Đà Nẵng cuối tuần

Giáo sư Cao Huy Thuần với xứ Quảng

17:12, 12/07/2024 (GMT+7)

Ngày 8-7-2024, tôi vô cùng xúc động, bàng hoàng khi nghe tin Giáo sư Cao Huy Thuần không còn nữa. Anh mất đi nhưng dấu ấn còn lại trong bạn bè thì rất nhiều và sâu đậm. Riêng tôi thì kỷ niệm với anh rất nhiều. Cứ mỗi Tết đến là chúng tôi hỏi thăm nhau "Năm nay viết bao nhiều bài báo ở Việt Nam". Thư mới nhất chúng tôi gửi cho nhau là vào tháng Ba năm nay, tôi kể anh nghe, tôi nằm mơ thấy đến thăm nhà anh ở Paris đang lúc anh say mê đánh đàn ghi-ta... Anh viết lại cho tôi: "Ôi giấc mơ quá đẹp!... Bao giờ cũng vậy, giữa anh với tôi hình như có hiện tượng đồng giao cách cảm, tôi nghĩ đến anh thì anh gặp tôi trong giấc mơ, lại còn say mê đánh đàn ghi-ta nữa chứ! Ghi-ta thì không nhưng mài dũa cây viết thì có: tôi đang say mê viết. Chỉ mong rằng đừng viết lở dở, xong việc rồi thì mới 'đi đâu' thì đi". Nhưng không ngờ anh viết lở dở, chưa xong đã đi, để lại tiếc thương cho gia đình, bạn bè.

Giáo sư Cao Huy Thuần lúc sinh thời. Ảnh: S.T
Giáo sư Cao Huy Thuần lúc sinh thời. Ảnh: S.T

Anh Thuần làm việc và sinh sống tại Pháp, chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu về chính trị, luật học, văn hóa, tôn giáo, nhưng luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn đất nước phát triển. Anh thường xuyên viết cho các báo và xuất bản nhiều sách ở Việt Nam về nhiều lĩnh vực từ chính trị, triết học đến văn học, văn hóa. Nội dung các vấn đề anh đề cập lúc nào cũng làm cho người đọc cảm nhận được sự gần gũi, dung dị và chân thực trong cuộc sống. Năm 2017 anh được trao Giải văn hóa Phan Châu Trinh, hạng mục Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục.

Tôi có hân hạnh giao du thân thiết với anh từ cuối thập niên 1990. Chúng tôi cùng tham gia tổ chức hội thảo, cùng trao đổi ý kiến về các vấn đề giáo dục, văn hóa, kinh tế ở quê nhà, cùng viết những ý kiến đóng góp xây dựng để phát triển đất nước gửi lãnh đạo trong nước. Ở đây tôi chỉ nói về tâm tình của anh Thuần đối với Quảng Nam - Đà Nẵng, một điểm mà có lẽ ít người để ý.

Anh Thuần sinh năm 1937 ở Quảng Ngãi nhưng năm lên 8 tuổi thì chuyển về Huế, chánh quán của gia đình. Anh học trung học tại trường Khải Định (nay là trường Quốc Học) rồi vào Sài Gòn học Đại học Luật từ năm 1955-1960 và từ năm 1962-1964 dạy Luật tại Đại học Huế. Khi là giảng viên Đại học Huế, là một trí thức yêu nước, anh chủ trương tuần báo nổi tiếng Lập trường, tiếng nói đấu tranh chống độc tài, hướng tới một đất nước thống nhất, và tham gia tranh đấu trong sự kiện đàn áp Phật giáo tại Huế. Cuối năm 1964 anh nhận học bổng của Chính phủ Pháp, sang Paris du học và từ đó dạy học và nghỉ hưu ở Pháp.

Như vậy anh Thuần trưởng thành ở Huế, thấm đậm văn hóa và cốt cách Huế. Anh ra nước ngoài mang theo hình ảnh Việt Nam nói chung nhưng trong đó có lẽ sâu đậm nhất là Huế. Trong mail gửi tôi ngày 19-7-2022, anh viết: “Hồi tôi rời Huế đi Pháp, tôi đã bắt chước một nhân vật tướng quốc trong Đông Chu Liệt Quốc thề với cây cầu Trường Tiền: “Bất thừa xa mã bất quá thử kiều”. (Xa mã là sách vở của chúng ta). Tôi viết lại cho anh: “Thời trẻ anh đã có chí lớn quá. Không chinh phục sách vở thì quyết không trở về nhìn cầu Trường Tiền. Và anh đã toại nguyện, thật hạnh phúc”.

Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng cách nhau bằng đèo Hải Vân nhưng có quan hệ rất đặc biệt, rất tình cảm. Quan hệ đó thể hiện ở câu ca dao rất hay "Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không rời". Là người gốc Huế nhưng trong tâm tình anh Thuần luôn quan tâm đến Quảng Nam - Đà Nẵng. Riêng qua thư tín cá nhân hoặc giữa anh với một nhóm bạn bè trong đó có tôi, tôi thường thấy anh nhắc đến xứ Quảng với tình cảm đặc biệt. Bốn năm trước, chúng tôi có viết cuốn Việt Nam - Hôm nay và ngày mai (NXB Đà Nẵng, 2021) để tặng anh Cao Huy Thuần nhân dịp anh vừa qua tuổi bát tuần. Trong nhiều điện thư trao đổi giữa anh với chúng tôi, anh hay nhắc đến người bạn thân, đã mất, trước đây là một nhà thơ có tên tuổi. Anh nói người bạn ấy là dân Quảng, mà dân Quảng thì mang văn chương trong máu... 

Năm 2005, hội thảo Hè của chúng tôi tổ chức tại Đà Nẵng. Một trong những người vui nhất là anh Thuần. Trong hội thảo, bài anh phát biểu, đoạn mở đầu như sau: “Điều mà tôi không ngờ là lần đầu tiên chúng ta về nước hội thảo lại là về Đà Nẵng, khi đặt chân lên đất Quảng Nam này, tôi không khỏi choáng ngợp với hình ảnh vó ngựa của Nguyễn Hoàng. Được nói chuyện với nhau trên mãnh đất đã mở ra Nam tiến, ai mà không sảng khoái!".

Liên quan đến Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng, anh Thuần có một suy nghĩ rất hay và thường đem bàn với tôi, khuyến khích tôi thực hiện. Đó là vận động hỗ trợ từ Nhật Bản để xây dựng một đại học có hai cơ sở (campus), một tại Huế và một tại Đà Nẵng. Nhiều lần anh gọi đó là “mơ ước của chúng ta”, một người Huế và một người Quảng. Đây là một ý tưởng rất sáng tạo và xây dựng. Phải là người Huế rất yêu mến đất Quảng Nam - Đà Nẵng mới nãy ra ý tưởng như vậy.

Rất tiếc là mộng ước chưa thành thì anh ra đi vĩnh viễn.

Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024) là tác giả của nhiều đầu sách về văn hóa, giáo dục và triết học ở trong nước như Nắng và hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật ký sen trắng, Sen thơm nắng hạ quanh mình, Im lặng như lời chia tay, Đến với Phật cùng tôi...

TRẦN VĂN THỌ
Tokyo, 9-7-2024

.