Đà Nẵng cuối tuần
Xuân về qua ngõ
Xanh mướt một khoảnh vườn. Từng búp chồi lấm tấm nụ hoa trong không khí chộn rộn cuối năm. Với không ít gia đình, hương vị Tết dường như đã gõ cửa từ hai tháng trước, khi họ bắt đầu lật từng khuôn đất, rải vào đó những hạt mầm chờ xuân.
Và hoa, và cây len lỏi khắp phố, phía sân nhà, trên ban công, lặng lẽ tỏa mùi hương nhè nhẹ…
Anh Phạm Hữu Vỹ cho biết bản thân cũng ưa thích hoa vạn thọ nên mỗi năm đều tự tay trồng dịp Tết. Ảnh: T.Y |
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Đầu tháng Chạp, khu vườn của bà Nguyễn Thị Hồng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã có hơi hướng của mùa xuân, khi từ mặt đất ướt lạnh, những xà lách, tần ô, cải cay, hành, ngò, dưa leo... chen nhau mọc lên trên những khuôn đất hẹp. Bà Hồng nói, năm nay vợ chồng con trai, con gái đều về quê ăn Tết, nên gia đình nới thêm vạt rau và trồng vào đó tất cả yêu thương chờ ngày sum họp.
Vườn bà Hồng trồng nhiều loại rau, mỗi thứ một ít. Từ cổng vào, đã thấy những mầm xanh hong nắng bên thềm. Tài sản nhà nông trong ngày giáp Tết là những vồng rau. Có lẽ vì thế mà bà Hồng dành tất cả thời gian, sự bận rộn để chăm sóc khu vườn. Đã gần giữa tháng Chạp, những ngò, tần ô, rau thơm tỏa lan khắp vườn một mùi hương dịu nhẹ. Nhìn những vồng rau ấy, có thể hình dung cảnh bà Hồng cùng những cô con gái cầm chiếc rổ ra ngồi giữa vồng rau, nhón tay hái từng chút tươi xanh mang vào bày biện trên mâm cơm ngày Tết. Bữa ăn sum vầy có nhiều tiếng cười giữa thoang thoảng mùi thơm của rau ngò, giòn ngọt của dưa leo và nồng vị của lá hành, lá hẹ. Cũng như nhiều người Quảng, bà Hồng quan niệm “tháng Giêng ăn Tết ở nhà”, nên hầu như năm nào, bà cũng muốn tự tay trồng những vạt rau phục vụ bữa ăn gia đình. Ngày Tết, mâm cơm được dọn lên, chưa bao giờ thiếu rổ rau sống đủ đầy mùi vị, màu sắc của những loại rau hái từ vườn nhà.
Giữa những ngày tháng Chạp, dải đất ven sông Túy Loan từ xã Hòa Phong đến xã Hòa Phú luôn thấp thoáng những vườn rau đợi Tết. Nhà nào siêng còn có thêm hàng dưa leo, đậu ve hoặc khổ qua... Với kinh nghiệm đồng áng, người nông dân đã tính toán chi li thời gian sinh trưởng từng loại cây để bảo đảm vụ thu hoạch rơi vào đúng những ngày đầu năm. Ở vùng nông thôn, mùa rau Tết được ví von là mùa rau tận dụng, bởi ở đâu có đất, ở đó người dân sẽ xới trồng rau. Nhà nào vườn rộng thì đất vun thành vồng, không thì chen chúc dưới chân hàng đậu, hàng bí. Cái thú trồng rau “bon chen” này chỉ rộ lên sau tháng 10 âm lịch, khi những trận mưa rào dần nhường chỗ cho những ánh nắng mai.
Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan nói, ngay như hội viên HTX có hàng trăm mét vuông đất trồng rau ngoài đồng, họ vẫn chuẩn bị trong vườn nhà một vạt rau ăn Tết. Đó không đơn thuần là thói quen, mà minh chứng cho kiểu ăn Tết “tròn vị” của người Quảng: đủ đầy hương vị cay, nồng, ngọt, chát của rau mùi, rau sống. Theo ông Dũng, dù “chợ Túy Loan trăm thứ trăm ngon”, nhưng được “ăn rau nhà trồng” trong những ngày Tết vẫn là một điều gì đó đậm đà hương vị quê nhà. “Với tôi, đĩa thịt heo ngâm mắm chắc chắn sẽ kém ngon nếu thiếu rổ rau sống đi kèm, hoặc giữa đêm bụng đói, một bát mì tôm cũng thương nhớ vị hành ngò”, anh Dũng nói về gu ẩm thực của mình.
Những khu vườn đợi Tết
Hương sắc tháng Chạp, tháng Giêng được đếm bằng những mùa hoa nối tiếp nhau. Vài năm trở lại đây, dưới mỗi nếp nhà xứ Quảng, thú trồng hoa chơi Tết không dừng lại ở lay ơn, vạn thọ, thược dược, mà đã thêm những chậu ly, cúc, dạ yến thảo, tulip, đồng tiền, mãn đình hồng hay hướng dương. Nhạc sĩ Trần Hồng, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa, phong tục vùng đất xứ Quảng cho hay, Tết Nguyên đán khởi đầu cho một mùa xuân tràn trề nhựa sống, mà những bông hoa là biểu tượng của cái đẹp, của sự sống tiếp nối nhau.
Những tín hiệu của mùa xuân - mùa đẹp nhất trong năm - hiển hiện trong những chồi biếc, lộc non, hay trong những bông hoa nhiều màu sắc. Chưa kể, tục trồng hoa, chơi hoa ngày Tết còn xuất phát từ tục tạ ơn cây, tạ ơn mùa xuân của người xưa. Mỗi cuối năm, người làm vườn thường làm một cái lễ nhỏ, có hột nổ, pháo và ít giấy bạc dán vào gốc cây. Giờ không mấy người giữ lại tục này, nhưng trồng cây, chăm cây, để cây tỏa sắc trong nắng xuân rực rỡ cũng là thông điệp tạ ơn cây. Như chuyện ăn Tết giờ không chỉ để no, tục chơi hoa ngày Tết đã dần tiệm cận hơn với nhu cầu thưởng lãm cái đẹp của con người.
Có thể nói, hoa mang đến một sắc màu trang nhã không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt. Nếu như bình cắm ngày Tết của người Hà Nội thường có hoa đào, hoa mận, thủy tiên, violet, thì với người xứ Quảng, Tết gắn với hoa mai, hoa cúc, vạn thọ, thược dược, lay ơn… Cùng với việc mua hoa, sở thích tự trồng hoa chơi Tết cũng giúp không khí mua bán ở các nhà vườn ngày cuối năm thêm sôi động. Anh Phạm Hữu Vĩ, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Hạt giống xanh (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho biết khoảng 6 năm nay, tầm đầu tháng 10 âm lịch, anh bắt đầu ươm hạt giống các loại hoa để người dân mua về tự trồng. Chỉ trong 2 tháng, anh bán ra thị trường hàng ngàn cây giống các loại, giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn/cây. Số cây không bán hết, anh mang về trồng vào các chậu nhựa chơi Tết hoặc chia sẻ cho tổ dân phố trồng ở những bồn hoa công cộng.
Là khách hàng quen thuộc tại cửa hàng Hạt giống xanh, anh Trần Mạnh Hùng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết đây là năm thứ ba anh tự tay trồng hoa chơi Tết. Năm nay, anh mua gần 100 bầu cây giống gồm thược dược, vạn thọ, đồng tiền… về trồng chậu để nhớ hương vị “Tết ngày xưa”. Cùng với đó, anh trồng thêm một ít hoa sao nhái, cấy thêm vài nhánh mào gà. Anh bảo, mỗi loại cây anh trồng như để níu lại những mảng màu ký ức tuổi thơ. Hồi ba anh còn sống, ông không giỏi trồng hoa, nhưng Tết nào, trước sân nhà cũng có một vạt hoa vạn thọ bung màu vàng đượm. Vạn thọ là loài hoa dễ trồng, cứ đầu tháng 10 âm lịch, ba anh bắt đầu lấy hạt giống gieo thẳng vào luống đất trước sân, đồng thời, cắt những nhánh thược dược, lựa những củ lay ơn giâm vào thau, chậu. Thời tiết cuối năm dìu dịu, trong lành giúp cây sớm bén rễ, đâm chồi. Đó là khoảng thời gian rộn ràng của những thành viên trong gia đình, bởi cây đến ngày ra hoa - là gặp Tết.
Xuân dường như đã len lỏi trong từng câu nói như reo của anh Hùng. Theo anh, bây giờ việc trồng hoa dễ dàng hơn, bởi ngoài cây giống nhà vườn đã “canh vụ Tết”, người trồng cũng được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đất, phân bón phù hợp. “Nhờ thời tiết thuận lợi, nay nhiều cây đã “đóng nụ”, hứa hẹn một cái Tết sân nhà tràn ngập sắc hoa. Tôi cảm thấy rất vui khi có thể tự tay trồng, chăm sóc và chờ đến ngày hoa nở”, anh Hùng vui vẻ nói.
Cùng với mưa phùn, những ngày cuối năm nắng dịu như nuôi dưỡng những khu vườn đợi Tết. Gọi là đợi, bởi nó đã được người nông dân đong đếm vào đó biết bao tấm lòng và niềm hy vọng vào ngày mai: mừng xuân mới và mừng một khởi đầu mới. Không ít người Quảng bày tỏ rằng, tháng Giêng là tháng ăn chơi, nên trong vườn, trước hiên, sự đủ đầy, sung túc dưới mỗi nếp nhà thể hiện ở vồng rau xanh ngát, ở búp nụ mỡ màng. Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe cho rằng, tục ăn Tết của người Quảng là “lo Tết từ xa” hay “ăn bữa nay, để dành bữa mai”. Vì thế, tương tự việc trồng hoa, trồng rau, mọi miếng ngon, vật lạ đều được họ tích trữ để chỉ “ăn và chơi” dịp này. Ở khía cạnh nào đó, khu vườn rau xanh mướt như thấp thoáng hình ảnh tảo tần, vun vén của người phụ nữ, còn vườn hoa rực rỡ như món quà xuân đầy yêu thương, ý nhị mà người đàn ông muốn dành tặng những thành viên trong gia đình khi mùa xuân vừa chạm ngõ.
TIỂU YẾN