Đà Nẵng cuối tuần

DẤU ẤN ĐIÊU KHẮC

Khúc tráng ca trên đường phố

19:47, 27/07/2024 (GMT+7)

Việc đặt tượng đài trên đường phố không chỉ trở thành điểm du lịch mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn và tôn vinh những người đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, đặc biệt khi gắn với những câu chuyện có thật trong lịch sử. Những bức tượng như những "khúc tráng ca” nhắc nhở thế hệ trẻ luôn ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh đi trước.

Bức tượng “Đất lành chim đậu” thể hiện hình ảnh những chú chim bồ câu đang sum vầy trong tổ, biểu trưng cho một thành phố trẻ, năng động và đáng sống. Ảnh: Đ.H.L
Bức tượng “Đất lành chim đậu” thể hiện hình ảnh những chú chim bồ câu đang sum vầy trong tổ, biểu trưng cho một thành phố trẻ, năng động và đáng sống. Ảnh: Đ.H.L

Ý tưởng từ tình yêu quê hương

Nằm bên bờ biển Mỹ Khê, bức tượng “Mẹ Âu Cơ” có lẽ đã quen thuộc với nhiều người dân và du khách khi gợi nhớ về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cụm tượng đài có màu trắng sáng với hình tượng quả trứng khổng lồ và hai bầu ngực của người mẹ Việt Nam. Những hình khối tuy đơn giản nhưng được chạm khắc tỉ mỉ, mang biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở và ý nghĩa về lịch sử, nguồn cội con Rồng cháu Tiên.

Điều đặc biệt là tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” được chính người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng thực hiện, đó là nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành (1932-2019). Chuyện kể rằng, các khối đá trắng tinh khôi được đặt đúng vị trí vào lúc nửa đêm 30-6-2007, nằm uy nghi bên biển Đông như một sự tích. Bởi trước giờ khắc đó, lúc 18 giờ 30 chiều ngày 30-6-2007 có một áng cầu vồng rực rỡ xuất hiện vắt ngang biển từ bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn. Tuy vậy, bức tượng đã được nhà điêu khắc Lê Công Thành sáng tác từ giữa những năm 80. Trong khi một số người bạn nước ngoài của ông muốn phóng lớn bằng đồng để đem về đặt ở Pháp hay Ý nhưng ông tin rằng, bức tượng chỉ có thể được dựng ở nơi ông sinh ra.

Vào năm 2007, ông trở về quê hương và tự khảo sát vị trí, mặt bằng kiến trúc, rồi lên kế hoạch thi công. Trong vòng một tháng rưỡi, tượng đài “Mẹ Âu Cơ” hoàn thành. Nói về công trình đặc biệt này, nhà điêu khắc Lê Công Thành từng thổ lộ tình cảm của mình qua một đoạn thơ: “Ngày 30 tháng 6/ Con về đây xây tượng Mẹ/ Lưng Mẹ tựa vào con/ Mắt Mẹ nhìn ra biển/ Ôm một bọc trứng tròn/ Chờ đến ngày sinh nở…”. Ông cho biết: “Tôi không phải là nghệ sĩ nặn vẽ phụ nữ khỏa thân. Mà vì nhờ phụ nữ mà tôi trở thành một nghệ sĩ theo nghĩa làm Người”.

Cũng là người con Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có nhiều tác phẩm điêu khắc giàu ngôn ngữ thi ca. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi nhắc đến ông, người ta thường nghĩ đến những tác phẩm lớn mang vóc dáng tượng đài trên các quảng trường và đường phố. Với “Mẹ dũng sĩ”, đây là tác phẩm nghệ thuật lớn, được hình thành từ ý tưởng tưởng nhớ người mẹ anh hùng của Đà Nẵng - Mẹ Nhu đã cùng với 7 dũng sĩ phường Thanh Lộc Đán anh dũng hy sinh bất khuất trước mũi súng của quân thù trong trận đánh Mỹ nổi tiếng ở Thanh Khê năm 1969.

Để thể hiện hình tượng người mẹ trung dũng bất khuất này, ông có hằng đêm suy tư với những chồng phác thảo để tìm ra ý tưởng. Trong một lần trở lại mảnh đất kiên cường Quảng Nam, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng bắt gặp một bà mẹ gầy gò đi ngược trong mưa gió. Bà dang tay căng vải bạt che chở cho những đứa con đi cùng. Thế là ông vội ký họa ghi lại bố cục cho tác phẩm “Mẹ dũng sĩ” khi cảm xúc trào dâng. Nét độc đáo của bức tượng được tôn lên của tượng đài “Mẹ dũng sĩ” là việc tác giả lấy chính vỏ đạn đại bác gom nhặt được để cưa cắt tạo hình. Cuối cùng, bức tượng lớn đầu tiên của ông cũng hoàn thành sau 18 tháng thi công và đặt tại ngay cửa ngõ đi vào thành phố Đà Nẵng với chiều cao 11,50 m, dùng đến 1.200 vỏ đạn đại bác.

Phản ánh truyền thống lịch sử địa phương

Là người con Hà Nội nhưng lại gắn bó với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhà điêu khắc Phạm Hồng đã có những bức tượng tiêu biểu về đề tài chiến tranh. Ngay sau giải phóng, năm 1976, ông thực hiện bức tượng “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” đặt tại Trung tâm Văn hóa ở 84 Hùng Vương. Tiếp đó, ông thực hiện bộ series chân dung Bác Hồ như tác phẩm “Việt Nam trong trái tim tôi”, “Bác Hồ trong ngày giải phóng”… Trong đó, bức tượng “Bác Hồ trong ngày giải phóng” được đặt ở Trung tâm Văn hóa ở 84 Hùng Vương, sau đó chuyển về trường quân chính.

Hiện nay, trên đường phố Đà Nẵng còn có hai bức tượng “Khát vọng hòa bình” và “Dòng sữa mẹ” của nhà điêu khắc Phạm Hồng đặt ở đường Trần Hưng Đạo. “Bức tượng "Khát vọng hòa bình" với mong muốn đem lại hòa bình không chỉ cho đất nước Việt Nam mà cho cả nhân loại. Còn bức tượng ‘Dòng sữa mẹ’ mượn hình ảnh dòng sữa mẹ để nói lên tình cảm của những người mẹ trong chiến tranh đã giúp đỡ, nuôi nấng, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng đứng lên chống thực dân; qua hình tượng bà mẹ để nói lên tình cảm của mình đối với quê hương, đất nước và khát vọng hòa bình”, nhà điêu khắc Phạm Hồng giải thích.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Nam - Đà Nẵng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có lẽ vì điều đó mà nhà điêu khắc Phạm Hồng luôn mong muốn thành phố có một không gian điêu khắc đương đại phản ánh toàn bộ truyền thống đấu tranh của Quảng Nam - Đà Nẵng, lịch sử của quê hương thông qua các bức tượng danh nhân, anh hùng dân tộc trong nhiều thế kỷ, từ thời cụ Hoàng Diệu, Trần Văn Dư… cho đến các thế hệ sau này như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý…

Về chủ đề lịch sử, nhà điêu khắc Phạm Hồng đã hoàn thành một số tác phẩm như "Dũng sĩ Núi Thành", "Chiến thắng Bồ Bồ", "Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ", "Hà Lam chợ Được"… Ông cũng mong muốn thực hiện ý tưởng xây dựng tượng đài Hải Vân, Trần Hưng Đạo… ở đèo Hải Vân. Tượng đài Hải Vân có hình tượng như một cánh buồm với cụm tượng gồm ba nhân vật chiến sĩ giải phóng, công binh, du kích, được đúc bằng gang hoặc thép để nói lên ý chí, tinh thần gang thép của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Đặc biệt là các chiến sĩ công binh đã có công lao đóng góp trong việc bảo vệ những con đường huyết mạch ở đây.

Với vai trò đào tạo thợ điêu khắc và hỗ trợ các hoạt động mỹ thuật của thành phố Đà Nẵng, bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ điêu khắc Đà Nẵng cho biết, trong năm 2017, quỹ tặng thành phố 2 bức tượng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng là “Sóng biển” và “Dòng sữa mẹ” đặt ở đầu tuyến trục đường Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt và khu công viên trước tòa nhà AZURA với sự tham gia hỗ trợ của hai nhà điêu khắc Phạm Hồng và Oyvin Storbaekken (Na Uy). Năm ngoái, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đã thực hiện tác phẩm “Tình biển” đặt tại khu công viên đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn. Trong thời gian tới, quỹ mong muốn chính quyền thành phố tạo điều kiện hỗ trợ quỹ phát triển bằng cách giao thực hiện điêu khắc các công trình tượng công cộng của thành phố.

Có thể thấy, việc đặt các bức tượng đài trên các đường phố Đà Nẵng không chỉ tạo vẻ đẹp cho không gian đô thị mà còn giúp người dân và du khách hiểu thêm về truyền thống lịch sử văn hóa của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Qua đó, khơi lên tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ mai sau.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.