Đà Nẵng cuối tuần
Một thập niên bảo vệ chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa (2014-2024)
Tháng 1-2014 tôi có bài viết "Người Đà Nẵng với Hoàng Sa" với câu mở đầu “Đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thì quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa và hàng ngàn đảo lớn nhỏ nữa như Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn… đều gắn bó máu thịt với tất cả người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài, chứ không riêng gì với người Đà Nẵng. Có điều như là duyên phận của lịch sử, người Đà Nẵng gắn bó nhiều hơn với quần đảo Hoàng Sa”. Bài viết này tiếp tục nhìn lại trong mười năm qua, Đà Nẵng đã góp phần vào công cuộc thay mặt cả nước và cùng cả nước bảo vệ chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa như thế nào.
Học sinh đến tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa để hiểu thêm về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ST |
Nỗ lực trao “tín gậy” cho thế hệ kế tiếp
Có thể nói suốt thập niên 2014-2024, những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa - từ lịch sử của quần đảo cũng như các thông tin liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông - được đưa vào giảng dạy chính thức trong trường học, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa. Qua hai tập tài liệu về Lịch sử Đà Nẵng được biên soạn từ năm học 2014-2015 cũng như trong tài liệu giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng vừa được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh hai cấp trung học được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa để không chỉ biết mà còn là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đây là một cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn và khẩn trương, đòi hỏi thế hệ trước phải nỗ lực hết mình để có thể trao “tín gậy” cho thế hệ kế tiếp. Và ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh hai cấp trung học cũng không phải chỉ biết cho có biết mà còn phải biết để hành động, chẳng hạn biết để phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa…
Để định hướng việc đưa những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa vào trường học, ngày 12-1-2019, UBND huyện đảo Hoàng Sa phối hợp Hội Khoa học lịch sử thành phố tổ chức hội thảo khoa học Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, hoạt động truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa - bao gồm việc truyền thông giáo dục về Hoàng Sa trong trường học - càng trở nên hiệu quả hơn nhiều với sự ra đời của Nhà Trưng bày Hoàng Sa trên đường Hoàng Sa vào năm 2018, không chỉ là một “địa chỉ đỏ”, một “điểm hành hương” của lòng yêu nước dành cho học sinh phổ thông mà còn dành cho nhiều cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang thành phố…
Việc đưa những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa vào trường học ở Đà Nẵng còn được thể hiện qua cuộc thi Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp UBND huyện đảo Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức trong khuôn khổ ngày hội Sử học Đà Nẵng 2014. Tham gia cuộc thi này, người dự thi được yêu cầu thể hiện tình cảm của bản thân đối với huyện đảo Hoàng Sa trong một bức thư gửi cho một người bạn thân đang là học sinh/sinh viên ở một tỉnh, thành phố trong nước hoặc nước ngoài. Trong 87.701 bức thư viết tay gửi dự thi, giải nhất đã thuộc về nữ sinh Hồ Thị Thanh Thảo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với bức thư nhập vai một người anh trai xa quê hương, đang du học tận đất nước Italia xa xôi gửi người em gái đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông rất lay động lòng người.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa - “Địa chỉ đỏ” giáo dục tình yêu biển đảo, quê hương. Ảnh: ST |
Việc đưa những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa vào trường học ở Đà Nẵng còn được thể hiện qua tên trường Hoàng Sa vừa được đặt cho một ngôi trường THCS khai giảng vào năm học 2016-2017 tại phường Thọ Quang quận Sơn Trà. Đã là trường học thì nội dung dạy và học ở trường nào cũng cơ bản phải giống nhau, kể cả những nội dung liên quan đến quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với biển đảo nói chung và đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Tuy nhiên các trường học mang tên Hoàng Sa có thể làm nhiều hơn thế để giáo dục lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền thông qua hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn thường xuyên giới thiệu về tên trường, hay tổ chức cho học sinh tham quan các cuộc triển lãm về Hoàng Sa…
Nói cách khác thì học sinh các trường học mang tên Hoàng Sa sẽ có cơ hội được nghe nhắc nhiều hơn về Hoàng Sa, sẽ có điều kiện được tìm hiểu kỹ hơn về Hoàng Sa. Việc đưa những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa vào trường học ở Đà Nẵng còn được thể hiện qua việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Học viện Chính trị khu vực III hồi tháng 5-2017 - đơn vị duy nhất trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học của học viện. Từ đầu năm 2023, Học viện Chính trị khu vực III cũng hình thành và đưa vào hoạt động Phòng Trưng bày bản đồ và tư liệu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.
Đảm đương sứ mệnh, bảo vệ chủ quyền
Có thể nói suốt thập niên 2014-2024, những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa còn được thường xuyên thăng hoa trong nghệ thuật. Bản thân Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng là một tác phẩm nghệ thuật hết sức ấn tượng với đồ án thiết kế mang tên Con dấu và dấu mốc chủ quyền - Sự khẳng định bền bỉ về chủ quyền bờ cõi với hình con dấu chủ quyền thời Minh Mạng trong sắc chỉ thành lập Hải đội Hoàng Sa năm 1835 đã đoạt giải cao nhất trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa phát động vào năm 2014.
Đặc biệt từ năm 2015 trở đi, trong các ngày Thơ Việt Nam được tổ chức ở Đà Nẵng, văn nghệ sĩ thành phố đều tập trung vào chủ đề liên quan đến biển đảo: Đêm Thơ Nguyên tiêu Ất Mùi 2015 với chủ đề chung cho ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII của cả nước là Hướng về biển đảo Tổ quốc được tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương; Đêm Thơ Nguyên tiêu Bính Thân 2016 với chủ đề Mắt Biển được tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương và dưới chân Vọng Hải đài ở Ngũ Hành Sơn nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIV; Đêm thơ Nguyên tiêu Kỷ Hợi 2019 với chủ đề Khúc tráng ca biển - một chủ đề mà các nhà thơ Đà Nẵng góp vào chủ đề Hướng về biên cương Tổ quốc của các nhà thơ Việt Nam được tổ chức tại Công viên Biển Đông nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII; Đêm Thơ Nguyên tiêu Canh Tý 2020 với chủ đề Nhớ Hoàng Sa theo nhan đề một bài thơ của cố nhà thơ Lưu Trùng Dương nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVIII, nhưng do Covid-19 bùng phát nên không thể tiến hành được; Đêm Thơ Nguyên tiêu Tân Sửu 2021 với chủ đề Mẹ Quê hương trong đó nổi bật là bài thơ "Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa" của nhà thơ Thanh Quế nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIX đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố chủ động cho ghi hình và phát sóng trên Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng.
Ngoài ra các trại Mỹ thuật Thiếu nhi hè do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm cũng nhiều lần chọn không gian Nhà Trưng bày Hoàng Sa để tạo cảm hứng nghệ thuật về tình yêu biển đảo quê hương cho học sinh dự trại và nhiều học-sinh-họa-sĩ cũng đã sáng tác các bức tranh về Hoàng Sa.
50 năm đã qua, quần đảo Hoàng Sa tức Đà-Nẵng-hải-đảo vẫn chưa có cơ hội đoàn viên cùng Đà-Nẵng-đất-liền. Chính vì thế việc đưa những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa vào trường học nói chung, vào trường phổ thông nói riêng, hay việc những vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa được thường xuyên thăng hoa trong nghệ thuật thông qua những phim tài liệu về Hoàng Sa, những ca khúc về Hoàng Sa, những bài thơ về Hoàng Sa, những tranh vẽ về Hoàng Sa… suốt thập niên 2014-2024 là bước tiếp nối quan trọng để Đà Nẵng cùng cả nước bảo vệ chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.
BÙI VĂN TIẾNG
------------------
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật,
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.