Đà Nẵng cuối tuần
Nghề diễn viên quần chúng: Dễ mà không dễ
Không ai biết tên, nhiều khi chẳng rõ mặt nhưng họ - những diễn viên quần chúng mà dân trong nghề gọi là “extras” - có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên không khí cho phim.
Các diễn viên quần chúng tham gia một cảnh quay trong “Đi về phía lửa” – phim có phần lớn bối cảnh tại Đà Nẵng. Ảnh: ĐPCC |
Ai cũng có thể trở thành diễn viên quần chúng nhưng không phải ai cũng có thể trở thành diễn viên quần chúng bởi công việc này đòi hỏi sức khỏe và sự kiên trì, bền bỉ cao.
Nhọc nhằn đủ đường
Một tối tháng Bảy năm 2023, Nguyễn Sơn Thủy (SN 1990) tạm gác công việc chính là nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để “vào vai” nữ y tá tham gia công tác cứu hỏa. Trong làn khói hiệu ứng, cô liên tục chạy ra chạy vào con hẻm nhỏ và say mê diễn đến nỗi hai ngón chân sứt móng, đầm đìa máu từ lúc nào chẳng biết. Đến khi kết thúc cảnh quay, Thủy mới phát hiện chân bị thương. Vốn có nghề, lại ngại làm phiền ê-kíp còn đang tất bật, Thủy im re, xử lý tạm và sau đó nhờ bác sĩ đến nhà rút móng, băng bó. Nhưng Thủy mãi nhớ về kỷ niệm “đau thương” này như là câu chuyện vui và luôn sẵn sàng vào vai diễn viên quần chúng khi có cơ hội.
Trong khi đó, chú Hồ Tấn Trung (SN 1972, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng quay) đã quyết định không nhờ đến sự trợ giúp của cascadeur (diễn viên đóng thế) khi thực hiện cảnh quay xe chở khách rơi xuống sông. Ngâm mình dưới nước 5 tiếng, chân tay nhiều vết trầy xước vì đá nhọn cắt nhưng với chú Trung, đó là niềm hạnh phúc được làm nghề. Rạng sáng khác, cô Phạm Thị Định (SN 1957, ngụ quận Liên Chiểu) đã quay liên tục gần 15 tiếng nhưng vẫn vui vẻ chờ đợi cảnh quay kế. Ngày quay nọ, anh Nguyễn Duy Dũng (SN 1983, ngụ quận Liên Chiểu) không biết mình đã thay đi thay lại bao nhiêu bộ đồ trong chớp nhoáng để kịp “đổi vai” cho phân cảnh khác của phim.
Đó chỉ là số ít trong vạn điều nhọc nhằn của nghề diễn viên quần chúng. Lê lết đợi từ sáng sớm nhưng đến khuya mới tới lượt diễn; dang nắng, dầm mưa thời gian dài; bị mắng là “chuyện thường ngày ở huyện”, đang ăn thì phải “chạy”; bị phân biệt đối xử; đổi lịch gấp gáp; có thể gặp rủi ro… và còn nhiều câu chuyện tủi hờn phía sau. Vất vả là thế nhưng đôi khi họ chỉ xuất hiện chưa đến… một giây trên phim, hoặc lướt qua màn hình một cách chớp nhoáng, thậm chí chỉ là chấm nhỏ xíu không rõ mặt.
Nhưng nếu không có diễn viên quần chúng, “hơi thở” của bộ phim sẽ không thể tròn trịa. Như cảnh tan trường trong phim “Mắt biếc” hay cảnh chợ huyện thời phong kiến trong phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ không thể sôi nổi, nhộn nhịp nếu không có sự vào vai của hàng trăm diễn viên quần chúng. Hoặc lễ hội ở Lăng Thần Nam Hải trong phim “Lật mặt 7” của đạo diễn Lý Hải có được “sắc màu” rộn ràng là nhờ những người “không tên, không tuổi”… Chỉ làm nền nhưng diễn viên quần chúng tạo sự kết nối với diễn viên chính, giúp tạo ra bối cảnh thực tế cho câu chuyện; góp phần tạo nên sự đa chiều ở các tình huống…
“Đau đầu” tìm người
“Extras” là nghề đã có từ lâu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên đông đảo về số và đa dạng về chất. Diễn viên quần chúng có thể là sinh viên các trường nghệ thuật sân khấu, điện ảnh nỗ lực tìm kiếm cơ hội từ những vai nhỏ, hay những người làm công việc bán thời gian muốn tăng thu nhập, thậm chí có cả những người đủ đầy điều kiện kinh tế nhưng vì đam mê. Đa dạng độ tuổi, ngành nghề, ngoại hình, giới tính… nên các đoàn phim luôn có thể thoải mái lựa chọn nhân sự phù hợp tiêu chí của từng vai. Không những thế, khi mạng xã hội phát triển, việc tuyển chọn diễn viên quần chúng càng dễ dàng hơn với các nhóm, cộng đồng riêng. Dưới các bài đăng tuyển của nhà làm phim, extras chủ động ứng cử một cách chuyên nghiệp bằng hình ảnh đẹp, thông tin cá nhân cụ thể… Điều này mở ra cơ hội nhưng cũng tạo nên sự cạnh tranh.
Vậy nhưng, công việc diễn viên quần chúng còn khá mới mẻ ở Đà Nẵng khi hiếm hoi lắm mới có phim điện ảnh hay phim truyền hình thực hiện tại đây. Cũng vì vậy, khi đảm nhận vị trí quản lý diễn viên quần chúng cho một bộ phim truyền hình có bối cảnh ở Đà Nẵng, Bùi Văn Đạt rất đau đầu. “Không khó để huy động số lượng lớn các bạn trẻ nhưng việc tìm kiếm và thuyết phục người trung niên, người già… tham gia đóng phim là một thử thách. Một phần là họ không đủ sức khỏe để theo kịp tiến độ hay quay đêm, phần vì ngại lên hình, phần vì thù lao thấp…”, Đạt chia sẻ.
Tìm đủ người lại đối mặt với thách thức khác: kinh nghiệm. Extras đều là những người lần đầu “chạm ngõ” phim trường. Không quen hiệu lệnh, chuẩn bị sai phục trang dù đã được dặn dò kỹ lưỡng, không quen thức đêm, lúng túng trong diễn xuất…, họ khiến nhóm quản lý diễn viên quần chúng phải bám sát, chạy đua cùng, liên tục nhắc nhở, động viên... “Nhưng may mắn là các bạn đều rất trách nhiệm với công việc, luôn nỗ lực phối hợp cùng người quản lý hoặc đoàn phim. Nhiều cảnh phải khuân vác nặng chạy tới chạy lui nhiều lần hoặc dầm mưa rét run đến rạng sáng…, các bạn đều bám trụ”, Đạt kể.
Quả ngọt của kiên trì
Nhưng diễn viên quần chúng cũng là một cơ hội để thể hiện bản thân, chứng minh thực lực. Nhiều gương mặt trước khi nổi tiếng cũng từng trải qua tháng ngày cơ cực đóng vai quần chúng, như: Quyền Linh, Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, Lãnh Thanh, Lê Dương Bảo Lâm, Xuân Nghị, Quách Ngọc Tuyên, Duy Khánh… Quả ngọt của họ đến từ sự yêu nghề, kiên trì và quyết tâm đến cùng với nghệ thuật. Lê Anh Tôn (SN 1991) cũng là minh chứng cho thành công được dệt nên từ chông gai ấy.
Sau 4 năm hoạt động nghệ thuật tại Hàn Quốc, cái tên Lê Anh Tôn đã xuất hiện trên Naver - trang tìm kiếm thông tin lớn nhất của Hàn Quốc. Đây là sự công nhận chàng trai Đà Nẵng là diễn viên thật sự.
Nhưng để chạm đến thành công ở nơi đất khách quê người ấy là chuỗi ngày miệt mài vào vai quần chúng của chàng thạc sĩ ngành Điện tử viễn thông. Tôn đã tham gia khoảng hơn 40 bộ phim với hàng loạt vai, từ nhà báo, cảnh sát, cứu hỏa, nhân viên, quản lý… đến quan lại, thái giám, tiều phu, địa chủ, sĩ tử… trong các phim cổ trang. “Diễn viên quần chúng ở Hàn Quốc là công việc rất vất vả, lương thấp nhất và thời gian làm việc kéo dài. Mỗi lần đi quay phải chuẩn bị rất nhiều đồ và thời gian tập kết thì bất kể giờ giấc, nhiều khi 1-2 giờ sáng. Nếu may mắn gặp đoàn phim tốt thì không sao, nếu gặp đoàn toàn những nhóm trưởng hung dữ thì khả năng bị "từ chối" không nhỏ. Vậy nên khi đi quay, tôi luôn sẵn sàng và tập trung 100%”, Tôn tâm sự.
Nhưng bên cạnh nhọc nhằn, Tôn đã có nhiều kỷ niệm đáng quý trong quãng ngày làm diễn viên quần chúng, đặc biệt là tình cảm mà người Hàn Quốc dành cho chàng trai Việt Nam. Họ luôn quan tâm, hướng dẫn tận tình dù chỉ lần đầu gặp mặt. Họ “thị phạm trực tiếp” hay thường xuyên cổ vũ, cho lời khuyên. Tất cả đều là niềm hạnh phúc với Tôn. “Công việc này vất vả nhưng tiếp thêm nhiều động lực để tôi nghiêm túc theo đuổi giấc mơ của bản thân như bây giờ. Sau này, tôi may mắn được nhiều người biết đến hơn với tư cách là một diễn viên thực thụ. Chính những vất vả, tủi hờn trước kia đã rèn giũa nên một Lê Anh Tôn mạnh mẽ như hiện tại. Và công việc diễn viên quần chúng luôn là hồi ức đẹp với tôi”, Tôn xúc động.
Với những cống hiến lặng thầm nhưng to lớn, “extras” xứng đáng được công nhận là một thành phần quan trọng của đoàn phim và nhận về sự tôn trọng cũng như thù lao xứng đáng với công sức, tâm huyết đã bỏ ra.
Những bộ phim tôn vinh “extras” Phim câm The Extra Girl (1923, Mỹ) kể về một cô gái với ước mơ trở thành một ngôi sao đã từ thị trấn nhỏ tới Hollywood và bắt đầu từ công việc diễn viên quần chúng. Extras (2005-2007) là câu chuyện xúc động của diễn viên quần chúng chuyên nghiệp Andy và hành trình nỗ lực thúc đẩy sự nghiệp diễn xuất. Trong phim hài Mithya (2008, Ấn Độ), một diễn viên quần chúng đã gặp nhiều rắc rối khi có khuôn mặt giống với một đại ca xã hội đen. I Am Som somebody (2015, Trung Quốc) lột tả chân thật công việc diễn viên quần chúng đầy cay đắng và khắc nghiệt tại phim trường Hoành Điếm. Châu Tinh Trì cũng có 2 bộ phim đề cập nghề diễn viên quần chúng - Vua hài kịch (1999) và Tân vua hài kịch (2019) - kể về Như Mộng kiên trì theo đuổi nghề diễn viên quần chúng với niềm tin tỏa sáng. |
DIỆP VỸ