Đà Nẵng cuối tuần
Tiết phụ họ Trần làng Quang Châu
Những bậc cao niên ở làng Quang Châu bây giờ người mất, người còn. Mà có còn đi chăng nữa cũng không đủ minh mẫn để kể chuyện ngày xưa. Thế nhưng câu chuyện về bà Hai Băng tức bà Trần Thị Băng vẫn chảy dài theo thời gian và lấp lánh một màu huyền thoại.
Bà Trần Thị Cả trước bàn thờ ông Học Băng, cha của bà Hai Băng (ảnh trái) và nhà thờ Thái Phiên, chồng bà Hai Băng, ở làng Nghi An. Ảnh: K.H |
Không được nhắc nhiều trong các bài nghiên cứu về Chí sĩ Thái Phiên nhưng bà Trần Thị Băng, người vợ thứ hai của nhà chí sĩ quê làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) lại là nhân vật huyền sử trong tác phẩm Rồi máu lên hương của Nguyễn Văn Xuân và Vầng trăng ban ngày của Vĩnh Quyền.
Người có công đầu trong phong trào Duy Tân
Bà Hai Băng là ái nữ đầu lòng của nhà phú hộ Trần Thượng Hữu, ông được người đương thời gọi là Học Băng. Học, chỉ nghề của ông, hương sư dạy học ở làng thời Pháp, còn gọi là Cửu Học. Băng, tên người con đầu của ông, ngày trước người miền Trung có lệ lấy tên con đầu để gọi thay tên thiệt của cha mẹ để tỏ sự kính trọng.
Người ta vẫn nói rằng cuộc hôn nhân của bà Trần Thị Băng với Thái Phiên là vì nghĩa hơn là vì tình. Hồi đó bà Hai Băng là thiên kim tiểu thư nhà phú hộ, lắm nơi môn đăng hộ đối dòm ngó. Ông Học Băng tuy là người giàu có nhưng rất hào sảng, và giàu lòng yêu nước. Vì vậy khi nghe Tú tài Đỗ Tự (người làng Diệm Sơn, nay thuộc xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn), một đồng chí của Thái Phiên làm mai mối, dù con gái mình chỉ là vợ kế (vợ đầu Thái Phiết mất sớm) nhưng ông Học Băng vẫn bằng lòng gả bởi sự cảm kích nghĩa khí của bậc anh tài. Trong cuốn Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua những tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết đám cưới được ông Trịnh Thiện Giáo, cha vợ trước của Thái Phiên đứng làm chủ hôn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, trong tác phẩm Phong trào Duy Tân (NXB Đà Nẵng, 1995) cho biết, ông Học Băng là người có nhiều đóng góp cho phong trào: “Nông hội Yến Nê rộng chừng 20 mẫu ta. Đất này do lý hương tự ý cắt cho một phần, phần khác do những người có tâm huyết cúng vào. Người có công đầu là ông Học Băng ở Quang Châu”.
Nhân vật từ trang sách bước ra ngoài đời
Khi xây dựng nhân vật Trần Thị Băng, tiết phụ họ Trần ở làng Quang Châu, không rõ các tác giả có dựa vào chất liệu lịch sử và hư cấu một số tình tiết hay không mà cả hai đã không giữ nguyên tên họ nhân vật. Trong truyện ngắn Rồi máu lên hương, nhà văn Nguyễn Văn Xuân bà mang họ Nguyễn. Ở Vầng trăng ban ngày, nhà văn Vĩnh Quyền ghi rõ tên bà là Nguyễn Ngọc Băng.
Trong căn nhà 3 gian nhuốm màu thời gian, bà Trần Thị Cả thật thà kể về người cô ruột của mình: “Sau khi dượng Thái Phiên bị xử trảm, cô Hai Băng đau buồn cũng qua đời khi còn rất trẻ. Còn việc cô có ra pháp trường ở Huế để chứng kiến giây phút chồng mình bị xử trảm hay không thì con cháu đời sau không nghe các cụ trong dòng họ kể đến. Sau này nhiều người đọc sách mới biết đến cái chi tiết đau lòng này”.
Những người đọc Rồi máu lên hương của Nguyễn Văn Xuân không khỏi xúc động về cuộc đời người vợ kế của thủ lĩnh Thái Phiên. Cả đời bà chỉ gặp chồng vẻn vẹn có hai lần là đêm tân hôn và lúc ra pháp trường. Hình ảnh người phụ nữ yếu đuối ấy đã xông ra giữa pháp trường để ôm lấy cái đầu của chồng vừa mới bị chém rời khỏi cổ: “Nàng áp cái đầu đầy máu me vào ngực mình, như không một vật nào cao quý linh thiêng, yêu dấu bằng, như thể nó chính từ bộ phận máu xương từ cơ thể nàng bị đứt ra”. Rồi trước khi bị quân lính lôi ra khỏi pháp trường, bà đã kịp lấy mái tóc dài thấm đẫm máu của chồng và lưu giữ nó xem như là một kỷ niệm thiêng liêng, quyết không gội đầu cho tới lúc chết… Nguyễn Văn Xuân đã để lệ ứa ra ngòi bút của mình khi viết: “Nàng chết đi, tay vẫn đè trên đống tóc như thể sợ người ta sẽ nhẫn tâm đem nó đi để gội rửa cái chất máu lên hương, chất máu đã làm cho nàng gần gũi với chồng nàng lúc sống và rồi đây cả khi vĩnh viễn rời bỏ cõi đời”.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân quả là tài hoa khi ông không chỉ chắt lọc chất liệu lịch sử mà còn đưa nhân vật từ trang sách bước ra ngoài đời một cách bi hùng, lẫm liệt. Từ đó đến nay, người làng Quang Châu vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện về người tiết phụ họ Trần như một niềm tự hào về lòng thủy chung băng khiết! Vừa rồi dân làng truyền nhau ca khúc “Chiều Quang Châu quê tôi” trong đó có nhắc đến chuyện xưa: Về làng Quang Châu yêu thương. Người con gái năm xưa đâu rồi. Trung trinh gánh nước non theo chồng. Soi gương sáng trong lòng muôn dân...
KHẢ HÂN