Đà Nẵng cuối tuần
Vọng về tên làng cũ
Sau hàng chục năm sáp nhập để… lên phường, những tên làng biển cũ như Cổ Mân, Nam Thọ, Mân Quang, Tân An, Tân Thái, Hà Khê, Nam Ô… thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu của bậc cao niên sống dọc bờ biển Đà Nẵng. Bởi với họ, tên làng xưa luôn là một phần ký ức sinh động, thiêng liêng, nhất là khi những mái đình mang tên làng cũ vẫn hằng ngày in bóng giữa đời sống thị dân…
Sau nhiều thế kỷ, người dân Nam Ô vẫn gắn bó với nghề chài lưới. Ảnh: T.Y |
Nam Ô có phải Nam châu Ô?
Câu hỏi Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) có phải phía Nam châu Ô xưa như chạm vào nỗi băn khoăn lớn nhất của ông Đặng Dùng, người được ví “pho sử sống” ở ngôi làng biển nằm dưới chân đèo Hải Vân. Theo ông Dùng, câu chuyện bắt nguồn từ một bài nghiên cứu của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong đó, nhà văn đã đứng ở “cái ngưỡng” của đất nước là đèo Hải Vân để nhớ lại cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân và vua Chăm Chế Mân, đã đem về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý. Theo lý giải này, Hải Vân trở thành ranh giới cuối cùng ở phương Nam của hai châu “hồi môn” ấy. Sau này, năm 1553, tiến sĩ Đường Văn An đã gọi chung hai châu ấy là Ô Châu, như dân gian thời bấy giờ gọi là “Ô Châu ác địa” trong Ô Châu cận lục.
Hiển nhiên, không có chỉ dẫn sử học cụ thể nào cho biết rõ nguồn gốc của vùng đất Nam Ô ngoại trừ những dấu tích con người để lại trên đường di dân từ Bắc vào Nam. Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, ông Dùng mang điều trăn trở, hoài nghi của mình hỏi các bậc cao niên am hiểu lịch sử trong làng, thì được các cụ cho biết ngôi làng biển này từng mang tên Nam Ổ, Hóa Ổ, Hoa Ổ… Ngoài ra, còn có tên gọi theo các xứ cổ như Vĩnh Thành (xứ Cổ Việt), Trà Bì xứ (đất cổ của người Chăm). Theo các bậc cao niên, qua thời gian, tên làng đã được cải danh theo lịch sử riêng của nó, như từ Hoa Ổ, thành Hóa Ổ, Nam Ổ và gọi trại thành Nam Ô như hiện nay.
Trải qua bao thay đổi về tên gọi hành chính, dân làng Nam Ô vẫn tự hào về vùng đất có tuổi đời hơn 700 năm. Trong hương ước làng, ghi Nam Ổ vốn tên của một nhà trạm, được thiết lập cạnh đường cái quan thời vua Gia Long thứ 15 (1816). Trạm này được đặt ở xã Cu Đê, nguyên trước đây là trạm Cu Đê, là một trong bảy trạm ở tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ. Trong thư tịch đời vua Tự Đức có chép chuyện đấu tranh chống Liên quân Pháp - Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng năm Mậu Ngọ (1858), có nhắc đến trạm Nam Ổ, nơi dân binh đã anh dũng chiến đấu và hi sinh, sau đó được người dân quy tập trong một nghĩa trủng giữa làng. Riêng từ Ổ thành Ô, theo tác giả Nguyễn Minh Triều trong sách “Quảng Nam - Đà Nẵng qua các triều đại phong kiến”, thì “Nam Ổ lần hồi vào các công văn, văn bản, bản đồ của người Pháp, tiếng Pháp không có dấu thanh, cứ thế… gọi Nam Ô, lâu ngày thành quen”.
Ngày nay, những dấu tích còn lại ở Nam Ô nhắc nhở cháu con về một làng biển xuyên suốt từ nền văn hóa Chăm sang Đại Việt. Ngoài Lăng Ông với tập tục thờ cúng cá Ông, còn phải kể đến bài vị cổ lưu dòng chữ “Nam Hải cư tộc ngọc lân chi thần”, biển sắc “Long ngự chính trung” (tạm dịch Vua biển ở đây), xuất hiện khoảng năm 1934 và bức hoành Trạch Tuyết Linh (loài linh thiêng nhất trên vùng biển) xuất hiện khoảng năm 1851 được đặt ngay ngắn ở khu vực chánh điện Lăng Ông. Bản thân ông Dùng, dù đọc rất nhiều tài liệu nghiên cứu về Nam Ô, vẫn không khỏi băn khoăn trước lịch sử hình thành vùng đất này, bởi càng đọc, ông càng thấy tư liệu mình tiếp cận cứ thế nối dài, chưa có hồi kết.
“Có lần, tôi hỏi các cụ túc nho trong làng về tên gọi Nam Ô, các cụ bảo, từ Ổ là cách cấu tạo “hội ý” của chữ Hán, gồm bộ Thổ và hình thanh Ô, đọc là Ổ - có nghĩa là cồn (cát). Còn Hoa Ổ, gọi là Cồn Hoa. Không biết Thổ (đất) mất từ hồi nào mà thành Ô (con quạ). Con quạ đứng một mình thành Nam Ô. Theo cách diễn đạt này, thì Nam Ô không phải vùng đất phía Nam châu Ô như nghi vấn trong câu hỏi của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Càng đọc, càng tìm hiểu tôi càng thấy thú vị, tự hào về vùng đất còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa có lời giải này. Và đó cũng là lý do lịch sử vùng đất sẽ sống mãi trong lòng con cháu Nam Ô”, ông Dùng hóm hỉnh nói.
Còn đó những trầm tích
Trong hành trình di dân đến vùng đất Quảng Nam cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII của các đời vua, chúa thời Nguyễn gắn với sự ra đời của nhiều làng biển dọc theo vịnh Đà Nẵng. Trong đó, làng Hà Khê (thuộc địa phận phường Xuân Hà ngày nay) nằm về cuối dải khe Thanh Khê, sát bờ biển, là một trong 11 làng do tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam quản lý. Thời kỳ này, Hà Khê là làng chài duy nhất nằm ven vịnh Đà Nẵng cho đến khi cắt nhập về nhượng địa Tourane thời thuộc Pháp.
Cùng với quá trình đô thị hóa, không còn quá nhiều dấu tích về làng biển Hà Khê ngoài những tư liệu lịch sử được dòng họ Nguyễn cóp nhặt, giữ gìn. Ông Nguyễn Văn Ngọc, hậu duệ của dòng họ Nguyễn - dòng họ tiền hiền có công khai khẩn đất hoang, lập làng chài Hà Khê - cho biết, gia phả họ Nguyễn phường Xuân Hà có ghi lại vào nửa thế kỷ XVII, thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, ông Nguyễn Công Mao từ quê Thanh Hóa dẫn theo con trai là Nguyễn Công Tuân vào đây khai khẩn đất hoang, lập làng chài lưới, bày người dân cách làm thúng chai, đánh bắt hải sản gần bờ. Hai cha con cất chòi kiếm sống bằng nghề chài lưới quanh khe Phú Lộc đến dọc bờ biển Xuân Hà. Sau khi mất, cha con ông Nguyễn Công Mao được người dân xây mộ, phong làm tiền hiền và dựng đình thờ cúng.
Nhiều năm nghiên cứu văn hóa làng xã Đà Nẵng, TS. Lê Thị Mai, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, tên đất, tên làng không đơn thuần là tên gọi hành chính, mà ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử cùng những biến thiên của thời cuộc. Ví như, những tên làng Cổ Mân, Nam Thọ, Mân Quang, Nại Hiên, Tân Thái… tuy không còn được nhắc đến như một tên gọi hành chính quan trọng, nhưng vẫn luôn bám rễ bền chặt trong đời sống văn hóa thị dân, qua những tên gọi khu vực dân cư Tân An, Nam Thọ…
Gần 80 tuổi, lão ngư Lê Văn Trước (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho hay, ở thế hệ ông, không người dân nào không nhớ ba cột mốc thời gian gắn với sự hình thành, phát triển phường Mân Thái, bắt đầu từ việc hình thành ngôi làng Tân An vào năm Canh Tân 1740. Đến năm 1903, làng Tân An đổi tên thành Tân Thái và sau đó bị “xóa sổ” khi chính quyền Sài Gòn sáp nhập các làng Tân Thái, Cổ Mân thành phường Mân Thái năm 1973. Ông Trước khẳng định, dù tên làng cũ không còn, nhưng lịch sử hình thành vùng đất vẫn hiển hiện ở hai ngôi đình cổ Tân Thái và Cổ Mân như một chứng tích sinh động của thời gian.
Như Tân Thái và Cổ Mân, chính quyền Sài Gòn quyết định sáp nhập làng chài Nam Thọ, Mân Quang thành phường Thọ Quang cũng trong năm đó. Dẫu không còn tên gọi trên bản đồ hành chính, nhưng đình làng Nam Thọ vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương. Nơi người dân bày tỏ ước nguyện xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe cho biết, việc gìn giữ những ngôi đình mang tên làng, xã từ thuở sơ khai cho thấy người Việt rất coi trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong số đó, đình Nam Thọ là nơi lưu giữ số lượng lớn sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Có tất cả 34 bản sắc phong còn tương đối nguyên vẹn, sớm nhất là sắc năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và muộn nhất là sắc năm Bảo Đại thứ 9 (1933).
Có thể nói, những làng chài cũ đã dần khuất bóng trong đời sống thị dân, nhưng lời ăn tiếng nói của người dân qua bao thế hệ vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa biển và những lễ nghi, tập quán, tục thờ cúng trên bờ. Và với họ, tên làng biển không còn đơn thuần là tên gọi hành chính, mà chất chứa trong đó những giá trị đạo lý, thủy chung được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhất là ở những gia đình còn theo nghề biển.
Tên đất, tên làng không đơn thuần là tên gọi hành chính, mà ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử cùng những biến thiên của thời cuộc. Ví như, những tên làng Cổ Mân, Nam Thọ, Mân Quang, Nại Hiên, Tân Thái… tuy không còn được nhắc đến như một tên gọi hành chính quan trọng, nhưng vẫn luôn bám rễ bền chặt trong đời sống văn hóa thị dân, qua những tên gọi khu vực dân cư Tân An, Nam Thọ… |
TIỂU YẾN