Đà Nẵng cuối tuần

Trọn một chữ thương

14:59, 29/06/2024 (GMT+7)

Mùa này, mặt trời như vắt kiệt nguồn năng lượng của mình mà đổ vào trong nắng. Từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt, làng quê tôi chìm trong không khí oi bức, ngột ngạt và bỏng rát. Thế mà trên đồng sâu, ruộng cạn, trên những con đường khúc khuỷu, quanh co, trên những công trường ngổn ngang đá sỏi và chợ búa... đâu đâu tôi cũng thấy người ta cắm cúi làm việc chẳng quản sớm trưa hay tối muộn, chẳng quản nhọc nhằn, vất vả, khó khăn. Họ tất bật mưu sinh hẳn không phải chỉ vì manh áo, miếng cơm cho tấm thân của riêng mình mà phía sau là cả một gia đình, một tổ ấm mà họ dành trọn yêu thương và khát khao xây đắp. Một chữ thương thôi mà chứa đầy sức mạnh, nên nắng mưa, gian khó chẳng hề gì.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vì chữ thương mà bố tôi thuở còn xanh hết lặn lội trên đồng sâu ruộng cạn, cuốc bẫm cày sâu lại xuôi bể ngược ngàn, buôn bán làm thuê. Đôi bàn chân chai sạn dẫm lên mọi gai góc, dâu bể cuộc đời để kiếm cho con từng bát cơm, manh áo, xây cho được mái nhà che nắng, che mưa. Luôn sẵn sàng chìa vai gánh vác những gì khó khăn, nặng nhọc, làm chỗ dựa vững vàng cho vợ con. Còn mẹ tôi, bởi thương chồng, thương con mà tảo tần hôm sớm. Hết ra đồng dãi nắng dầm mưa lại trở về chăm nom nhà cửa và đàn con lít nhít. Sáng nào cũng vậy, mặc nắng mưa, ấm lạnh của tiết trời, mẹ tôi lục tục dậy từ rất sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, nấu ấm nước chè xanh thơm ngào ngạt, quét dọn sân vườn sạch sẽ tinh tươm rồi mới đi làm, buổi trưa hay chiều dù mệt nhọc đến đâu khi trở về nhà mẹ đều nấu bữa cơm tươm tất có bát canh rau mà bố con ưa thích, tối đến lại chong đèn may vá áo khăn.

Mẹ bảo, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Bố đã lo toan những việc lớn trong nhà thì mẹ phải chăm lo cho chu toàn việc nhỏ. Ấm nước chè thơm, bát cơm nóng hổi và cửa nhà sạch sẽ chính là ngọn lửa yêu thương được nhen lên trong mỗi nếp nhà. Điều ấy đã thôi thúc bước chân của bố mỗi lần phải đi xa cứ mong ngóng trở về mà không sa chân, lạc bước. Sự mạnh mẽ, vững vàng của bố, sự chỉn chu, dịu dàng của mẹ đã làm cho tổ ấm của chúng tôi luôn được yên bình mặc ngoài kia trời đầy giông bão.

Năm anh em tôi lớn lên trên nỗi nhọc nhằn, lo toan của bố mẹ nên tình thương yêu vì thế cũng lớn dần theo năm tháng. Cơm bữa đói bữa no, áo quần không đủ ấm nhưng chúng tôi luôn cố gắng. Cố gắng làm việc nhà, việc đồng áng phụ giúp bố mẹ, cố gắng làm thuê hay mót hái những ngày mùa kiếm thêm tiền mua sách vở và lớn lao hơn là cố gắng học hành. Bất kể tiết trời nắng mưa, bão tố, những ngày đông giá buốt thịt da, bất kể là đôi chân phải bước đi trên con đường đến trường gồ ghề trơn trượt dài đằng đẵng và kiến thức khó đến thế nào, chúng tôi cũng luôn quyết tâm vượt qua cho bằng được. Bởi tôi biết, bố mẹ sẽ mỉm cười mà vơi đi mệt nhọc và ngày mai mình mới có cơ hội bù đắp cho những hy sinh, thiệt thòi mà đấng sinh thành hôm nay phải chịu. Chính tình thương dành cho bố mẹ, cho tổ ấm đã hóa thành động lực, niềm tin và khao khát cho chúng tôi sau này chạm đến ước mơ.

Mỗi lúc đi đâu, làm gì tôi đều để tâm quan sát cuộc sống xung quanh. Và ấn tượng gây xúc động mạnh nhất với tôi luôn là hình ảnh những con người vất vả mưu sinh dưới trời mưa nắng. Lòng tôi biết rõ, đôi vài gầy người mẹ gánh hàng rong trên phố đã oằn cong chai sạn, đôi chân từng phút giây như rệu rã, thân thể người cha trên những công trường ướt đẫm giọt mồ hôi, trên môi hơi thở lúc nào cũng phát ra dồn dập và rất nhiều, nhiều nữa. Nhưng họ không thể nào ngơi nghỉ vì tình thương họ dành cho người thân trong tổ ấm.

Đó là cha mẹ già bệnh tật ốm đau cần thuốc men, cơm cháo, là những đứa con thơ khao khát đến trường, là vợ, là chồng đang gặp cảnh không may cần bờ vai nương tựa. Trước nỗi cùng cực người ta có thể tìm cho mình rất nhiều lối thoát cho bản thân nhưng vì tình thương trong trái tim quá lớn, vì sự thiêng liêng của hai tiếng gia đình. Đó là căn nguyên, là cội rễ, là sức mạnh để họ dìu nhau đi qua những tháng ngày bão giông đến bến bờ hạnh phúc. Tổ ấm nào cũng trọn một chữ thương.

LÊ THỊ XUÂN

.