Đà Nẵng cuối tuần

Những bài hát Đà Nẵng một thời đạn bom

09:41, 06/04/2024 (GMT+7)

Năm 1964, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - một người con Đà Nẵng - được giao nhiệm vụ vượt Trường Sơn vào căn cứ Khu 5 ở tuổi “tứ thập bất hoặc”, và khi quân Mỹ đổ bộ cửa biển Đà Nẵng cuối xuân 1965, Phan Huỳnh Điểu đã thét lên một hành khúc “Ra tiền tuyến” với bút danh Huy Quang, kêu gọi thanh niên Khu 5 trong đó có Đà Nẵng đứng lên chống xâm lược: “Ngày từng ngày qua, súng quân xâm lược Mỹ -  Bắn giết đồng bào với bao nhiêu đồng chí chúng ta -  Anh em ta ơi! Quyết không chịu ngồi yên, đi lên lên thanh niên…”.

Niềm vui ngày khải hoàn.Ảnh tư liệu
Niềm vui ngày khải hoàn.Ảnh tư liệu

Những giai điệu hào hùng

“Ra tiền tuyến” là cái mốc thời gian mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu. Thời kỳ đầu trong sự nghiệp âm nhạc của ông bắt đầu từ năm 1945 với trường ca “Trầu cau” và đặc biệt là “Đoàn vệ quốc quân” viết từ cảm hứng trước đoàn quân Nam Tiến chống Pháp ở Nam Bộ, khi đoàn tàu chở quân dừng ở Đà Nẵng. Sau thời kỳ chống Pháp, Phan Huỳnh Điểu tập kết ra Hà Nội và liên tục dâng hiến những giai điệu đấu tranh thống nhất đất nước mà đỉnh cao là bài hát “Những ánh sao đêm”...

Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, Phan Huỳnh Điểu đã có bài hát “Đà Nẵng ơi chúng con đã về”. Cái độc đáo của bài hát này là tác giả đã sử dụng chủ đề “Đoàn vệ quốc quân” vào chủ đề bài hát: “Đà Nẵng mến yêu hôm nào ta ra đi - Đã ba chục năm kháng chiến trường kỳ - Ngày nay đoàn quân xưa đã tiến lên đường - Trở về cùng nhân dân - Ta quyết giải phóng quê hương…”. 

Sau Phan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ thứ hai được trở lại đất này là Văn Cận. Nhạc sĩ Văn Cận tên khai sinh là Võ Văn Hòa, song có lẽ do bị cận nặng nên ông đã lấy bút danh là Văn Cận. Trong kháng chiến chống Pháp, Văn Cận đã có bài hát nổi tiếng “Đánh giặc giữ làng”. Bài hát đã trở thành nhạc hiệu cho chương trình “Nông thôn Việt Nam” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tập kết ra Hà Nội cùng Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận đã tạo ra đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của mình với bài hát “Giữ trọn tình quê” thấm đẫm dân ca Khu 5. Ông được cử sang tu nghiệp âm nhạc ở Trung Quốc và ngay khi trở về, được cử vào chiến trường Khu 5 cũng là để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Với khát khao như Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp âm nhạc của mình bằng ấp ủ viết một nhạc kịch về cuộc chiến đấu của mảnh đất anh hùng này.

Nhưng số phận đã biến mơ ước của Văn Cận trở thành một kỷ niệm cuối cùng của cuộc đời. Bước vào năm Mậu Thân 1968, Văn Cận tung ra “Hành khúc giành lấy chính quyền về tay nhân dân” với bút danh Tân Nam; “Thời cơ giục ta tiến Nam lên đường đi cứu nước -  Toàn dân Việt Nam đoàn kết dưới cờ mặt trận…”. Đầy hứng khởi, ông cùng đoàn văn công Quảng Nam - Đà Nẵng xuống mặt trận biểu diễn trong dịp tổng tấn công. Nhưng ngày 24-1-1968 đạn bom của Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ông và một số diễn viên trong đoàn.

Sự hy sinh của Văn Cận lại tiếp lửa cho các đồng nghiệp cả Nam Bắc để viết ra những giai điệu hào hùng trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 ở Đà Nẵng. Nhạc sĩ Thái Cơ ở Hà Nội đã viết hành khúc “Đà Nẵng rực lửa chiến công”, “Bừng bừng Đà Nẵng chiến thắng - Vang dội đất trời cửa Hàn"… Còn nhạc sĩ Phan Ngọc ở đoàn văn công Quân khu 5 vừa biểu diễn phục vụ mặt trận vừa cất cao hành khúc mới “Người Đà Nẵng” đầy sáng tạo và thấm đẫm hơi thở chiến cuộc: “Trong bao đau thương - Đà Nẵng đứng lên cầm súng - Đây trái tim của người Đà Nẵng như đón hoa cương trên chùa Non Nước - Tỏa ánh sáng long lanh".

Nhưng đặc biệt nhất mà không có vùng đất chiến trường miền Nam nào trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 lại có một bản trường ca như Đà Nẵng. Trường ca “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” của nhạc sĩ Cầm Phong, thơ Lưu Trùng Dương, trường ca này ngày ấy qua giọng hát Mạnh Hà trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, làm nức lòng người lính nơi mặt trận: “Lửa ở lửa cháy ngút đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi -  Cả phố phường hò vui náo nức sóng biển reo -  Hòa cùng khúc hát tự do vang…”.

Dấu ấn ngày giải phóng

Trong cuộc chống Mỹ, người ta hay nhắc đến lực lượng “Biệt động Sài Gòn” xuất quỷ nhập thần thì ở Đà Nẵng lực lượng này được gọi là “Du kích Đà Nẵng”. Có rất nhiều nữ sinh trẻ tham gia lực lượng này. Họ dấn thân lập chiến công rồi có người sa vào vòng lao lý, đi tù ở Côn Đảo cho đến ngày trao trả sau hiệp định Paris 1973. Và những nữ du kích này đã được tạc một bức tượng âm thanh qua bài hát của Thanh Anh mang tên “Cô du kích Đà Nẵng”. Nhạc sĩ Thanh Anh tên khai sinh là Bùi Anh Phò.

Ông tuy quê Bình Định nhưng gắn bó với Đà Nẵng và chiến trường Khu 5 từ rất sớm. “Cô du kích Đà Nẵng” đã khẳng định tầm vóc của ông giữa lòng công chúng yêu âm nhạc: “Bạn gái bảo em mi là dũng sĩ - Em chỉ cười chưa biết nói chi - Bạn gái hỏi em giết được bao nhiêu Mỹ - Giữa Đà Thành mà Mỹ ngụy hoang mang…”.  Hồi chiến dịch Thượng Đức 1974, tôi đã nghe một nữ diễn viên mặt trận hát “Cô du kích Đà Nẵng” và đã hứng khởi làm bài thơ “Điệp khúc mùa thu”: “Đất mẹ nghèo nhân hậu đến thế ni - Trao cho em giọng hát kỳ lạ lắm…”.

Ngày 29-3-1975, ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, Phan Huỳnh Điểu đã có bài hát “Đà Nẵng ơi chúng con đã về”. Cái độc đáo của bài hát này là tác giả đã sử dụng chủ đề “Đoàn vệ quốc quân” vào chủ đề bài hát: “Đà Nẵng mến yêu hôm nào ta ra đi - Đã ba chục năm kháng chiến trường kỳ - Ngày nay đoàn quân xưa đã tiến lên đường - Trở về cùng nhân dân - Ta quyết giải phóng quê hương…”. Nhạc sĩ Thuận Yến - người con Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có bài hát “Đà Nẵng kiên cường chiến thắng vẻ vang” và nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trên đường cùng đoàn quân ra trận cũng có bài hát “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi"...

Đồng bào Đà Nẵng hân hoan đón mừng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu
Đồng bào Đà Nẵng hân hoan đón mừng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu

Nhưng có lẽ phải đến “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du, thơ Bùi Minh Quốc thì Đà Nẵng mới có một bài hát ngang tầm vóc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng và theo cách nhìn của riêng người viết bài này thì “Sông Hàn vang tiếng hát” còn có hàm lượng âm nhạc hàn lâm hơn “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”. Mặc dù cả hai bài hát này đều đưa tác giả của nó lên đỉnh cao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Từ một bài thơ viễn cảnh về Đà Nẵng giải phóng trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 của Bùi Minh Quốc, Huy Du đã biến bài thơ viễn cảnh đó thành một bài hát thực cảnh, đã thổi vào câu thơ viễn cảnh đó một hơi thở thực cảnh lãng mạn ngày giải phóng: “Ôi biển xanh biển xanh -  Ôi trời mây bát ngát -  Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát - Phố phường ơi tiếng hát lại trong lành…”.

Thật dạt dào khi các đợt sóng âm thanh cứ vỗ vào tâm hồn ta mà tự ngân lên nhạc: “Hỡi sông Hàn ánh mắt long lanh - Hỡi nắng sớm Sơn Trà -  Hỡi mây chiều Non Nước - Đẹp làm sao nắng tỏa bên đường - Trên phố phường tràn ngập ánh sao bay - Yêu làm sao Đà Nẵng". Đoạn hành khúc bất ngờ xuất hiện như bước chân chiến thắng: “Đi ta đi giữa đất trời giải phóng - Tà áo trắng tung bay như mùa xuân tỏa nắng - Đôi mắt em thơ in cánh sao vàng tươi - Tiếng hát câu ca phơi phới trong lòng ta…”. Huy Du đã gọi tên Đà Nẵng bằng tiếng lòng của mình: “Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng ơi! Yêu làm sao cuộc sống”. Và đoạn kết thì như tiên đoán về một Đà Nẵng - Thành phố đáng sống hôm nay: “Anh dẫn em đi giữa những ngày tươi nắng - Hôn chiếc hôn nồng lên mảnh đất yêu thương - Nghe nghe sông Hàn vang khúc hát quê hương". Đã một thời, “Sông Hàn vang tiếng hát” được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ ngày Đà Nẵng mở rộng và phát triển nhanh chóng, đã có nhiều bài hát mới về Đà Nẵng hôm nay. Nhưng đọng lại như một “Đà Nẵng ca” thì có lẽ người ta thường hát nhất là bài “Đà Nẵng tình người” của Đình Thậm, thơ Ngân Vịnh. Người hát thường hát đi hát lại câu: “Có qua bao lận đận - mới biết đâu biển cạn - đâu là dòng sông sâu - có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến - có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”. Bài hát đã cô đọng tâm hồn người Đà Nẵng thành muối mặn.

Có lẽ phải đến “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du, thơ Bùi Minh Quốc thì Đà Nẵng mới có một bài hát ngang tầm vóc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng. Theo cách nhìn của riêng người viết bài này thì “Sông Hàn vang tiếng hát” còn có hàm lượng âm nhạc hàn lâm hơn “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”. Mặc dù cả hai bài hát này đều đưa tác giả của nó lên đỉnh cao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

NGUYỄN THỤY KHA

.