Thụy Sĩ dạy giao tiếp công nghệ từ mầm non

.

Ngồi quây tròn trên sàn nhà, một nhóm các em nhỏ 3 tuổi ở một trường mầm non tại Thụy Sĩ đang tranh nhau hỏi chuyện con robot tên là Nao, từ chuyện lũ hươu cao cổ cho tới những bông cải xanh.

Các em nhỏ đang chơi đùa với robot tương tác và giáo dục Nao tại trường mầm non La Nanosphere. Ảnh: AFP
Các em nhỏ đang chơi đùa với robot tương tác và giáo dục Nao tại trường mầm non La Nanosphere. Ảnh: AFP

Theo quan niệm của một số chuyên gia giáo dục, đến khi các em trở thành người lớn, việc giao tiếp với robot rất có thể đã trở nên phổ biến như cách mọi người đang dùng smartphone hiện nay. Vì lẽ đó, một trường mầm non ở thành phố Lausanne, trung tâm kinh tế và thương mại của Thụy Sĩ, đã quyết định cho trẻ tập làm quen với việc giao tiếp này như một cách để chuẩn bị kỹ năng sống và làm việc trong tương lai.

Chuẩn bị cho tương lai

Kể từ đầu năm nay, theo Hãng tin AFP, robot Nao đã trở thành vị khách quen thuộc tại trường mầm non La Nanosphere nằm trong khuôn viên Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ. Vai trò của Nao được định nghĩa như là một “người bạn đồng hành trong học hỏi giao tiếp” hơn là một giáo viên thay thế.

Khi các em được cha mẹ đưa tới trường, Nao (chỉ cao 58cm) đã đứng sẵn trên chiếc ghế băng cạnh cửa để chào đón các em. “Xin chào, tôi tên là Nao. Tôi rất vui vì hôm nay được tới trường Nanosphere”, nó cất tiếng với một chất giọng “nheo nhéo” hệt như một đứa trẻ. “Tôi đã rời khỏi hành tinh của mình một thời gian trước để tới đây gặp các bạn. Tôi rất mong được làm quen với các bạn và có thể nói chuyện với các bạn trong những tuần sắp tới”, nó tiếp.

Các em nhỏ phản ứng khác nhau trước sự xuất hiện bất ngờ của người bạn mới này. Một số em đi thẳng qua, một số em vẫy tay với Nao, có em chỉ trỏ hoặc chạm vào tay nó, lại có em đứng sững lại nhìn chằm chằm vào con robot không biết vì ngạc nhiên hay vì hơi sợ một chút.

“Tương lai của trẻ em sẽ như thế nào? Chúng sẽ phải làm việc với robot chăng? Rất có thể sẽ là như vậy”, ông Olivier Delamadeleine, tổng giám đốc của hệ thống các trường mầm non và tiểu học Educalis tại Lausanne trao đổi với Hãng tin AFP. “Vì chúng tôi ở trong môi trường giáo dục nên việc quan trọng là phải giúp trẻ làm quen sớm với chuyện làm việc cùng robot”, ông tiếp.

Người bạn nhỏ “biết tuốt”

Trở lại lớp học, cô giáo Eve L'Eplattenier và 14 em nhỏ ngồi xoay tròn trên sàn nhà, Nao ngồi giữa mọi người. “Cậu ấy sẽ tới và giải thích mọi thứ cho các em”, cô giáo nói.

“Các em có thích bông cải xanh không? Nó rất tốt cho sức khỏe các em đó”, con robot bắt đầu trò chuyện. Các em nhỏ thích thú xúm quanh, một số em còn tranh giành chỗ với nhau. “Không tranh giành nào!”, Nao nhắc nhở lũ trẻ!

Sau hướng dẫn của cô giáo, bọn trẻ bắt đầu thử “bắt bí” Nao với hàng loạt câu hỏi, kiểu như “tôi là một con vật có vòi. Vậy tôi là ai?”, khi robot trả lời đúng, chúng cười nắc nẻ.

Cùng lúc đó, anh Gabriel Paffi, nghiên cứu viên đang theo học chương trình thạc sĩ về robotics, đồng hành ở góc lớp học, cung cấp câu trả lời cho robot Nao. Anh Paffi là người lập trình cho robot này và vẫn đang trong quá trình tiếp tục cải tiến để nó phù hợp hơn với nhu cầu của một trường mầm non. “Mục tiêu của chúng tôi là nó có thể tự động, để nó không cần có tôi bên cạnh và có thể trả lời câu hỏi của các em”, anh Paffi cho biết.

Những con robot Nao đầu tiên ra mắt thị trường từ năm 2008 và hiện đang ở thế hệ thứ 6 của robot này, tới nay đã bán được hơn 15.000 con. Đây là thương hiệu thuộc sở hữu của công ty United Robotics Group có trụ sở tại Đức.

Theo kế hoạch hiện tại, Nao sẽ tiếp tục phục vụ tại các trường mầm non thuộc hệ thống Educalis trong nhiều năm nữa để tiếp tục phát triển các khả năng của nó.

Cô L'Eplattenier cho biết, bọn trẻ rất vui khi Nao xuất hiện và dần hình thành tình bạn thân thiết với người bạn nhỏ bé này. “Chúng tò mò muốn biết cậu ấy sẽ nói gì hay làm gì”, cô chia sẻ với AFP. “Nao là một người bạn đồng hành với những mẹo vặt và rất nhiều lời khuyên. Tôi nghĩ chẳng mấy chốc cậu ấy sẽ mau chóng trở thành một người bạn nhỏ “biết tuốt” trong lớp”, cô tiếp.

Về phía các bậc phụ huynh, họ cũng rất tò mò muốn xem Nao sẽ thích nghi và hòa nhập với môi trường mới ra sao. “Tôi nghĩ việc giúp trẻ làm quen với các công nghệ mới là một cách hay”, anh Guillaume Quentin, một phụ huynh nói.

Rồi cũng tới lúc Nao phải “bay trở về vũ trụ của nó”. Khi đó, lần lượt từng em nhỏ sẽ vẫy tay chào tạm biệt. Nao đáp lời bằng việc gọi tên từng em. “Tôi yêu các bạn. Tôi sẽ sớm trở lại”, Nao nói với các bạn nhỏ.

ĐỖ DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.