Đà Nẵng cuối tuần
Bến bình yên
Hắn cố bịt tai, hết xoay bên này, lại nghiêng bên nọ vẫn không tài nào chợp được mắt. Tiếng lộp độp đều đặn của cơn mưa đêm cứ dội lên các bức vách, thao thiết. Đêm nay, đêm đầu tiên hắn xa căn chòi thênh thênh gió, mênh mông nước và ăm ắp kỷ niệm.
Người ta gọi hắn là Lượm. Mà không gọi thế thì cũng chẳng biết gọi bằng gì cho phù hợp. Lượm sống một mình trong căn chòi tứ bề gió thổi. Ba mẹ hắn người vùng khác, sống lênh đênh trên một chiếc ghe nhỏ. Hôm vô tình nhặt được hắn trong lùm rác trôi giữa sông với mớ đồ sơ sinh nhì nhằng, họ đã rú lên, không biết vì vui mừng hay kinh hãi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ ngày nhặt được hắn, bao nhiêu thứ phát sinh. Với hai người trưởng thành ăn đâu, ngủ đâu cũng được, cuộc sống đơn giản. Nhưng một đứa trẻ sơ sinh thiếu hơi sữa thì thật phiền phức. Chưa kể nó lớn lên phải đi học, phải có bạn bè. Suy đi tính lại, họ tấp vào mé sông này, dựng chòi, làm nơi tá túc. Cuộc sống vui vầy ngắn ngủi. Người ta nói sinh nghề, tử nghiệp, quả không sai.
Hôm bão lớn, hai ông bà bồng Lượm vào làng gửi nhờ, chờ ngưng gió, hai người lao ra sông kiếm sống. Từ ngày có Lượm, họ không còn cảnh làm ăn cuốn chiếu nữa, phải tằn tiện tích cóp. Nói gì thì nói, thằng Lượm ấy, dẫu không cốt nhục thì cũng trời cho.
Chẳng hiểu vì sao những bất trắc lớn trong cuộc đời cứ đổ xuống dồn dập khiến hai người đành bỏ xứ tha hương, xui rủi thế nào lại tấp vào nhánh sông này. Con người ta, khi đạt tới cảnh giới tối thượng của sự chịu đựng thì mọi khó khăn cũng trở nên bình thường. Vốn không nhiều mưu cầu, chỉ mong một cuộc sống an nhiên nay bỗng dưng thỏa chí. Ông bảo với vợ, mình được nhiều hơn mất, vợ ạ! Bà cũng cười, đâu cứ phải xống áo xênh xang, đâu cứ mâm cao cỗ đầy mới là hạnh phúc. Ông còn bảo, nhờ những trận đòn trối chết của cha từ bé, những cứ tát sấp mặt của đời mà bây giờ vứt đâu cũng sống được. Mà ai cũng chỉ sống một lần trong cuộc đời này thôi, không để hoài phí.
Những buổi chiều trên chiếc ghe nhỏ, ông giăng lưới, bà nhẹ tay chèo. Đêm, hai người vừa thu lưới vừa nhặt cá tôm, nghe gió ràn rạt, nghe nước lóc cóc dưới mạn ghe, nằm ngửa nhìn trời sao thấy lòng bằng an quá đỗi.
Sớm, khi bình minh vừa ló rạng, ghe ông bà tấp vào chợ quen. Tiếng chèo kéo, tiếng tranh giành của mấy mụ buôn đinh cả tai. Ban đầu chưa quen ông cũng bị choáng, riết rồi nghiện cả tiếng ơi ới ồn ã ấy. Hôm nào không giăng được cá, không bắt được tôm, không ghé chợ là buồn không chịu được.
Lúc nào mớ cá tôm của hai người cũng được mua sạch, đổi lại là gói thuốc, bịch trà, mớ rau, cái bánh. Chiếc ghe nhỏ lênh đênh, đời lênh đênh, cả những giấc mơ cũng lênh đênh.
***
Ông tự tin với tay chèo của mình, khéo léo đưa chiếc ghe nhỏ băng băng qua từng con nước. Lũ bất ngờ tràn về, ồng ộng. Gió. Gió điên cuồng gào rú. Gió quật tơi tả những rặng cây ven sông, những lùm lau lách ngã rạp thân mình. Những quầng nước ào ạt. Một cơn gió mạnh tạt qua, tay chèo ông lạc nhịp. Hai tay bà bám chắc thành ghe, mắt ông hằn lên như chính dòng nước nhuốm đỏ phù sa. Chiếc ghe quay mòng mòng hồi lâu trong cơn gió xoáy rồi mất hút trước sự kinh khiếp lẫn bất lực của mọi người.
Lượm lại mồ côi. Được làng cưu mang, hắn sống nhờ hôm nhà người này, mai nhà người nọ. Lớn lên xíu, hắn về lại căn chòi nhỏ, nơi có chiếc kệ thờ với hai bát hương lạnh lẽo.
Hắn làm chân chạy việc trên chợ, ai sai gì làm nấy, từ gánh nước, bửa củi, tới bưng bê và cả những việc lặt vặt không tên. Hôm nào chợ ế, người ta trả công bằng đồ ăn không bán được, hắn lại phải mang về chòi dành cho bữa tối.
Hôm cô Ba mì đề nghị, hay mày lên coi quán cho tau, tau bao ăn ngủ luôn khỏi phải đi về phiền phức. Những người trên chợ cũng đồng tình hưởng ứng, bảo thôi dạo này bà Ba bán cũng được, mày cứ ở hẳn đó phụ bả, không cần phải chạy lăn tăn hết chỗ này tới chỗ nọ, đỡ nhức cái đầu. Gọi là có chỗ làm ăn ổn định. Hắn nghĩ lung lắm. Gì chứ tự nhiên rời cái nơi mình gắn bó từ lúc bé tí đâu có dễ. Hắn nhớ căn chòi, hắn nhớ…
Bà Năm khèo tay hắn nói nhỏ:
- Thôi con cứ nhận lời, ở thử vài hôm không được lại về. Đang thời buổi khó khăn này, không phải thon thót lo bữa đói bữa no là mừng rồi. Khi nào bây lớn bộn tí nữa, bây ra phố mà tìm việc, mà mở mang với người ta, chứ ở cái chợ quê này, biết bao giờ mới khá lên được.
Hắn nghe cũng có lí. Hắn dọn đồ lên ở hẳn trên này. Hành trang chỉ là túm đồ bỏ trong chiếc túi ni lông đã cũ. Cô Ba chỉ vào góc buồng được quay bằng tấm vải thun bóng, hắn rụt rè móc đồ lên chiếc đinh có sẵn.
Công việc thì vẫn vậy, cũng chừng ấy con người trong cái chợ lèo tèo mấy gian hàng. Tiếng gọi nheo nhéo sai xách nước của chị Lam gội đầu khiến hắn vội vàng để tô mì đang ăn dở vào trong góc bàn. Cô Ba đì vai hắn xuống:
- Ăn hết rồi làm cho tau, không phải làm cho ai nữa, từ nay là người của tau, nhớ chưa!
Thằng Lượm ngẩn người mất mấy giây, nghĩa là hắn cũng sẽ không bửa củi cho bà Năm, không chặt đá cho cô Tư, không rửa chén cho cô Sáu?
- Mày vẫn làm các việc đó mỗi ngày, nhưng chỉ cho riêng mình tau thôi hiểu không con, mày ngu quá! Cô Ba xách nhẹ tai nó, cười cười.
Dần rồi mọi thứ cũng vào nền nếp. Không phải lo bữa đói bữa no, không bị lạnh co ro trong chiếc chòi toang hoác gió, Lượm có da có thịt hẳn ra. Nhìn hắn ra vẻ trống choai với cái giọng ồ ồ, ai cũng mừng cho hắn. Cô Ba mì có lần vuốt tóc hắn bảo, khéo lại “hót bôi” rồi bỏ tui, bỏ quán. Hắn tẽn tò cười, đôi mắt một mí cứ tít cả lại.
Đêm mưa, cô Ba tất tả tông cửa chạy vào. Hắn giật mình hoảng kinh, người cô ướt nhẹp, mớ tóc bết vào hai bên má, chiếc tráng u một cục đỏ tấy.
- Cô, cô làm sao vậy hả?
Giọng hắn lắp bắp, đôi tay run rẩy đỡ cô ngồi xuống chiếc ghế kê sát vách.
Hắn tìm mãi mới thấy chai dầu dưới đáy túi đồ. Ngón tay run run chạm vào chỗ sưng, mặt hắn co lại theo mỗi cơn hít hà của cô. Tự dưng, hắn thấy thương cô quá đỗi, người phụ nữ này, mẹ của ba đứa trẻ, vợ của một gã đàn ông say xỉn tối ngày. Mắt hắn nhòe đi, chai dầu rơi khỏi tay khiến hắn giật mình thảng thốt.
Cô Ba còn trở lại quán nhiều lần như thế nữa. Mỗi lần là một vết u sưng chỗ khác. Vết này chưa lành, vết khác đã xuất hiện. Mọi người bất bình trước sự ngang ngược của người chồng. Cô Ba bảo cô không thể bỏ gã chồng tệ bạc ấy được, dù sao thì hắn cũng là cha của các con, là chủ ngôi nhà ấy. Giờ bỏ gã, mẹ con cô biết đi đâu.
Chợt mắt thằng Lượm sáng lên:
- Về nhà con!
Cô Ba bật cười thành tiếng. Hắn chạnh lòng nhìn những vạt màu trên trán, trên má cô. Cả cái u to tướng trên đỉnh đầu.
- Tào lao, nhà mày đâu mà bảo tau về hả con?
Cô vừa nói vừa cười như mếu, tay sờ lên đầu lần tìm vết sưng, bôi dầu rồi thở hắt ra.
Lượm nhìn chăm chăm vào từng vết đau ấy, nghe ngực mình tê buốt. Lũ con cô Ba chẳng biết có thương mẹ không, sao chẳng thấy đứa nào phản ứng.
Cô Ba cười chua chát:
- Nhào vô cho ổng chém cả mẹ cả con hả?
- Thì chém lại cho ổng chừa! Làm chi mà hà hiếp nhau quá đáng vậy.
Cô Ba trố mắt nhìn hắn. Lần đầu Lượm quật lại câu nói của cô bằng một chất giọng ồ ồ, ánh mắt hằn lên vẻ căm thù. Sao hắn lại có thái độ ấy nhỉ. Cô Ba cười buồn. Hắn làm sao biết trong cô đang nghĩ gì. Cô không thể ra khỏi nhà với đôi bàn tay trắng. Gã đàn ông này mê rượu, mê thuốc hơn gia đình, có mỗi cái bìa đỏ đáng giá cũng bị gán cho bọn cầm đồ. Cô đã chuộc lại rồi, có chết cô cũng ở đây. Còn nhà là còn lẽ sống. Các con cô là lẽ sống. Nhưng cô cũng không chắc lắm liệu có giữ nỗi cái nhà cho các con không. Cô chạnh nghĩ đến lời của Lượm. Thì cũng chỉ là chỗ ra chỗ vào thôi mà, có cần phải bán mạng để giành giật thế không!
Thằng Lượm không chịu được cảnh đó, hắn ôm bọc đồ về lại mé sông. Bến sông đìu hiu gió, mênh mông nước. Hắn nằm dài lên chiếc sạp tre nghĩ ngợi. Hắn nghĩ về một nơi xa lắm, có hắn, có ba mẹ, có cả cô Ba. Hắn thấy cô Ba thật đẹp, mái tóc dày và nụ cười hiền, không có một vết sưng u nào cả. Tự bao giờ, trong hắn có một niềm thương da diết. Hắn không hiểu tình yêu thương là gì, nhưng sâu thẳm, mỗi lúc chông chênh nhất, hắn lại nhớ đến nụ cười cô Ba khi nhìn hắn, khi vuốt tóc hay bẹo má hắn.
Hắn nhìn vào góc chòi tối om, nơi có hai bát nhang nguội lạnh, miệng lầm rầm khấn. Ở đâu lòng thấy bình an, hạnh phúc, ở đấy ắt hẳn là nhà. Căn chòi này sẽ là bến bình yên đợi hắn. Ba mẹ vẫn ở đây đợi hắn. Mai này, khi hắn quay về, biết đâu người đầu tiên hắn gặp, không ai khác lại là cô Ba.
Ngoài xa, từng con nước nhỏ trôi xuôi về miền biển cả. Cuộc đời này là đại dương bao la, và hắn cũng như một con nước nhỏ, rụt rè rời bến bình yên để tìm ra biển lớn.
HỒ LOAN