Đà Nẵng cuối tuần
"Poor Things" ghi dấu ấn nhờ thiết kế bối cảnh siêu thực
Thắng giải Sư tử Vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Venice lần thứ 80, bộ phim “Poor Things” của đạo diễn Yorgos Lanthimos được dự báo là một trong những bộ phim giành nhiều giải cao tại Oscar năm nay. Mặc dù không đoạt giải cao nhất, nhưng “Poor Things” đã chiến thắng 3 hạng mục giải thưởng Oscar 2024 liên quan đến thiết kế.
Bối cảnh được quay bằng nhiều góc rộng và góc cao để khán giả có thể nhìn thấy được sự kỳ công của tác phẩm. Ảnh: Searchlight Pictures Pressroom |
Tại lễ trao giải Oscar 2024, đoàn làm phim “Poor Things” đã 3 lần được xướng tên chiến thắng trong các hạng mục “Làm tóc và trang điểm xuất sắc”, “Thiết kế sản xuất xuất sắc” và “Thiết kế trang phục xuất sắc”. Được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1992 của nhà văn Alasdair Gray, nội dung phim xoay quanh một cô gái trẻ có tên Bella sống ở thế kỷ XIX, Bella từng tự sát. Sau đó, cô được một nhà khoa học giúp làm sống lại. Lúc này, Bella quyết định bỏ trốn cùng với một luật sư có lối sống phóng túng, trụy lạc. Trong cuộc hành trình phiêu lưu này, Bella đã có những phát hiện mới về bản thân mình.
Cùng với kịch bản độc đáo, phần thiết kế bối cảnh là nền tảng quan trọng để thể hiện mạch phim, bổ sung cho những chuyển biến tâm lý của nhân vật ít lời thoại, từ đó tạo nên sự thành công của bộ phim. Để làm được điều này, hai nhà thiết kế James Price và Shona Heath phải tìm hiểu kỹ tâm trạng và tính cách nhân vật, sau đó đưa ra các ý tưởng và cách kết hợp chúng để thể hiện hành trình trưởng thành đầy vụn vỡ của Bella.
Bộ phim được chia thành ba bối cảnh chính: ngôi nhà của Godwin Baxter - nơi Bella được trao tặng cuộc đời mới nhưng cũng là nơi giam cầm cô; thành phố Lisbon rực rỡ - điểm đến đầu tiên trên hành trình tìm hiểu bản thân và giải phóng tình dục; và cuối cùng là thế giới hiện thực tối tăm và tàn khốc thể hiện qua khu ổ chuột Alexandria, Paris và con tàu viễn dương. Nhờ thiết kế bối cảnh siêu thực, thông qua đôi mắt và ham muốn trưởng thành của Bella, đã dẫn dắt khán giả thâm nhập vào thế giới tâm lý đầy phức tạp của nhân vật chính.
Đặc biệt, đội ngũ sản xuất đã cắt ghép tất cả những phong cách kiến trúc, chất liệu nghệ thuật khác nhau vào trong ngôi nhà của bác sĩ Godwin Baxter, đồng thời bổ sung thêm lối xây dựng xâm lấn vào tường và ưu tiên không gian mở để tạo sự đồng bộ với thiên hướng của nhân vật. Thay vì hoàn thiện từng căn phòng, ngôi nhà được thiết kế thành một khối, cho phép các diễn viên dễ dàng di chuyển từ không gian này sang không gian khác trên màn ảnh, tăng mức độ chân thực cho bối cảnh.
Trong suốt đoạn đầu bộ phim, ngôi nhà của bác sĩ Godwin Baxter hiện lên với bảng màu đen trắng, biểu thị cho việc giam cầm một Bella hoang dã. Chỉ ở những phân đoạn cuối cùng, nơi này mới có lại sắc màu, chứng tỏ Bella đã hoàn toàn thoát ra khỏi sự kìm hãm mà đàn ông và cuộc sống khắc nghiệt dành cho cô, từ đó thấu hiểu bản thân và theo đuổi công bằng cho nữ giới.
Cả hai nhà thiết kế James Price và Shona Heath đã chọn cách thể hiện thông qua góc nhìn của Bella một cách tỉ mỉ và chi tiết. Thành phố Lisbon phải đủ rộng để nhân vật có thể đi lang thang và lạc trong thế giới đẹp đẽ đó. Nguồn sáng tự nhiên được tận dụng một cách tối đa, vừa giúp tăng thêm tính linh hoạt cho quá trình quay phim vừa thỏa mãn tầm nhìn đầy tham vọng của đạo diễn Yorgos Lanthimos.
Mỗi địa điểm Bella bước vào đều song song với quá trình trưởng thành, sự thức tỉnh tình dục và khám phá bản thân của cô. Khi Bella thay đổi thì thiết kế của phim cũng thay đổi theo, diện mạo của cả thành phố thích ứng với nhận thức ngày càng hoàn thiện của nhân vật. Các nhà thiết kế bối cảnh đã làm được khi cho khán giả thấy Bella trải nghiệm nhiều thứ trong lần đầu tiên nhưng cuối cùng cũng phải trải qua thực tế khắc nghiệt của thế giới, nơi mọi người không bình đẳng và phụ nữ phải đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây cũng là lý do giúp bộ phim chiến thắng các hạng mục giải “Thiết kế sản xuất xuất sắc” và “Thiết kế trang phục xuất sắc” tại giải Oscar năm nay.
TÂM NHƯ