of Japanese Gardening - tạp chí chuyên về chủ đề vườn Nhật Bản tại Mỹ (còn có tên nữa là Sukiya Living Magazine) luôn tổ chức các cuộc đánh giá, xếp hạng 1.000 khu vườn ở đất nước mặt trời mọc. Cũng kể từ đó tới nay, tạp chí này liên tục dành cho khu vườn của Bảo tàng nghệ thuật Adachi tại thành phố Yasugi, tỉnh Shimane vị trí quán quân. Đứng thứ 2 là khu vườn của Dinh thự hoàng gia Katsura tại Kyoto và thứ ba là khu vườn của ngôi nhà Yamamoto-tei tại phường Yamamoto-tei ở Tokyo. Bảng xếp hạng của Sukiya Living Magazine do một ủy ban gồm khoảng 30 chuyên gia làm vườn trên thế giới quyết định.
Một khu vườn Nhật Bản truyền thống
Chỉ riêng việc đến với khu vườn của Bảo tàng Nghệ thuật Adachi cũng đã là một hành trình. Tỉnh Shimane và tỉnh Tottori kế cận là hai tỉnh có dân số ít nhất tại Nhật. Đây cũng là những vùng nông thôn tương đối xa xôi của Nhật. Tàu cao tốc Shinkansen cho tới nay vẫn chưa chạy đến đây, do đó du khách phải đi bằng tàu nhanh khởi hành từ Osaka hoặc Tokyo tới Okayama, sau đó chuyển sang tàu địa phương chậm hơn đi về phía bắc, băng qua đảo Honshu đến Matsue, thủ phủ tỉnh Shimane. Sau đó, để tới Adachi, họ cần bắt tiếp một chuyến tàu từ Matsue tới thị trấn Yasugi. Ở nhà ga xe lửa tại Yasugi sẽ có phương tiện miễn phí đưa đón khách hai chiều tới bảo tàng.
Theo giải thích của ông Takodori Adachi, cháu trai của nhà sáng lập Zenko Adachi, cũng là giám đốc hiện nay của bảo tàng, lý do để khu vườn này trở nên rất đặc biệt không phải chỉ vì những gì có bên trong nó, mà còn vì những gì ở xung quanh.
“Khu vườn Nhật Bản này hòa quyện với những rặng núi ở phía xa”, ông nói. “Có những khu vườn Nhật ở Kyoto, các ngôi đền và những nơi khác, nhưng chúng rất nhỏ và hẹp. Còn ngay khi bước vào bảo tàng này, bạn sẽ có cảm giác hòa hợp với ngọn núi phía sau mình”, ông nói thêm, nhấn mạnh đây là một sự ưu đãi của thiên nhiên nên thật khó để có thể cảm nhận được vẻ quyến rũ của khu vườn này tại bất cứ nơi nào khác.
Ở Nhật, làm vườn không chỉ là một sở thích, đó còn là một dạng thức nghệ thuật với những triết lý tinh thần sâu sắc. Mặc dù ở Nhật cũng có nhiều khu vườn được khen ngợi, tán thưởng trên mạng xã hội, song nhiều người dân ở đây trong hai chục năm qua vẫn trung thành với khu vườn Adachi vốn nằm ở khu vực không mấy thuận tiện đi lại.
Theo đài CNN, nhiều du khách phương Tây khi đến đây đã rất ngạc nhiên vì tiếng là đi thăm vườn nhưng lại chẳng thấy bông hoa nào. Có những chỗ tập trung điểm nhấn vào các loại cây khác nhau, thậm chí là… rêu, hay có nơi chỉ gồm những hòn đá bày trên dải cát được chăm chút kỹ lưỡng.
“Các khu vườn ở Nhật hướng tới một nghệ thuật cao theo cách thức sẽ không có ở phương Tây”, bà Sophie Walker, tác giả cuốn “The Japanese Garden” (Vườn Nhật) nhận định. “Mitate là một ý tưởng mà trí tưởng tượng có thể thăng hoa. Bạn có thể nhìn một tảng đá và biết rằng đó là tảng đá có kích thước to bằng một người, nhưng trong khoảnh khắc bạn tiến tới nó và rồi lại thấy nó như một quả núi. Vậy nên tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao khu vườn trở nên quá quyền lực, và nó phụ thuộc vào chính người xem”, bà nói thêm.
Một trình tự thưởng ngoạn
Cách bài trí cơ bản của khu vườn này là của nhà sáng lập bảo tàng nghệ thuật Adachi, cũng là một doanh nhân tại địa phương, ông Zenko Adachi, một người có mơ ước tạo ra một khu vườn Nhật Bản truyền thống đẹp nhất. Bao phủ một diện tích khoảng 165.000m2, khu vườn được chăm sóc rất tỉ mỉ mở cửa suốt 365 ngày trong năm.
Trên các bức tường của Bảo tàng Nghệ thuật Adachi có treo những bức tranh của một số danh họa nổi tiếng nhất thời hiện đại của Nhật Bản. Dù vậy, không ít du khách khi tới đây đã gần như quên mất tòa nhà bảo tàng, họ dành hầu hết thời gian của chuyến thăm để ngắm nhìn qua các ô cửa sổ.
Ở đó, bày ra trước mắt họ là những khu vườn khác nhau: một rừng thông, một khu vườn đá, một vườn rêu và nhiều thứ khác nữa. Tất cả được bài trí theo cách để du khách ngắm nhìn chứ không phải để bước qua. Chúng như những bức tranh bày sẵn trong tự nhiên, và thay vì được vẽ bằng sơn hay màu nước, chúng được “vẽ” bằng đủ các loại cây.
Đội ngũ vận hành bảo tàng đã thiết kế không gian bài trí theo cách những ô cửa sổ trở thành “khung tranh”, chúng làm tỏa sáng những khu vực cảnh quan đẹp nhất trong vườn.
“Các bức tranh Nhật rất khó hiểu, ngay cả khi mọi người tới để xem chúng, trái lại, các khu vườn thì dễ thưởng thức hơn với bất cứ ai”, ông Takodori Adachi giải thích thêm. “Trước khi ngắm nhìn các bức tranh Nhật, bạn có thể ngắm nhìn những khu vườn này và hiểu chúng theo trình tự đó. Bảo tàng nghệ thuật này được thiết kế để việc ngắm nhìn đó trở nên dễ dàng hơn”, ông nói.
Du khách cũng có thể chọn cách ngắm nhìn phong cảnh ở một trong các phòng thưởng trà tại bảo tàng. Tại đây họ có thể vừa uống một ly matcha, vừa nhấm nháp chút bánh kẹo trong lúc ngắm nhìn những khung cảnh thiên nhiên đẹp như (hơn) tranh vẽ bên ngoài cửa sổ.
TRẦN ĐẮC LUÂN