Đà Nẵng cuối tuần

Bóng làng

17:25, 24/02/2024 (GMT+7)

Sau những rực rỡ mai đào ngày Tết, những tiếng cười rộn rã niềm vui gặp gỡ mùa xuân; quê lại trở về nhịp sống đời thường trầm mặc như mái đình rêu phong nghìn năm cổ tích. Một sắc tím hoa xoan nơi ngõ quê sao cứ nôn nao lòng người giữa những cơn mưa riêu riêu hạt nhớ. Dẫu không còn thảng thốt với cảnh tháng ba ngày tám, vậy mà những khoảnh khắc xuân đã cạn ngày sao lòng ta không khỏi bâng khuâng về bóng dáng làng xưa!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bóng dáng làng luôn sống mãi trong tâm khảm mỗi người con làng quê, hiện hữu như một bức tranh tĩnh vật. Ai cũng có thể chọn cho mình một khoảnh khắc đẹp nhất và rồi lưu giữ mãi trong ký ức để khi một đời lưu lạc, một đời mưu sinh vẫn luôn mong mỏi kiếm tìm, quay quắt nhớ về. Bóng làng chính là tấm gương soi lên ký ức, soi lên tuổi thơ, soi về hoài niệm. Bóng là tựa như khúc dương cầm mà chỉ cần một cơn gió kỉ niệm khẽ chạm vào là rung ngân da diết.

Bóng làng - nơi bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa bà thường hay kể cho cháu nghe trên chiếc chõng tre đặt trước hiên nhà. Tay phe phẩy quạt mo, miệng phả thơm mùi trầu, rì rầm như gọi cả thế giới thần tiên về giúp đỡ những người bất hạnh. Vậy mà những bà Tiên, ông Bụt sao không giúp bà vợi bớt nỗi buồn từ buổi chú đi chiến trường và mãi mãi không về?

Bóng làng - nơi có bóng dáng cha tảo tần gánh trên vai cả giang sơn nhà mình. Sáng nào cũng từ lúc tinh sương đã thấy cha cùng con trâu với cày bừa lầm lũi trong ngõ tối. Nhà nghèo, nhân khẩu đông, ruộng chẳng phì nhiêu; bao công sức đổ xuống những mảnh đất khai hoang quanh năm suốt tháng chứ đâu chỉ hai vụ chiêm mùa.

Bóng làng hay là bóng dáng mẹ lui cui bên bếp lửa mái tranh. Mẹ như là nội tướng giữa những nồi niêu xoong chảo, dưa cà mắm muối. Lũ con như Thánh Gióng đang tuổi tấn ăn, tấn lớn. Đôi quang gánh mẹ trĩu nặng thêm những khoai, những sắn giá công kĩu kịt bấm chân qua ngõ mưa phùn. Con giờ mỗi đứa một nơi, lại có lúc thèm cái khoảnh khắc mẹ nhẹ nhàng khuyên bảo khi thấy mấy chị em dành nhau củ khoai, bắp ngô.

Bóng dáng làng có bóng dáng tuổi thơ ta, đứng thẫn thờ nơi cánh cổng tre, quệt tay ngang mũi mà nhẩm đếm, mà nghển trông cái bóng dáng quen thuộc của mẹ phía chợ đi về. “Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”... câu hát vang lên khiến ta không khỏi mủi lòng dẫu mỗi ngày ta vẫn được hít thở vị quê chứ không như ai kia vì mưu sinh mà nửa đời phiêu bạt. Ngày ngày hít thở vị quê mà ta vẫn không tìm thấy hương vị tuổi thơ xưa: vị chát của trái mây, trái thị xanh; vị chua của trái sông, trái bứa; vị ngọt thơm của trái ổi, trái sim trên động Mũi Thuyền. Ta chẳng còn ngửi thấy nữa mùi khói đồng chiều nào nướng khoai, nướng ngô, nướng cua, nướng cá; vị béo thơm con bọ vừng, châu chấu, muồm muỗm những chiều hè. Đâu rồi âm thanh của tiếng chim tu hú gọi mùa vải chín; thảng thốt của tiếng chim bắt cô trói cột, vi vu của tiếng sáo diều thuở chưa hỗn tạp những âm thanh điện tử.

Những lũy tre làng ken dày, rậm rạp, mát rượi gió nồm nam trong những trưa không ngủ. Những đánh đáo, đánh khăng, đánh trận giả xao động tiếng cười dưới bóng ao làng. Những con Chắt, con Hĩm, thằng Cu Anh, Cu Em giờ có đứa đã đề huề con cái, đã công thành danh toại, đã lập nghiệp quê người; vậy mà mỗi lần về gặp mặt hội bạn chăn trâu vẫn mày - tao cười nói mà không cần giữ ý tứ, không câu nệ điều gì...

Vật đổi sao dời, làng thời đổi mới tất yếu thay đổi phát triển theo xu thế. Chẳng còn những ngõ làng quanh co lầy lội; chẳng còn những lũy tre làng râm mát, những giậu mồng tơi, những bờ rau ngót; chẳng còn những hương bưởi tháng ba, hương thị tháng bảy cho trai gái làng gửi gắm tình yêu. Đất quê lên cơn sốt giá. Người quê vui như hào nhoáng thị thành. Nhưng ta vẫn tin và mong ước khi mái đình còn rêu phong, giếng làng vẫn ngọt nước, cây đa đầu làng vẫn như ngọn hải đăng dẫn lối đi về thì bóng dáng làng quê vẫn luôn sống mãi trong tâm thức của mỗi người con xứ sở, giúp ta biết bình tâm sống châm lại, khỏi trôi trượt đi trong những cám dỗ đời thường...

ĐINH HẠ

.