Đà Nẵng cuối tuần

ĐỂ RỪNG THÊM XANH

Tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên

15:27, 20/04/2024 (GMT+7)

Rừng, với vẻ đẹp hoang sơ và giá trị sinh thái lớn, đã trở thành đích đến lý tưởng cho hoạt động khai thác du lịch. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc phát triển du lịch trong khu vực rừng núi không được quản lý và thực hiện một cách bền vững, đã dẫn đến nguy cơ suy giảm những giá trị tiêu biểu của rừng…

Một du khách say mê nhìn ngắm vẻ đẹp tự nhiên ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.Y
Một du khách say mê nhìn ngắm vẻ đẹp tự nhiên ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.Y

Rừng nếu đã mất, sẽ rất khó phục hồi

Trải dài khoảng 15km  từ đèo Hải Vân chảy ra biển, suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) từng được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ và là nơi sinh sống của các loài cá đặc hữu như cá chèn, cá niên. Trong trí nhớ của người dân địa phương, trước kia, con suối có mặt nước rộng 5 mét, độ sâu tùy vào địa hình 1-2 mét. Đây là nguồn nước chính để trồng lúa, cây rừng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sinh sống dọc hai bên dòng suối. Thế nhưng, những năm gần đây, con suối này đã cạn kiệt do hoạt động khai thác du lịch thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương. Việc xây dựng hệ thống lều trại ven suối và các hạng mục hạ tầng, cảnh quan khác của người khai thác du lịch đã phá hủy dòng chảy và cây cối, làm thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái khu vực này.

"Du lịch sinh thái dưới tán rừng nên hướng tới việc trải nghiệm, khám phá, học tập chứ không phải ăn chơi, ngủ nghỉ, giải trí hát hò. Vào rừng để hít thở, tắm khí tự nhiên, khám phá những điều kỳ diệu của tự nhiên và cao hơn là học tập, nghiên cứu về thiên nhiên thì phát triển các dịch vụ du lịch dưới tán rừng nào cũng tốt. Còn lưu trú, nghỉ lại qua đêm thì chỉ nên ở rừng sản xuất và phải có kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Hãy nhớ rằng, để du lịch dưới tán rừng được bền vững và tồn tại lâu dài, sự tôn trọng và bảo vệ môi trường tự nhiên là điều không thể thiếu”.

PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Nhìn nhận suối Lương từng bị băm nát bởi những dự án khai thác du lịch trái phép, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc Nguyễn Minh Hoàng cho hay, có thời điểm, dọc suối Lương có rất nhiều điểm du lịch tự phát. Năm 2023, chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân tháo dỡ và không thi công bất kỳ hạng mục nào vì khu vực này nằm trong diện tích đất rừng sản xuất. Có thể nói, hệ lụy của loại hình du lịch sinh thái “bức tử” suối Lương đã được chính quyền địa phương nhìn thấy, nhưng sau nhiều quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế tháo dỡ, hệ thống vách ngăn bê-tông chặn dòng chảy hay hệ thống đập tràn làm từ đá tảng vẫn để lại nhiều dấu vết nham nhở dọc theo bờ suối.

Cùng làn sóng đầu tư, xây dựng các khu du lịch sinh thái, không ít hộ dân đã bất chấp quy định rào chắn đất rừng làm khu du lịch khiến cảnh quan, môi trường bị phá hủy. Cũng tại phường Hòa Hiệp Bắc, một khu du lịch sinh thái tự phát mang tên Đồi Cừu Hải Vân mở cửa đón khách chừng một năm trước khi nhận quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương do sai phạm về ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất rừng và mở dịch vụ trái phép. Cùng với đó, bài học về buông lỏng công tác quản lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái núi, rừng cũng được nhìn thấy qua hàng chục công trình khai thác du lịch trái phép ở bán đảo Sơn Trà được thành phố thu hồi, cưỡng chế năm 2023, sau gần chục năm các chủ đầu tư “làm lơ” trước những quyết định xử phạt. Dù vậy, sau gần một năm các điểm Bảy Ban, Bãi Rạng… dừng đón khách, những dấu vết của bê-tông, cốt thép công trình vẫn còn khá nham nhở.

Tổ chức nhiều chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái dọc các tỉnh miền Trung, TS. Chu Mạnh Trinh cho rằng, nếu thành phố vẫn tiếp tục để các dự án du lịch sinh thái trái phép xâm nhập rừng, sẽ rất khó phục hồi rừng về nguyên trạng. Bởi lẽ, điều này có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với môi trường và đặc biệt là đối với các khu rừng tự nhiên. Theo ông, các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng như đường đi, không gian nghỉ ngơi và các tiện ích khác trong khu vực rừng có thể dẫn đến việc phá hủy môi trường sống tự nhiên của động thực vật. Từ đó, cản trở khả năng tự phục hồi của rừng cũng như cản trở quá trình sinh sản của các loài động, thực vật đặc hữu.

Hướng đến giáo dục bảo vệ thiên nhiên

Hiện nay, để xây dựng khu du lịch sinh thái dưới tán rừng, chủ đầu tư hoặc thuê môi trường rừng, hoặc chuyển đổi một phần đất rừng xây dựng các công trình lưu trú và dịch vụ. Điều 5, Luật Lâm nghiệp 2017 nêu rõ Việt Nam có 3 loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đều có thể cung cấp dịch vụ du lịch thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng, miễn không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan môi trường và phù hợp với đề án phát triển du lịch được phê duyệt.

Trước những băn khoăn phát triển du lịch dưới tán rừng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường rừng, PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, quy định về mật độ, công trình xây dựng là cần thiết, nhưng cần hơn là nên có quy định về chọn nhà đầu tư. Và trong tiêu chí chọn nhà đầu tư, nên quan tâm đến nhà đầu tư văn minh, nghiêm túc trong việc chọn đối tượng du khách nào để phục vụ.

“Trước hết, du lịch sinh thái là loại hình đặc thù gắn với thiên nhiên và văn hóa, nên nhà đầu tư phải có trách nhiệm với thiên nhiên và văn hóa chứ không chỉ nghĩ đến kinh tế. Nhất quyết chọn khách văn minh, chấp nhận trả phí để hưởng dịch vụ từ hệ sinh thái chứ không chỉ mua bán dịch vụ ăn ngủ, giải trí thông thường. Một phần phí dịch vụ từ hệ sinh thái phải được chi trả để bảo vệ và bảo tồn. Đặc biệt, cần xác định đây là loại hình du lịch đặc thù, trong quy hoạch phát triển phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động của dự án lên rừng bài bản, khoa học, nhằm giảm thiểu những hệ lụy không đáng có”, PGS.TS. Võ Văn Minh phân tích.

Có thể nói, việc phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những điểm du lịch tự phát mang tên “du lịch sinh thái” ven suối Lương, đèo Hải Vân và một số địa chỉ khác ở huyện Hòa Vang đã cho thấy Đà Nẵng dần có sự thay đổi cách tiếp cận phát triển du lịch rất đáng hoan nghênh. Trong khi đó, quận Hải Châu với ý định phục hồi không gian rừng ngập nước ven sông Hàn, quận Sơn Trà nêu ý tưởng hình thành khu giáo dục thiên nhiên dưới chân núi bán đảo Sơn Trà làm điểm kết nối du lịch mang lại niềm hy vọng cho người yêu thiên nhiên. Trước thực tế này, PGS. TS Võ Văn Minh cho rằng, nếu Đà Nẵng quyết tâm thúc đẩy hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (trên cạn) và Khu bảo tồn biển Sơn Trà (dưới nước) để hình thành khu dự trữ sinh quyển thì du lịch sinh thái Đà Nẵng sẽ thật sự là nơi đáng đến trong thời gian tới, nhất là trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế xanh, bền vững.

TIỂU YẾN

.