Đà Nẵng cuối tuần
Vượt qua nỗi đau
Sau tai nạn giao thông, nhiều nạn nhân phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe và quá trình tìm-lại-chính-mình đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ bệnh nhân, gia đình và đội ngũ y, bác sĩ.
Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Đinh Quốc Hùng đang hỗ trợ người bệnh hồi phục các chức năng vận động. Ảnh: T.Y |
Kiên trì, nỗ lực hết mình
Hơn 10 giờ sáng, tại hành lang tầng 3 Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Khôi (24 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi), cựu sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng chật vật nhấc từng bước chân chậm rãi tiến về phía mẹ. Đứng cách đó chừng 1 mét, bà Hương luôn ở tư thế giang đôi tay để nếu Khôi có ngã, bà sẽ nhanh chóng đỡ lấy con trai. Những ngày này, phòng tập phục hồi chức năng và hành lang bệnh viện trở thành nơi quen thuộc của hai mẹ con. Bà Hương nói, Khôi đã có thể tự mình nhấc từng bước chân, dù khó khăn, chậm rãi nhưng đó là một kỳ tích. Gần 4 năm qua, bà luôn ở cạnh con, ánh mắt chứa chan tình yêu và niềm hy vọng.
Chuyện của Khôi bắt đầu từ cách đây 4 năm, khi anh gặp tai nạn giao thông trên đường từ Đà Nẵng trở về Quảng Ngãi thăm gia đình. Lần đó, người ta bất ngờ tông vào xe Khôi đang lưu thông cùng chiều rồi bỏ nạn nhân nằm lại giữa đường. Anh được người dân đưa vào viện cấp cứu. Cú va đập mạnh khiến chàng sinh viên 20 tuổi bị chấn thương sọ não dẫn đến liệt nửa người và kèm theo các biến chứng bệnh lý khác như động kinh, viêm màng não, rối loạn mỡ máu, liệt rũ bàn tay phải...
Suốt thời gian qua, mỗi ngày của Khôi đều là một cuộc chiến. Anh phải trải qua nhiều ca phẫu thuật và những đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện. Từng bước đi, từng động tác, từng hơi thở đều phải cố gắng hết sức. Bà Hương chưa bao giờ rời xa con trai, từ chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện vệ sinh cá nhân và cùng con trải qua những bài tập phục hồi. Khôi chia sẻ rằng có những lúc anh cảm thấy vô vọng và muốn buông xuôi, nhưng nhìn thấy mẹ ngày ngày vất vả chăm sóc, anh không thể nào bỏ cuộc.
Đều đặn sáng chiều, bà Hương cùng con đến phòng tập thuộc Khoa Phục hồi chức năng để được đội ngũ kỹ thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hỗ trợ điều trị theo phác đồ. Kỹ thuật viên Đinh Quốc Hùng, Khoa Phục hồi chức năng cho biết, mỗi bước chân chậm rãi của Khôi hiện nay là kết quả của hàng ngàn giờ tập luyện đau đớn và mệt mỏi. “Khôi là một trong những bệnh nhân kiên trì, nghị lực nhất mà tôi từng gặp. Anh tuân thủ phác đồ điều trị và nỗ lực hết mình trong mỗi buổi tập. Từ một bệnh nhân được phẫu thuật não, chẩn đoán liệt nửa người trái, liệt rũ bàn tay phải, vôi hóa khớp háng 2 bên, nay Khôi đã có thể giữ thăng bằng khi ngồi và chậm rãi đi lại khi có gậy hoặc sự trợ giúp của người nhà. Bằng trách nhiệm của mình, mỗi ngày, chúng tôi đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để Khôi luyện tập và phục hồi”, anh Hùng chia sẻ.
Mỗi tháng có hàng chục bệnh nhân bị tai nạn giao thông khác được đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng hỗ trợ điều trị. Cũng như Khôi, chị Phạm Thị Kim Thiện (SN 1980, quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) trải qua hành trình dài đầy thử thách với hy vọng sớm hồi phục sức khỏe sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra cách đây 6 năm. Hậu quả của vụ tai nạn này là chị bị chấn thương sọ não, liệt tứ chi, hôn mê sâu và phải trải qua nhiều ca phẫu thuật phức tạp kéo dài sự sống. Biến cố gia đình ập đến, anh Trần Vĩnh Phước - chồng chị quyết định bán mảnh đất ở quê, gửi con cho ông bà rồi cùng vợ khăn gói ra Đà Nẵng “ăn dầm, nằm dề” ở bệnh viện.
Mỗi ngày, anh đều đặn 2 lần đưa vợ đến phòng tập phục hồi chức năng ở tầng 4. Thời gian rảnh, anh tranh thủ xuống căn tin bệnh viện phụ bán cơm kiếm thêm thu nhập. “Tỉnh dậy sau tai nạn, tôi không thể tin rằng mình sẽ phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Thời gian đầu thực sự khó khăn khi tôi luôn cảm thấy tuyệt vọng và không biết phải làm sao để vượt qua. Nhưng nhìn cách chồng chăm sóc, động viên mỗi ngày, tôi biết mình phải kiên trì, nỗ lực hơn nữa dù các chức năng vận động của bản thân hầu như không thể phục hồi vì chấn thương quá nặng”, chị Thiện chia sẻ.
Đừng bỏ qua “thời điểm vàng”
Phục hồi chức năng cho nạn nhân tai nạn giao thông nếu thực hiện sớm, đúng kỹ thuật sẽ mang lại cơ hội “hồi sinh” cho người bệnh. BS.CK1 Huỳnh Tấn Tuệ, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng cho biết, thời điểm vàng để hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng là trước 6 tháng, tính từ lúc cơ thể bị tổn thương. Việc hỗ trợ sớm, đúng kỹ thuật sẽ giúp bệnh nhân phục hồi hoàn toàn hoặc giảm di chứng, giảm sự phụ thuộc vào người khác.
Cũng theo bác sĩ Tuệ, đa phần bệnh nhân sau tai nạn giao thông thường mất chức năng vận động, liệt nửa người, liệt tứ chi, chấn thương sọ não, thần kinh tri giác kém… Lúc này, phục hồi chức năng cần tiến hành càng sớm càng tốt nhưng không ít bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc này nên để lỡ mất “thời điểm vàng”. “Với người gặp di chứng nặng, việc phục hồi cũng chỉ trong một giới hạn nào đó, nhưng nếu bệnh nhân không vận động thường xuyên, hoặc vận động không đúng cách dễ dẫn đến tình trạng suy yếu về sức khỏe, vôi hóa các khớp và bị liệt hoàn toàn”, bác sĩ Tuệ thông tin thêm.
Có thể nói, phục hồi chức năng vận động là một quá trình luyện tập lâu dài, phức tạp và cần có sự đồng hành của đội ngũ y tế. Trực tiếp hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân Nguyễn Hoàng Khôi, kỹ thuật viên Đinh Quốc Hùng khẳng định, tùy mức độ tổn thương, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi dựa trên thiết bị hỗ trợ tại phòng tập. Trung bình mỗi ngày, bệnh nhân cần luyện tập 1-1,5 giờ và chia thành hai buổi sáng - chiều. Cùng với đó, việc hỗ trợ ngôn ngữ trị liệu hay điều trị tâm lý cũng quan trọng không kém nhằm mang lại khả năng hồi phục tốt nhất cho bệnh nhân.
Chung quan điểm này, Th.s Tâm lý Trần Minh Phúc, Trung tâm Tâm lý Tuệ Minh cho rằng, hiện nay xã hội chưa thật sự chú ý đến yếu tố phục hồi tâm lý cho bệnh nhân sau tai nạn giao thông - dù điều này thật sự cần thiết. Bởi lẽ, nhiều trường hợp bệnh nhân gặp tổn thương nặng rất ít có cơ hội phục hồi hoàn toàn nên cần chuẩn bị tâm lý sống chung với thương tật vĩnh viễn. “Đối với tổn thương tinh thần, việc tham gia các liệu pháp tâm lý theo lộ trình sẽ giúp bệnh nhân sớm vượt qua khủng hoảng. Hay nói cách khác, việc tuân thủ quy trình điều trị và phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường dễ dàng hơn”, anh Phúc phân tích thêm.
Ở một khía cạnh khác, kinh phí cùng thời gian điều trị kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình từ chối dịch vụ chăm sóc y tế, làm mất đi khả năng hồi phục của bệnh nhân. Mới đây, để hỗ trợ điều trị phục hồi cho bệnh nhân chấn thương sọ não, mất chức năng vận động, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã tăng cường máy Foot Balance giúp xác định tình trạng mất cân bằng hoặc thay đổi về phân bổ trọng lượng trên hai bàn chân để có hướng điều trị phù hợp.
Theo đánh giá của BS CKII Đỗ Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, việc bổ sung thêm máy Foot Balance và nhiều thiết bị y tế khác rất hữu ích trong phát hiện, đánh giá các vấn đề về cân bằng liên quan đến bệnh lý hay chấn thương do tai nạn. “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị. Đây cũng là cơ hội cho bệnh nhân tai nạn giao thông được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt hơn nhằm nâng cao khả năng phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Thành khẳng định.
TIỂU YẾN