Đà Nẵng cuối tuần
Rưng rưng sắc cỏ nghĩa trang
Tháng Bảy đến, nắng hạ chói chang, ai cũng rưng rưng khi viếng nghĩa trang vào những ngày tưởng niệm thiêng liêng 27-7. Không hiểu sao, tôi vẫn thích đến thăm nghĩa trang vào những xế chiều. Vâng! Cái nắng vàng vào buổi xế chiều ấy, cái hoàng hôn sắp ập lặng một ngày ấy, thoảng một chút gió nhẹ hiu hiu, mình mới thấy xúc cảm ắp đầy. Mới thấy con người đang quay về tự tại với chính tâm linh mình hòa cùng chút thoảng nhẹ của khói hương thoảng bay dễ xuôi ta bắt nhịp với những người đang nằm dưới mộ...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
"Ngày dân tộc tụ về đường số Một
lòng không nguôi thương
những cánh rừng này
nơi hàng vạn đứa con
nằm lưng đèo cuối dốc
dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây
nếu một ngày ta dựng những hàng bia
xin hãy để “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ”
Những câu thơ này trong trường ca “Những người đi tới biển” của nhà thơ Thanh Thảo cứ đau đáu mãi trong tôi, xui tôi cứ nghĩ rằng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn thấm đẫm trong lòng, trong thơ của những người sống hôm nay đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Sau chiến tranh, những đoàn người “đi tìm đồng đội” đã quy tập về nghĩa trang rất nhiều hài cốt những anh hùng, liệt sĩ, trong đó có không ít những hài cốt vô danh.
Những người lính hy sinh được quy tập về nghĩa trang giữa dòng người đưa tiễn, có cả quan tài đỏ thắm và màu Quốc kỳ đỏ tươi của nước, của dân và được mọi người đến viếng thường xuyên cũng đã là hạnh phúc. Còn biết bao nhiêu người vẫn đang còn “nằm lưng đèo cuối dốc, dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây”! Ta là người sống, người của hôm nay đến với các anh, đơn sơ chỉ bằng tấm lòng, bằng tình cảm, chỉ bằng sự mặc niệm hoặc một lọn nhang thơm, một bó hoa đơn sơ thì có gì để không chọn cho mình, dành cho mình một giờ khắc mà mình có thể lắng nghe những gì thiêng liêng từ tâm linh vọng lại!
Nhân dân ta ở nông thôn thường chọn dựng nghĩa trang ở những thế đất cao và thoáng đạt. Lộng gió và sáng ánh mặt trời. Có lẽ đây là nét đẹp mà không hiểu tự bao giờ, cái truyền thống kính trọng những người khuất đã hằn sâu vào tâm tưởng chúng ta. Hẳn là do xuất phát từ cái “đạo thờ cúng tổ tiên” đã hằn sâu trong tín ngưỡng Việt Nam như một thứ tôn giáo đầy bản sắc; hẳn là nhân dân mình không muốn khi đến với nghĩa trang lại phải mang cả cái u uất, nặng nề, ẩm ướt của thiên nhiên trong khi lòng người đến với nghĩa trang vốn đã ắp đầy tâm trạng.
Buổi sáng đến thăm, cỏ đã vợi sương vì nắng sớm. Buổi chiều vào nghĩa trang đỡ bớt oi nồng hoặc ẩm ướt vì thoáng gió. Vậy thì nhân dân ta đã rất khoa học khi chọn thế đất để xây dựng nên một vùng tâm linh thuần túy. Vì thế, cỏ ở nghĩa trang phải mềm một chút, đất ở nghĩa trang phải khô ráo, cưng cứng một chút. Đất cứng, cỏ mềm, bước nhẹ chân đến từng ngôi mộ, tạo cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Có cái gì nhẹ nhõm, lâng lâng, vương vương và tỏa ra sự tôn trọng, nhẹ nhàng trong từng bước đi, khiêm cung trong từng thế đứng, dáng ngồi. Lặng lẽ, trang nghiêm mà tuyệt không gò bó: "Lặng lẽ nơi đây những tên tuổi vô danh/ Như hương cỏ suốt một đời lặng lẽ/ Tôi lặng lẽ giữa hương trầm tỏa nhẹ/ Mặc niệm những linh hồn…".
Tôi tự đọc thơ mình, rồi lặng lẽ đọc tên các anh chị trên bia mộ. Nhẩm năm sinh, ngày mất mà nghĩ suy về tuổi tác, về đời người. Đọc quê quán nơi sinh ra để thả hồn mình qua tưởng tượng về những miền quê xa ấy. Và thật sự quặn lòng khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nay mà vẫn hiển hiện ở các nghĩa trang những bia mộ vô danh…
Đến thăm nghĩa trang, cỏ xanh gợi cho ta rất nhiều suy ngẫm… Hãy cho các anh những bóng cây xanh. Nghĩa trang rất cần màu xanh cây lá. Thi thoảng điểm một vài đóa hoa dại đơn sơ lại khiến nghĩa trang càng thêm sáng rỡ. Nấm mộ xây hình vuông thẳng thớm rồi mà thiếu bóng xanh che, nó choi chói và hoang sơ lắm. Máu thì đỏ, nhưng máu thấm vào lòng đất mẹ là để muôn đời cho đất mẹ mãi xanh tươi.
Cỏ ở nghĩa trang xanh thẩm vào mùa hạ, vàng vào mùa thu, tàn rụi vào mùa đông, rồi mơn mởn xanh mỗi độ xuân về. Xanh trong như hồn thiêng các anh chị mãi tươi xanh cùng hồn thiêng dân tộc. Nhưng dù có xanh theo mùa, cỏ nghĩa trang lúc nào cũng cứ rưng rưng trong lòng những người đang sống, những người đang viếng nghĩa trang vào bất cứ dịp nào, đặc biệt là vào những ngày tháng Bảy tri ân, hoặc những chiều cuối năm vào dịp tảo mộ tổ tiên, ông bà hay những ngày đầu năm mới, ta sẽ nhận ra trong màu cỏ những tình cảm tha thiết và thiêng liêng. Và hình như… có cả những tiếng vọng âm thầm, rưng rưng như tiếng lòng tri ân về chiến công của những người đã khuất…
MAI BÁ ẤN