Đà Nẵng cuối tuần
Gặp người "kể chuyện phim"
Trong dòng chảy điện ảnh Đà Nẵng, có một thời nghề thuyết minh phim trực tiếp tại rạp hay theo chân các đội chiếu bóng lưu động giữ vai trò cầu nối giúp khán giả dễ dàng tiếp cận các bộ phim, đặc biệt phim ảnh nước ngoài và phim tài liệu về đề tài chiến tranh, người lính…
Ký ức về nghề thuyết minh phim của bà Yến, bà Vân luôn gắn liền với những buổi chiếu phim lưu động của Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Đà Nẵng. Ảnh tư liệu |
Vàng son một thuở
Tại Đà Nẵng, thời hoàng kim của nghề thuyết minh phim kéo dài từ sau năm 1975 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi các rạp chiếu phim tư nhân như: Lido, Kim, Kinh Đô, Kim Châu, Tân Thanh được ngành văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tiếp quản sau ngày giải phóng Đà Nẵng và đổi tên lần lượt thành các rạp 29 Tháng 3, Công nhân B, Công nhân A, Lê Độ… Từ đây, công chúng Đà Nẵng biết nhiều hơn đến điện ảnh cách mạng cũng như điện ảnh các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô, Ba Lan và Đức…
Bà Lê Phượng Yến, người gắn bó với công việc thuyết minh phim suốt 19 năm tại Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Đà Nẵng (đã giải thể) nói rằng, may mắn của bà là gia nhập đội ngũ thuyết minh đúng thời điểm thành phố đang trải qua những năm tháng hoàng kim của ngành phát hành phim và chiếu bóng. Thời gian ấy, các rạp phim luôn chật cứng người đến xem, các đội chiếu bóng lưu động cũng thường xuyên đi công tác khắp các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Hiên (nay là huyện Đông Giang và Tây Giang), Hiệp Đức… với nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa, giải trí của người dân.
Có giọng nói ấm, giàu cảm xúc, bà Phượng Yến đảm nhận việc thuyết minh cho các dòng phim tình cảm như "Thầy Lang", "Cánh đồng hoang", "Hồn đất", "Bao giờ cho đến tháng 10", "Nổi gió", "Tội lỗi tình yêu"… Bên cạnh đó, bà cũng thử sức với những bộ phim hoạt hình có tình tiết vui nhộn, tươi sáng như "Aladdin và cây đèn thần". Sau nhiều năm làm nghề, bà Yến gần như thuộc lòng lời thoại các bộ phim nên chỉ cần nhìn lên màn ảnh là có thể đọc ngay. “Đây là công việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp và tâm huyết.
Đáng nhớ nhất là những chuyến theo đội chiếu bóng lưu động đi phục vụ người dân các huyện vùng xa, vùng sâu thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Đội chiếu bóng chưa tới nhưng người dân đã đến chật kín sân vận động. Họ giúp mình mang vác thiết bị, chia sẻ, động viên bằng ly nước, miếng bánh giữa đêm. Nhiều khi, mình ngồi thuyết minh sau màn ảnh rộng, xung quanh là người dân tò mò đứng xem hôm nay người đọc thoại là ai. Không khí lúc ấy rộn ràng và vui vẻ lắm vì chúng tôi luôn được mọi người đón nhận, yêu mến”, bà Yến kể.
Nếu người lồng tiếng mỗi bộ phim chỉ cần đọc thoại một nhân vật thì người thuyết minh đòi hỏi sự linh hoạt, khéo léo, nhạy bén khi phải “nói hộ” hàng chục diễn viên với nhiều tình tiết, phân cảnh khác nhau. Trong ký ức của bà Phạm Thị Vân (SN 1955), nguyên thuyết minh viên Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Đà Nẵng, để có thể chuyển tải đến người nghe đầy đủ nội dung 4 tập phim "Chiến tranh và hòa bình", phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của văn hào Lev Tolstoy (Nga), bà phải đọc lời thoại của gần 500 diễn viên.
“Công việc đòi hỏi chúng tôi thường xuyên ngồi trong phòng thu, trước micro, tập trung và kiên nhẫn xem phim, đọc lời thoại cho đến khi thuộc lòng. Do tính chất công việc, mỗi thuyết minh viên đều xem trước rất nhiều bộ phim và biết trước kết thúc của chúng. Điều này không chỉ mang lại lợi thế khi làm việc mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của chúng tôi”, bà Vân nhớ lại.
Việc đọc trước kịch bản giúp những thuyết minh viên đọc lời thoại rõ ràng, rành mạch và không bị vấp. Suốt những năm tháng làm nghề, họ trở thành người kể chuyện, đưa khán giả đến với những “thế giới khác nhau” qua màn ảnh rộng. Giọng nói lúc trang nghiêm, lúc trầm bổng, lúc dịu dàng, lúc nhanh, lúc chậm theo mạch phim trở thành một phần ký ức không thể quên của nhiều thế hệ khán giả, gắn liền với những bộ phim nổi tiếng và những buổi chiếu phim màn ảnh rộng đầy cảm xúc.
Ký ức không quên
Gần 70 tuổi nhưng giọng nói của bà Vân vẫn trầm ấm, bay bổng như thuở mới vào nghề. Bà kể, đó là buổi sáng ngày 5-5-1975, vài ngày sau sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà được giao nhiệm vụ thuyết minh bộ phim tài liệu “79 mùa xuân” nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc ấy, bà Vân 20 tuổi, vừa trải qua khóa tập huấn thuyết minh, tuyên truyền do các thầy cô từ Hà Nội vào giảng dạy. Dù có giọng nói ấm áp, phát âm tròn vành, rõ chữ, nhưng với bà Vân, đây là nhiệm vụ vừa thiêng liêng, vừa thách thức.
“79 mùa xuân” là bộ phim tài liệu dài gần 25 phút về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ekip làm phim người CuBa ghi lại trong thời gian ở Việt Nam. Đan xen những câu chuyện về cuộc sống đời thường, là hình ảnh cùng nhiều tư liệu đắt giá về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Cao trào của bộ phim nằm ở những thước phim xúc động và đau thương mà đạo diễn Santiago Alvarez ghi lại trong lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nam đạo diễn đã đầy ý tứ khi quay lại từng bước chân, từng giọt nước mắt, từng cái cúi đầu kính cẩn của người dân và bạn bè quốc tế lúc tiễn biệt Người.
Đặc biệt, bằng những cảnh quay về cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục diễn ra, bộ phim kết thúc với thông điệp cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Bà Vân cho biết, thời điểm ấy, “79 mùa xuân” là một trong những bộ phim tài liệu quý giá về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh do người nước ngoài thực hiện. Vì thế, quá trình thuyết minh phim này, bà đã cố gắng truyền tải đầy đủ những giá trị lịch sử lẫn những cảm xúc chân thành, thiêng liêng mà người dân và cộng đồng quốc tế dành cho Bác Hồ, từ đó giúp người xem hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Lần đó tôi chuẩn bị nội dung rất kỹ. Không chỉ thuộc từng câu, từng chữ trong kịch bản mà luôn cố gắng nói thật chậm, thật chắc, thật truyền cảm và thật chính xác những thông tin về Người. Hơn 20 năm làm nghề, thuyết minh hàng trăm bộ phim nhưng với tôi, “79 mùa xuân” vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt trong tim”, bà Vân bồi hồi kể.
Những năm tháng sau đó, với giọng nói trầm ấm, truyền cảm, từng buổi thuyết minh của bà Vân luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Không ít ngày, bà phải đọc 8 suất phim mới đáp ứng nhu cầu người đến rạp. Theo bà, thuyết minh phim không đơn thuần là đọc lời thoại có sẵn mà cần nắm vững kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt phải hiểu rõ tinh thần bộ phim để đưa tác phẩm điện ảnh đến với khán giả tốt nhất.
“Chúng tôi được yêu cầu phải có khả năng nói trôi chảy, chính xác và rành mạch. Việc lựa chọn từ ngữ phù hợp và phát âm chuẩn xác là rất quan trọng để truyền tải nội dung phim hiệu quả. Công việc này đòi hỏi sự tập trung, kiên nhẫn, đặc biệt khi phải xử lý những đoạn thoại dài và phức tạp. Chưa kể, trong một số trường hợp, thuyết minh viên cần có sự sáng tạo để làm cho nội dung phim trở nên hấp dẫn và thu hút hơn đối với khán giả”, bà Vân phân tích thêm.
Suốt thập niên 80 đến đầu thập niên 90, người dân Đà Nẵng đến rạp xem phim khá đông. Nhiều suất chiếu kéo dài từ 7 giờ sáng đến 23 giờ khuya. Ông Trần Văn Hùng (71 tuổi), phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê nhớ lại, thời đó, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình chưa có tivi, vì thế việc đến rạp xem phim trở thành nhu cầu giải trí của người dân, đặc biệt là thanh niên.
Ngoài những bộ phim về đề tài chiến tranh, phim tình cảm kiểu “mì ăn liền” cũng được giới trẻ ưa thích như "Vị đắng tình yêu", "Phạm Công - Cúc Hoa", "Vĩnh biệt mùa hè", "Tráng sĩ bồ đề"… với sự tham gia diễn suất của dàn diễn viên nổi tiếng Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Diễm My. Theo ông Hùng, mạch phim thời đó đơn giản, nghiêng về tình yêu đôi lứa với những câu thoại hay và không có quá nhiều kỹ xảo. Người ta đến rạp ngoài ngắm dàn diễn viên đẹp, còn để nghe người thuyết minh dẫn dắt câu chuyện bằng chất giọng ấm, truyền cảm đặc trưng.
Cùng với sự phát triển của ngành điện ảnh và công nghệ trình chiếu, nghề thuyết minh phim trực tiếp rơi vào cảnh thoái trào khi khán giả đến rạp ngày càng thưa vắng. Nhiều người như bà Vân buộc phải rời khỏi công việc mình yêu thích để nhập vào một dòng chảy mưu sinh khác. Dù vậy, trong tâm trí của người phụ nữ sắp bước sang tuổi 70 này, những năm tháng tuổi trẻ cống hiến sôi nổi cho lịch sử điện ảnh Đà Nẵng luôn là những ký ức đẹp, không thể nào quên…
“Lần đó tôi chuẩn bị nội dung rất kỹ. Không chỉ thuộc từng câu, từng chữ trong kịch bản mà luôn cố gắng nói thật chậm, thật chắc, thật truyền cảm và thật chính xác những thông tin về Người. Hơn 20 năm làm nghề, thuyết minh hàng trăm bộ phim nhưng với tôi, “79 mùa xuân” vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt trong tim”, bà Vân bồi hồi kể. |
TIỂU YẾN