Đà Nẵng cuối tuần
Xúc cảm tháng Tư
Trong số chúng ta, có lẽ không ít người đã trải nghiệm hành trình khám phá đất nước trên chuyến tàu hỏa Bắc - Nam. Cảm giác nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, đón ánh bình minh và ngắm nhìn từng cảnh vật, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn nối tiếp hiện ra, lắc lư theo cơn gió thật thú vị và khó quên. Đối với mỗi con người Việt Nam, đoàn tàu này không chỉ nối liền dải đất Bắc - Nam mà từ lâu, nó đã được coi là chuyến tàu mang đầy ý nghĩa. Đó là chuyến tàu chở cả khát khao của dân tộc, chuyến tàu hòa bình, hàn gắn và sum họp - như chính cái tên của nó: Thống Nhất.
Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Ảnh: TTX |
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa lớn lao của ngày độc lập, thống nhất và toàn vẹn Tổ quốc. Để có được ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, để có được những chuyến tàu nối trọn vẹn tình yêu hai miền Bắc - Nam, thế hệ cha anh đã hy sinh biết bao máu xương, chiến đấu kiên cường để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ ngày 30-4 năm ấy - 1975, Bắc - Nam đã liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau, vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời. Và những đoàn tàu Thống Nhất đã lăn bánh, mang theo những cái ôm, những giọt nước mắt đoàn tụ của đồng bào hai miền.
Nhớ về Chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 là nhớ về một chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Khoảnh khắc xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn, hình ảnh lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã mãi mãi khắc ghi trong tâm trí những người con đất Việt, để khâm phục, để tri ân và để tự hào.
Đã gần nửa thế kỷ đi qua, từ một đất nước bước ra khỏi chiến tranh với bao mất mát, gian khó, đầy những dấu tích tàn phá của bom đạn, đến nay, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, tăng khoảng 5,05% so với năm 2022, nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới; tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 4,3% năm 2022; tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41,7% năm 2022, cao hơn mức trung bình của khu vực; cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Với những gì đã làm được, Việt Nam đang dần khẳng định chắc chắn hơn vị thế là một trong những nền kinh tế năng động và có triển vọng của khu vực và thế giới.
Gần nửa thế kỷ đi qua - kể từ ngày hai con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, bắt đầu hành trình nối liền Bắc - Nam đầu tiên - một hành trình vỡ òa trong hạnh phúc. Trải qua thời gian, những chuyến tàu Thống Nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước vẫn đã, đang giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu về một Việt Nam đa sắc màu với sự hòa quyện của cảnh quan, thiên nhiên và con người. Đó là chặng đường được khởi hành trong những lời ca da diết: “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình…” và kết thúc với nhịp điệu rộn ràng: “Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…”.
Có lẽ những yêu thương, gắn kết vô hình từ những vùng miền cùng chung một Tổ quốc đã khiến hành trình đó tuy xa mà thật gần, tuy lạ mà lại quen. Mỗi chuyến tàu Thống Nhất không chỉ đơn thuần là sự dịch chuyển, nó trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ, thiêng liêng của đất nước từ sau ngày giải phóng. Và ngày 30-4 - Ngày “non sông thu về một mối” - là mốc son đánh dấu không chỉ một chiến công vĩ đại, mà còn là thời khắc hòa bình lan tỏa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Mỗi độ tháng Tư về là thêm một lần cả dân tộc được nhắc nhớ về những trang sử hào hùng, oanh liệt, thêm một lần được thấm thía giá trị của hòa bình và thống nhất.
ĐỖ LAN HƯƠNG