Đà Nẵng cuối tuần

Cà phê, từ góc nhìn văn hóa

13:28, 24/02/2024 (GMT+7)

Trong đời sống tinh thần người Việt, cà phê là thức uống quen thuộc và được cá nhân hóa theo sở thích ngọt, đắng, chua, chát, đậm đặc hay pha loãng theo công thức của người phương Tây. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cây cà phê đã trải qua một hành trình dài trước khi xuất hiện tại Việt Nam, vào cuối thế kỷ XIX.

Hai vị khách nước ngoài đang thưởng thức cà phê Việt Nam tại quán Nối (Đà Nẵng). Ảnh: T.Y
Hai vị khách nước ngoài đang thưởng thức cà phê Việt Nam tại quán Nối (Đà Nẵng). Ảnh: T.Y

Uống cà phê không?

Một quán cà phê thường bao gồm dãy dài danh sách đồ uống ngoài… cà phê, cũng như người đến quán cà phê có thể không gọi ly cà phê để thưởng thức, mà thay vào đó là một ly nước ép, ca cao, sữa chua hoặc đồ uống đóng chai.

Vậy, điều gì hấp dẫn ở một quán cà phê. Đã ai từng nhẩm tính, trong cuộc đời mình đã bao lần nhắn rủ (hoặc mời) ai đó “uống cà phê không?”. Với hầu hết người Việt, rủ đi cà phê, thực chất là rủ nhau đi tâm tình hoặc gặp nhau, ngồi bên nhau, lắng nghe nhau chia sẻ về cuộc đời, công việc, tình yêu cũng như các mối quan hệ xã hội. Và khi ấy, cà phê trở thành cái cớ cho mọi sự gặp gỡ, giãi bày. Cũng không ít người, quán cà phê trở thành không gian riêng của chính mình, trở thành nơi họ “dàn xếp” những suy nghĩ của chính mình, lên kế hoạch công việc hoặc đơn giản là để lặng yên, xoa dịu bản thân. Giữa những thanh âm của tiếng cười, giọng nói, họ vẫn có thể tìm được khoảng riêng khu trú tâm hồn, nhờ một tách cà phê.

Không rõ có phải vì người Đà Nẵng thích ngồi “chém gió” mỗi sáng hay không mà sinh ra rất nhiều quán cà phê, từ sang trọng đến bình dân, từ phòng kín điều hòa đến vỉa hè lộng gió. Ở đó, cà phê trở thành “món mồi ngon” cho mọi người ngồi lai rai, chậm rãi. Emily Kratzmann, một blogger du lịch người Úc sau thời gian trải nghiệm qua các loại hình thưởng thức cà phê ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã viết trên trang Intrepid Travel (Úc) rằng, trái với hình ảnh cà phê ở các nước khác - nơi cà phê chỉ là thức uống tranh thủ trong lúc làm việc, thì cà phê Việt Nam là thức uống chậm rãi thưởng thức. Anh nhẩm tính, trung bình một ly cà phê nhỏ, người Việt sẽ mất ít nhất 30 phút, thậm chí hàng giờ để thưởng thức.

Có thể nói, cà phê là loại thức uống mang tính “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng nếu không có sự thúc đẩy của ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trong hành trình đưa cà phê Việt xuất khẩu qua thị trường Đông Âu cuối thế kỷ XX, đồng thời khởi xướng xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam, hình thành các lễ hội cà phê, thì có lẽ, hương vị của cà phê vẫn chỉ gói gọn trong sự cảm nhận cá nhân của mỗi người. Chưa kể, từ một thức uống, cà phê đã trở thành nơi giao thoa của nhiều dòng chảy văn hóa, lịch sử trên thế giới. Nếu Napoleon Bonaparte khiến thế giới biết đến cà phê nhiều hơn qua nhận xét “cà phê đậm đặc, thật đậm đặc làm cho tôi thức tỉnh”, thì mọi người cũng biết đến một thiên tài âm nhạc Ludwig Van Beethoven sành điệu với cà phê “tôi có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha cho mình một tách Mocha”. Đặc biệt, dù được độc giả ví von là “thánh rượu”, nhưng trong một đoạn hồi ký, nhà văn nổi tiếng Emest Miller Hemingway nói “tất cả tác phẩm lớn của tôi đều xuất phát từ quán cà phê”. Còn với không ít người Việt, cà phê là nơi làm việc, đọc sách, nói chuyện, tỏ tình, yêu đương, rũ bỏ, kết nối, sáng tạo, chia sẻ... và tất cả được gói gọn trong một lời mời “uống cà phê không?”.

Hành trình văn hóa, lịch sử thú vị

Nguồn gốc ra đời hạt cà phê cũng có nhiều giai thoại thú vị. Chuyện kể rằng, vào giữa thế kỷ XIII ở Ethiopia, gần tu viện Kaffa có chàng chăn dê tên Kaldi, phát hiện bầy dê của mình ban đêm ít ngủ, nhảy nhót hiếu động vì thường ăn một loại cây có lá xanh, hoa trắng và quả màu đỏ. Các thầy tu nghe kể bèn hái lá, vặt quả đem luộc, nướng, rang và nấu thành nước uống, thấy sảng khoái. Từ đó, các tu sĩ bắt đầu dùng cà phê làm nước uống cho tỉnh táo trong các buổi cầu kinh thâu đêm và dọc các hành trình vượt sa mạc. Lại có truyền thuyết rằng, một thầy tu tên Omar vào rừng dạo chơi, nghe thấy tiếng chim hót rất vui trên một bụi cây. Ông nếm thử vài trái, thấy ngon, bèn hái một túi đầy đem về luộc làm món súp bữa tối. Từ đó, người ta tìm ra một thức uống lạ có chất thơm. Hiện ở Ethiopia vẫn còn khoảng 200.000 ha cây cà phê hoang dại dưới tán rừng. Trong “đường đi” của cà phê, người ta cũng ghi nhận rằng cà phê từ Ethiopia chuyển đến Arabia và bắt đầu được trồng, sử dụng làm nước uống ở Yemen vào giữa thế kỷ XIV. Cảng Mocha phồn hoa nhất thời đó được gọi theo tên loại cà phê nổi tiếng và loại cà phê chè cũng được mang tên Arabica. Nhờ hương vị thơm ngon, cà phê sau đó được nhiều nước trên thế giới trồng và nhân rộng, trở thành nước uống thời thượng.

Trong rất nhiều tài liệu ghi lại, cho thấy cây cà phê được trồng thử nghiệm ở Đà Nẵng từ năm 1884, kể từ khi vùng đất này trở thành nhượng địa của thực dân Pháp. Cụ thể, trong cuốn “Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn thành phố Đà Nẵng (1929-2009)” có đoạn: “Ngay từ 1884, một linh mục trẻ tên là Maida (Maillard - tức Cố Thiên) khi tới cai quản hạt Phú Thượng (nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã mua 250 ha đất lập đồn điền trồng chè và cà phê. Y bỏ tiền ra thuê người trồng trọt. Sau đó, hàng loạt đồn điền khác xuất hiện khiến số lượng công nhân ngày càng tăng, chia thành công nhân các ngành chè, lúa, cà phê”. Tương tự, theo bài viết “Thái Phiên - nhà lãnh tụ trọng yếu của Cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916” của tác giả Lưu Anh Rô đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 28-11-2008, cho thấy trong hồ sơ mật thám Pháp tại Trung Kỳ từ sau phong trào chống thuế năm 1908 đã gọi Thái Phiên là “một phần tử nguy hiểm”. Ông cũng chính là người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành đất Cấm Đình của dân làng Nghi An chống lại tên thực dân Gravelle (hay còn gọi là Tây Kho bạc) muốn lập đồn điền cà phê. Ngoài ra, trong một số tài liệu của người Pháp đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hà Nội, thì đồn điền cà phê ở Phước Tường có diện tích khoảng 20ha, chuyên trồng cà-phê, nguyên trước kia do Hoa kiều cai quản, sau đó bán cho Gravelle.

Hơn 10 năm xây dựng thương hiệu cà phê Tourane, anh Trần Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cà-phê và Trà Tourane (Đà Nẵng) nói rằng không phải ngẫu nhiên anh chọn tên nhãn hiệu là Tourane - tên gọi của thành phố Đà Nẵng thời thuộc Pháp. Bởi nó bắt nguồn từ một thôi thúc tìm ra nguồn gốc hạt cà phê đầu tiên được trồng ở Việt Nam. Anh cho hay, quá trình tìm hiểu về nguồn gốc cây cà phê ở Việt Nam, trong anh luôn có sự hoài nghi phải chăng cà phê Việt Nam được người Pháp trồng đầu tiên tại Bà Nà, Núi Chúa trước khi phổ biến ra miền Bắc và khu vực Tây Nguyên - những nơi có nhiệt độ, độ cao thích hợp hơn cho cây cà-phê phát triển. “Quyết định đặt tên cà phê Tourane là cách tôi nhắc nhở mình phải đi tìm nguồn gốc cây cà phê ở Việt Nam, cũng là cách gợi nhắc mọi người nhớ đến câu chuyện người Pháp đưa cây cà phê đến Đà Nẵng như thế nào. Dù tôi chưa thể khẳng định Đà Nẵng có phải là vùng đất đầu tiên người Pháp thử nghiệm trồng cây cà phê hay không, nhưng căn cứ vào các tài liệu trên, có thể khẳng định, làng Phong Lệ hay làng Nghi An từng là vùng đồn điền màu mỡ, phì nhiêu được người Pháp khai phá, lập nên”, anh Cường thông tin thêm.

TIỂU YẾN

.