Đà Nẵng cuối tuần
Nhiệm vụ vẻ vang
Những ngày cuối tháng 2 này, khi chúng ta đang rộn ràng gửi lời tri ân đến những người giữ vững lời thề Hippocrates nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thì có một câu chuyện mới đây khiến tôi đau đáu. Một người bạn trong nhóm thiện nguyện Sài Gòn Nghĩa Tình đã chuyển một ca cần sự hỗ trợ.
Đó là một bác sĩ trẻ đang suy thận giai đoạn cuối, chỉ duy nhất một cách cứu sống đó là ghép thận. Bác sĩ Phạm Trọng Nguyên của khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Chàng trai trẻ mới 26 tuổi cứ sau những lần chạy thận nhân tạo, lại quay về khoa tiếp tục làm việc. Vốn dĩ xuất thân từ gia đình nghèo khó, ước mơ khoác chiếc áo blouse về các vùng sâu, vùng xa để phục vụ cộng đồng, chàng trai trẻ đang háo hức nhưng rồi vụn vỡ niềm tin bởi căn bệnh bất giác được phát hiện.
Nguyên là gương mặt bác sĩ trẻ hăng hái từ thời còn là sinh viên với những chuyến đi chữa bệnh khắp nơi. Khi cao điểm chống Covid-19 thì Nguyên xung phong vào chi viện ở tỉnh Bình Dương, hoặc các chuyến đi khám chữa bệnh cho bà con đồng bào miền núi, xây dựng các công trình y tế công cộng cho những vùng khó khăn. Câu chuyện chàng bác sĩ trẻ vừa chạy thận vừa thực hiện nhiệm vụ của một người bác sĩ cứu bệnh nhân bỗng xốn xang cả xã hội.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế mà cũng là dịp để chính người dân có những hành động cụ thể nhất để tri ân lực lượng chuyên biệt này. Ảnh: ST |
Cách đây 69 năm, ngày 27-2-1955, Bác Hồ đã gửi một bức thư đến hội nghị cán bộ ngành y tế. Bức thư Bác dặn 3 điều cơ bản cho ngành y lúc bấy giờ: Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết chính là sức mạnh của chúng ta; Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng cho các cô chú, Chính phủ phó thác việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe đồng bào cho các cô chú; Xây dựng một nền y học của ta - Y học phải dựa trên nguyên tác khoa học dân tộc và đại chúng. Kể từ đó ngày 27-2 được xem như ngày truyền thống của ngành y tế nước ta. Cho đến ngày 6-2-1985 Hội đồng Bộ trưởng quyết định chọn ngày 27-2 hằng năm là ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm tôn vinh và nêu cao trách nhiệm, tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có lẽ không đâu như Việt Nam ta, sự trọng ơn luôn gắn liền với nhiều ngày truyền thống để từ đó đồng bào được biểu thị tình cảm với những người đã cống hiến sức lực, tâm trí cho một đất nước hùng mạnh. Muốn một đất nước hùng mạnh thì mỗi người dân trước tiên phải có sức khỏe. Ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ ngành y tế mà cũng là dịp để chính người dân có những hành động cụ thể nhất để tri ân lực lượng chuyên biệt này. Bởi chính họ mới là người giữ gìn sinh mệnh của người dân. Lời kêu gọi hỗ trợ bác sĩ trẻ Phạm Trọng Nguyên ngay dịp chúng ta kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam mang một ý nghĩa sâu sắc bởi nó vượt ra ngoài câu chuyện bác sĩ - người dân, mà ở đây chính là sự biết ơn, tình người và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Có thể nói dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, đều phải nhìn nhận một năm qua ngành y tế đã có những bước tiến triển rất tốt. Có một sự kiện mà có lẽ ít nhiều người dân theo dõi sẽ cảm thấy hãnh diện bởi nền y học nước nhà đã có những bước phát triển tiệm cận thế giới, đó chính là Hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức tại Bệnh viện Đà Nẵng vào cuối tháng 9-2023 đã thu hút hơn 2.000 đại biểu đăng ký tham dự, hơn 700 đại biểu có mặt và nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ các quốc gia có nền y học phát triển bậc nhất cũng tề tựu về. Tín hiệu này cho thấy sự công nhận của cộng đồng y khoa quốc tế đối với Việt Nam. Đây được xem như hội nghị khoa học quốc tế về y học có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam, bởi có đến 200 bài báo cáo của 132 báo cáo viên trong nước lẫn quốc tế trình bày. Điều này cho thấy vị trí của y học Việt Nam đang dần được chú ý và ghi nhận trên phạm vi toàn cầu. Đó là một niềm vui và một sự vượt khó trong một năm kinh tế lẫn xã hội vẫn còn chịu tác động bởi hiệu ứng domino suy thoái toàn cầu.
Tuy vậy, vượt khó năm qua cũng chưa phải là một “bình minh tươi sáng” cho năm 2024 này. Bởi trong 10 chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Y tế vào hội nghị triển khai công tác y tế đầu năm 2024 vừa qua là 10 điều còn tồn động cần triệt để giải quyết như: đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế; tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến; thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam; xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng… Một nhiệm vụ đòi hỏi ngoài tinh thần trách nhiệm cao mà còn là câu chuyện y đức với lời thề Hippocraste.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, kể câu chuyện chàng bác sĩ trẻ, chuyện cộng đồng chung tay hỗ trợ hành trình ghép thận, hội nghị quốc tế về y học lớn nhất từ trước đến nay, và nhắc lại ba điều Bác gửi gắm trong tâm thư của 69 năm trước để thấy giá trị vẫn vẹn nguyên cùng thời cuộc. Đặc biệt nhất, trong bức tâm thư ngày ấy, ở điều thứ hai Bác nhắn gửi, câu cuối cùng Bác chốt lại: Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vâng, với đội ngũ cán bộ y bác sĩ của đất nước này, đó vẫn luôn là những con người mang đến sự vẻ vang cho cả dân tộc trong thời kỳ chiến tranh, lẫn dịch bệnh và nhất là ngay lúc này, khởi nguyên của 2024 đầy thách thức.
TỐNG PHƯỚC BẢO