Đà Nẵng cuối tuần
Để mạch nguồn chảy mãi
Trong câu chuyện gom nhặt suốt mấy chục năm cống hiến của 4 nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vừa được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND và NSƯT, luôn hiển hiện hai từ “trách nhiệm”. Trên hành trình nghệ thuật, dù ở vai trò nào, họ vẫn là một phần trong dòng chảy bất tận của văn hóa truyền thống nói chung, tuồng nói riêng.
NSƯT Nguyễn Tấn Đông hướng dẫn lứa diễn viên trẻ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cách vẽ mặt nạ khi lên sân khấu. Ảnh: X.S |
Họ đều là những nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật tuồng xứ Quảng với thâm niên công tác ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Có người đã về hưu như NSND Phan Thị Lan Phương, NSƯT Hồ Xuân Diệu; người vẫn còn “đi đi về về” với những chương trình biểu diễn hằng tuần như NSND Phan Văn Quang và NSƯT Nguyễn Tấn Đông.
Đi cùng tuồng với tháng năm
Rời ánh đèn sân khấu, NSND Phan Thị Lan Phương và NSƯT Hồ Xuân Diệu trở thành hàng xóm của nhau trên một con phố nhỏ ở quận Sơn Trà. Sau nhiều năm tháng lui về hậu trường, dù tóc đã bạc, dù sức vóc đôi khi không khỏe, ông bà vẫn vẹn nguyên nhiệt huyết khi nhắc về tuồng từ những ngày đầu tiên chạm ngõ sân khấu cho tới hôm nay.
Ở chương đầu tiên trong thước phim của cuộc đời nghệ thuật, NSND Lan Phương nhớ như in ngày cô gái trẻ quê huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) bắt đầu vào chiến trường, theo chân đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ, nhân dân Khu 5 từ thập niên 70 của thế kỷ trước, tham gia Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam (tiền thân của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh)… Thước phim đó, có mấy ngày đi bộ vào chiến khu với hành trang nghệ sĩ là chiếc ba-lô nặng trĩu phục trang và đạo cụ phân theo vai diễn; có buổi diễn giữa rừng xanh bạt ngàn, xung quanh là tiếng vỗ tay cổ vũ của những người lính mặt ám khói sương. Cận cảnh chút nữa, có bữa cơm đơn sơ trong lều lá do bác Hai Mạnh (Đại tướng Chu Huy Mân) chiêu đãi…
“Các anh bộ đội nói Khu 5 cực lắm, tôi… kệ. Cực mấy cũng đi vì được diễn, được thấy niềm vui trong những ngày gian khó giữa rừng”, NSND Lan Phương chia sẻ. Từ niềm vui đó, trong suốt sự nghiệp, bà ghi dấu ấn với nhiều vai diễn nổi bật như: Hoàng tử Bình Vương (Ngoại tổ dâng đầu), Quách Hải Thọ (Bao Công tra án Quách Hòe), Thiên Cực (Lịch sử hãy phán xét), Bà Ngôn (Lửa trong tim), Đàm Quyên (Lý Thân và công chúa nhà Tần...)
Cũng trong dòng thời gian đó, tuổi trẻ của NSƯT Hồ Xuân Diệu trôi qua từ những ngày mang “máu văn nghệ” đi diễn “trong lòng địch”, khi ông tham gia đội văn nghệ ở khắp các nhà lao, rồi gia nhập Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam hoạt động phục vụ bộ đội khắp chiến trường các tỉnh Khu 5 cũ và miền Nam.
"Đây là niềm tự hào chung khiĐà Nẵng có nhiều NSND, NSƯT được vinh danh. Đối với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, việc có 4 nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSND, NSƯT là vinh dự lớn, thể hiện cái tầm và nỗ lực của nhà hát trong quá trình hoạt động. Không dễ dàng để một nghệ sĩ được công nhận NSƯT hay NSND trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Đó là động lực thúc đẩy thế hệ nghệ sĩ còn lại của nhà hát phấn đấu, phát triển trong hành trình cống hiến cho nghệ thuật”. NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh |
Cho tới ngày hòa bình lập lại, nhiều năm sau đó, ông tiếp tục gắn bó với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (được thành lập tháng 11-1992) đến khi về hưu năm 2000. Sau ngày đất nước thống nhất, khi nhiều đồng nghiệp rời tuồng đi theo áp lực “cơm áo gạo tiền”, những người như bà Phương, ông Diệu vẫn ở đó, đều đặn lên sân khấu mà gìn giữ tuồng như ôm một phần cuộc đời với lý do “tuồng đã ăn vào máu, không dám bỏ”. Bên ly trà hôm nay, họ nhớ nhiều về thời bao cấp, về giai đoạn vừa bế bồng con nhỏ đi diễn khắp nơi vừa gánh gồng từng bữa cơm nhà. Rồi con cái lớn, gian khó đi qua, những sân khấu sáng đèn nhiều hơn, thời gian trôi vùn vụt đến tuổi hưu, hai ông bà tham gia xây dựng hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương và trở lại với sân khấu tuồng trong một vai trò khác - cầm tay chỉ dạy cho thế hệ nghệ sĩ tuồng trẻ của thành phố.
Cũng vì chuyện “cơm áo gạo tiền” với người làm nghệ thuật mà NSƯT Nguyễn Tấn Đông, thừa nhận bản thân đã từng cảm thấy “cạn” duyên với tuồng mà tính đường nộp đơn rời nhà hát. Lần lữa chọn thêm việc làm ở ngoài, rồi tự áy náy với bản thân khi chểnh mảng với tuồng, anh quyết định tập trung hoàn toàn cho con đường nghệ thuật. “Rứa là tuồng chọn mình, không phải mình chọn tuồng”, anh cười.
Để mạch nguồn chảy mãi
Đó là chia sẻ chung của những nghệ sĩ vừa được Nhà nước vinh danh khi cầm trên tay chứng nhận NSND, NSƯT. Theo NSƯT Nguyễn Tấn Đông, bên cạnh niềm vinh dự khi được Nhà nước, khán giả ghi nhận cống hiến sau nhiều năm làm nghề, bản thân anh cũng không khỏi trăn trở.
“Niềm vui một phần nhưng trách nhiệm sẽ gấp bội. Đón nhận một danh hiệu, đồng nghĩa bản thân phải nỗ lực hơn để cống hiến cho nghệ thuật. Với chúng tôi, làm sao để trao truyền, giữ được lửa nghề cho thế hệ sau luôn là nhiệm vụ cần làm. Các bạn trẻ bây giờ có sự ưu tiên, có nhiều cơ hội học hỏi hơn”, anh chia sẻ.
Lấy ví dụ từ bản thân khi bén duyên với tuồng từ 30 năm trước, tự nhận chất giọng không tốt như mọi người, NSƯT Nguyễn Tấn Đông dành thời gian dài trau dồi dưới sự động viên, dìu dắt của những cây đa cây đề như: NSND Trần Đình Sanh, NSND Thu Nhân, NSND Lan Phương, NSƯT Nguyễn Thảo, NSƯT Cao Đình Liên… Dần dần, anh được đánh giá ở sự đa năng, diễn được nhiều dạng vai và đặc biệt là giỏi vẽ mặt nạ tuồng.
NSND Phan Thị Lan Phương nhìn nhận, tuồng là loại hình không dễ theo đuổi. Độ chín của một nghệ sĩ tuồng lý tưởng nhất là khoảng 30-40 tuổi, khi nghệ sĩ đã “ngấm” được cái hồn, cái tính cách của nhân vật mình vào vai. Khi đó, người diễn viên đòi hỏi phải hội tụ đủ điều kiện về diễn xuất, giọng, sức khỏe, thần thái, điệu bộ… Đây là điều mà thế hệ nghệ sĩ trẻ ở nhà hát hiện tại chưa thể hoàn thiện trong một sớm một chiều, đòi hỏi người đi trước cầm tay chỉ việc kiên nhẫn.
Theo NSND Phan Văn Quang, trằn trọc là từ diễn tả đúng nhất về câu hỏi “Làm sao để thế hệ trẻ đến với nghệ thuật tuồng?”. Anh nói, may mắn và cũng là động lực cho đội ngũ nghệ sĩ cháy với nghề là việc nhà hát xây dựng được chương trình "Giới thiệu nghệ thuật tuồng vào học đường", “Tuồng xuống phố”, qua đó đưa tuồng tiếp cận được nhiều độ tuổi, tầng lớp công chúng. Tiếp đó, tuồng luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố và ngành văn hóa trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
“Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và thành phố nói chung đang sở hữu thế hệ đông đảo nghệ sĩ trẻ kế cận được đào tạo chính quy theo đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các em đều có tiềm năng, rất nỗ lực. Còn chúng tôi, đến lúc nào đó cũng phải rời ánh đèn sân khấu, nên càng phải nỗ lực truyền dạy như đã từng được các tiền bối dìu dắt ngày xưa. Mục đích là trở thành cầu nối, kết nối mạch nguồn văn hóa tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng chảy mãi qua các thế hệ”, NSND Phan Văn Quang chia sẻ.
XUÂN SƠN