Đà Nẵng cuối tuần

70 NĂM ĐIỆN BIÊN PHỦ

"Vũ khí" tinh thần nhân lên sức mạnh

16:28, 04/05/2024 (GMT+7)

70 năm trước, Chiến thắng Điện Biên Phủ như một mốc son chói lọi, ghi dấu trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất thành công vang dội, thực sự “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đã có không biết bao nhiêu trang tài liệu ghi lại chi tiết chiến dịch này trên thế giới, chú trọng ngợi ca sức mạnh tinh thần, sự diệu kỳ của đường lối chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, lấy sức ta giải phóng cho ta... Nhưng, chắc hẳn không nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong nước đào sâu vấn đề tự phê bình và phê bình chính là thứ “vũ khí” tinh thần nhân lên sức mạnh to lớn, góp phần quyết định giúp Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp vào chiều 7-5-1954, bắt sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược kéo dài 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta.

Đảng ta trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (các khóa XI, XII, XIII) đều ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, trong đó chú trọng hoạt động tự phê bình và phê bình.  Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng ta trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (các khóa XI, XII, XIII) đều ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, trong đó chú trọng hoạt động tự phê bình và phê bình. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tại sao tự phê bình và phê bình lại là “vũ khí” tinh thần hạng nặng? Tại sao thứ “vũ khí” ấy lại đóng vai trò không nhỏ dẫn đến chiến thắng? Theo sử sách ghi lại, chuẩn bị giai đoạn hai của chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ đề ra 3 nhiệm vụ, quan trọng nhất là xây dựng trận địa tiến công và đào hào bao vây. Với ý chí quyết tâm cao, tinh thần lao động khẩn trương, có khi tới 18 giờ/ngày, bộ đội ta đã hoàn thành được hơn 200km đường hào trục, hào giao thông, bộ binh, gấp hơn 2 lần dự tính. Nhưng rồi, quân Pháp dùng pháo binh, không quân bắn phá ác liệt, san lấp, gài mìn ngăn quân ta đào tiếp... Tình thế khó khăn hơn khi 18 giờ ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu, tuy giành nhiều thắng lợi nhưng ta chưa hoàn toàn đánh chiếm được đồi A1 và C1 - 2 điểm cao được cho là quan trọng nhất, đối với cả ta và địch.

Khó khăn xuất hiện nhiều hơn khi chiến dịch buộc phải kéo dài, địch đánh phá ác liệt. Đã thế, mùa mưa lại đến sớm khiến việc bảo đảm lương thực, đạn dược gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ đối mặt muôn vàn khổ cực, thử thách. Bối cảnh ngoài trù liệu ấy đã manh nha nảy sinh những biểu hiện tiêu cực, như ngại gian khổ, ngại thương vong, kém sâu sát đơn vị, chủ quan khinh địch.

Trong cuốn “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”, Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên Trợ lý Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại, Đảng ủy Chiến dịch báo cáo lên Ban Thường vụ Trung ương (nay là Bộ Chính trị) và đề nghị cho mở ngay tại mặt trận một đợt đấu tranh tự phê bình và phê bình. Hạ tuần tháng 4-1954, Đảng ủy chiến dịch triệu tập cán bộ chủ chốt ở các đơn vị và cơ quan từ cấp trung đoàn trở lên về Sở Chỉ huy tại Mường Phăng để họp. Tại hội nghị, sau khi lãnh đạo các đơn vị, cơ quan tự kiểm điểm, sang ngày thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch kết luận hội nghị, phê bình nghiêm khắc nhiều tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

70 năm đã đi qua, chắc chắn sẽ còn lâu bền hơn nữa, sức sống của bài học phê bình và tự phê bình mãi còn giá trị, vẹn nguyên tính thời sự. Đảng ta cho đó là nguyên tắc, quy luật tồn tại và phát triển, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Sau hội nghị, không khí tự phê bình và phê bình lan tỏa rộng khắp trên mặt trận, ngay tại chiến hào với tinh thần thẳng thắn, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Sự nhìn lại kịp thời ấy diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, chân thành, đầy quyết tâm tại các trận địa, trên những đài quan sát, trong những căn hầm. Những thành tích, chiến công được ghi nhận kịp thời, xứng đáng. Những hạn chế, tồn tại, thiếu sót được chỉ ra một cách đầy trách nhiệm, công khai, thẳng thắn, bình đẳng, khẩn trương. Cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trên toàn mặt trận, từ trong Đảng ra ngoài Đảng, từ cấp trên xuống cấp dưới diễn ra đồng bộ, hiệu quả. Một luồng sinh khí mới với sức bật phi thường, sức sống mới, sức chiến đấu mới được hun đúc, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ ta trên mặt trận như được nhân lên sức mạnh vượt qua hiểm nguy, gian khổ, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Cuộc tổng phê bình, tự phê bình trên toàn mặt trận này được nhiều cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy kể lại trong các hồi ức chiến trường, những cuốn sách xuất bản sau này. Trong cuốn: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, Thiếu tướng Lê Chưởng, nguyên Chính ủy Đại đoàn 304 có viết: “Qua cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, cán bộ, chiến sĩ ta thấm nhuần sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng công sự. Sau mấy đợt chiến đấu, mọi người đều thấy rất rõ rằng: Địch mạnh hơn ta về pháo binh, xe tăng, máy bay, nhưng địch bị bao vây, phạm vi hoạt động ngày một bị thu hẹp lại... nếu ta biết lợi dụng công sự mà sát thương tiêu hao nhiều địch và “thắt cổ” địch bằng cách bóp chết việc tiếp tế bằng máy bay của chúng, từ đó là cách dồn địch vào chỗ vô cùng khốn quẫn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá, đây là thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.

70 năm đã đi qua, chắc chắn sẽ còn lâu bền hơn nữa, sức sống của bài học phê bình và tự phê bình mãi còn giá trị, vẹn nguyên tính thời sự. Đảng ta cho đó là nguyên tắc, quy luật tồn tại và phát triển, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng diễn ra quyết liệt, đạt được những thành công rất đáng ghi nhận, thực sự “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của việc Đảng ta trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (các khóa XI, XII, XIII) đều ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, trong đó chú trọng hoạt động tự phê bình và phê bình.

Kết quả đạt được là rất quan trọng, giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, đây đó vẫn xuất hiện những biểu hiện thờ ơ, xao nhãng, đối phó, xem nhẹ vấn đề tự phê bình và phê bình... Thế nên, rất cần bầu không khí tự phê bình và phê bình trên tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cầu tiến, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Có được bầu không khí tự phê bình và phê bình như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm những kết quả, thành tích đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, hùng cường trong những chặng đường phía trước không ít gian nan.

NGUYỄN TRI THỨC

.