Đà Nẵng cuối tuần

Lừng lẫy Điện Biên

16:21, 04/05/2024 (GMT+7)

Về với Điện Biên vào mùa hoa ban trắng, mỗi địa danh, mỗi cung đường, mỗi cảnh sắc nơi đây đều như đang kể về những ký ức lịch sử hào hùng, về một chiến thắng vẻ vang - Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từng bước chân theo ánh vàng của nắng, sắc xanh của cây rừng và màu trắng của hoa ban cứ thế dần dần tiến vào thành phố Điện Biên Phủ để cảm nhận rõ hơn hào khí của một mảnh đất anh hùng.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên, đồng thời cũng là trung tâm khu di tích. Tượng đài khánh thành vào ngày 30-4-2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ST
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên, đồng thời cũng là trung tâm khu di tích. Tượng đài khánh thành vào ngày 30-4-2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ST

Điểm dừng chân đầu tiên là cụm cứ điểm Him Lam - một trong những cứ điểm quan trọng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà trước đây người Pháp vẫn gọi là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm". Ngắm nhìn những đường hào chạy ngang dọc quanh cứ điểm, ta như nghe đâu đây vang vọng tiếng súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ - một trận đánh thành công với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, mở đường chiến thắng cho toàn mặt trận. Nơi đây 70 năm về trước, từng chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu anh dũng, hy sinh anh dũng để có được thắng lợi rất quan trọng và có tính chiến lược này. Hình ảnh anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót sẵn sàng lấy thân mình lấp lỗ châu mai như khắc tạc cho cả thế giới về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những người con đất Việt.

Được tận mắt nhìn thấy xác của những chiếc xe tăng, máy bay, trận địa pháo bại trận của quân Pháp vẫn còn được lưu giữ như một minh chứng lịch sử oai hùng, mới cảm thấy khâm phục bản lĩnh và trí tuệ của thế hệ cha anh. Từ một nước nhỏ với vũ khí thô sơ, chúng ta đã tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một tập đoàn cứ điểm phòng ngự được nhận định là mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ với vô vàn vũ khí tối tân và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Tất cả là nhờ sự lãnh đạo tài tình và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và sự quả cảm của quân và dân ta.

Từ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những quyết định, những chỉ thị, mệnh lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào sáng ngày 7-5-1954, làm nên chiến thắng lịch sử sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Nhà sử học Pháp - Jules Roy sau này đã thừa nhận, xét trên phạm vi thế giới “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng”.

Và “tiếng sấm Điện Biên Phủ” vọng vang đến mai sau đó cùng những chứng tích chiến tranh còn lại đã giúp những người được sinh ra trong thời bình phần nào hiểu được vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ để có được nền độc lập, tự do hôm nay. Như “cái phễu khổng lồ” trên đồi A1 cũng vậy - đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà các chiến sĩ thường gọi là "đào hầm để trị hầm", trị cả lô cốt cố thủ của giặc. Nó chứng minh cho chiến công của các chiến sĩ công binh thầm lặng, ngày đêm chui sâu vào lòng đất, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cùng với sự lao động bền bỉ, quên mình để hoàn thành nhiệm vụ. Đồi A1 cũng là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất và thương vong nhiều nhất của ta và địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếng nổ của quả bộc phá đã trở thành hiệu lệnh mở đợt tiến công thứ 3 trên toàn chiến trường lúc bấy giờ. Và 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta đánh bại. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, đó là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”; là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX”.

Đứng trước tượng đài Chiến thắng, khu nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, đứng trước Bảo tàng Chiến thắng, khu quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ..., những bó hoa, những nén hương đã được dâng lên với tất cả sự biết ơn, ngưỡng vọng những người lính Cụ Hồ năm nào - những chiến sĩ từng làm nên trang sử oanh liệt giữa mảnh đất này, giữa mùa hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là lời nhắc nhớ về truyền thống đấu tranh giữ nước hùng tráng của dân tộc Việt Nam, như lời thơ Tố Hữu năm nào: “Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/ Tre đã thành chông, sông là sông lửa/ Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên!" (Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên).

Để tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê số liệu từ các địa phương với tổng số gần 20.000 người còn sống. Trong đó, Đà Nẵng hiện còn 24 chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống. Vừa qua, lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời viếng hương 5 liệt sĩ trực tiếp chiến đấu, hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc tổ chức chương trình gặp mặt là một sự tri ân, một lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. 

ĐỖ LAN HƯƠNG

.