Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới, sách hay
1. "Chúng ta sống để lắng nghe" là tản văn mới được NXB Trẻ phát hành cuối tháng 12-2-2023 của nhà văn Nguyễn Phong Việt, tiếp theo mạch series sách của anh đã được phát hành những năm qua như "Chúng ta sống có vui không", "Chúng ta sống là vì"… Những cuốn tản văn của Nguyễn Phong Việt ra mắt vào dịp cuối năm đã trở thành món quà tinh thần mà độc giả đón chờ để tặng bạn bè, người thân và chính mình.
Giữa ngưỡng cửa bước sang năm mới, Nguyễn Phong Việt đứng lại, tần ngần, lắng nghe. “Những ngày này, hãy để chúng ta giống như con tàu chuẩn bị vào sân ga. Chân ga, chân thắng thong thả buông ra. Tay cũng nên rời vô lăng hay màn hình điều khiển. Cứ để con tàu ấy, theo đà, từ từ trôi về điểm dừng của ga đến”. Hành trình một năm ít nhiều chông gai và thử thách, xen cả những hạnh phúc vui tươi. Tác giả nhắc nhớ mỗi chúng ta, lần nào đó trong đời - một lần, nhiều lần - hãy đi sâu vào lòng mình. Tìm lại chính mình, lắng nghe chính mình, rồi nhìn thấy chính mình từ thật sâu tâm khảm.
Chúng ta sống để lắng nghe, hãy nghe, và hãy hiểu, hiểu người, hiểu mình, hiểu mỗi ngày qua là không trở lại, hiểu mỗi phút giây đi là thời gian hữu hạn đời người lại vơi một chút. Hiểu để sống, và sống để lắng nghe. “Gia đình” và “tình thân” là chủ đề được nhắc đến nhiều lần trong tập tản văn này. Hơn 40 bài viết trong Chúng ta sống để lắng nghe là những lát cắt cuộc sống được kể lại qua lớp “kính lọc” giàu cảm xúc: “Buổi sáng hôm đó, mình nhìn thấy một bông hoa”, “Những đêm ngước nhìn trời”, “Những cái ôm”, “Về nhà để ba cắt tóc”, “Đừng để lời xin lỗi thành một món nợ”… Tác giả nghiêng về quan sát những điều xuất phát từ nội tâm của mình, tập “lắng nghe” những rung động từ bên trong.
2. Tác phẩm “Người trẻ có sợ trách nhiệm” (NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 1-2024) tập hợp bài viết của nhiều tác giả nhằm chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ, trăn trở, thể hiện niềm tin, sự khẳng định đối với vai trò của người trẻ hiện nay. Đặc biệt, ý nghĩa xuyên suốt cuốn sách mà tập thể tác giả muốn gửi gắm là sự động viên, khích lệ thế hệ trẻ cần nuôi dưỡng, giữ gìn vốn quý, không ngừng phát triển và sáng tạo nhiều giá trị hơn nữa nhằm bảo đảm một tương lai thành công, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc hay trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đều minh chứng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thế hệ trẻ luôn có những ước mơ và hoài bão lớn, sẵn sàng dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên: “Không sợ khổ, không sợ khó”, xung phong hăng hái thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Nhưng bên cạnh đó, ở nơi này nơi kia vẫn còn những người trẻ sống thờ ơ, vô tâm, ích kỷ, đôi khi đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết mà quên đi vai trò với cộng đồng, xã hội, gia đình và những người xung quanh. Đó có phải là biểu hiện sợ trách nhiệm - một “căn bệnh” hay không?
Khi bàn về vấn đề bệnh sợ trách nhiệm có ở cán bộ trẻ hay không, trong bài viết "Cán bộ trẻ có sợ trách nhiệm", TS. Nguyễn Thái Học viết trong tập sách rằng, tố chất tạo nên giá trị đích thực, trở thành lẽ sống, động lực thôi thúc tuổi trẻ hành động là sự dấn thân, xung kích. Dấn thân, xung kích đồng nghĩa với năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung theo đúng tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Điều đó hoàn toàn trái ngược với sợ trách nhiệm. Đồng thời bài viết cũng tập trung phân tích những việc cần làm để người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên.
MẪU ĐƠN