Đà Nẵng cuối tuần
Việc đổi tên làng xã
Trong lịch sử nhiều lần tên một số làng xã đã bị thay đổi do nhiều lý do khác nhau. Xin đơn cử một lần đổi tên tiêu biểu vào năm Minh Mạng thứ 5, 1824.
Bản đồ huyện Hòa Vang, nơi có nhiều làng được đổi tên dưới triều Nguyễn (theo sách Đồng Khánh địa dư chí). Ảnh: Tư liệu |
Nhà nghiên cứu Thái Hạo trên Báo Nông nghiệp số ngày 4-8-2023 cho rằng: “Mỗi vùng đất, mỗi cái tên, đối với người Việt không chỉ đơn thuần là một cái nhãn hành chính vô hồn. Nó là căn cước của mỗi người, thậm chí là máu thịt và thiêng liêng. Chẳng thế mà họ mới phải “Gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Trường ca mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)”. Và vì thế theo tác giả, “tên làng đã trở thành di sản phi vật thể”.
Tên làng xã ra đời cùng quá trình khai khẩn lập làng của tiền nhân. Nó mang tính lịch sử rất cao. Làng xã của vùng Quảng Nam - Đà Nẵng được hình thành tương đối trễ, phải sau đám cưới của Chế Mân và Huyền Trân Công chúa vào năm 1306, được tiếp tục sau cuộc động binh của Hồ Quý Ly vào năm 1402 và “nở rộ” sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông vào năm 1471 khi biên giới Việt - Chiêm được đẩy lùi về tận đèo Cù Mông. Sau này cuộc di dân lập làng được tiếp tục với chuyến vào Nam của Nguyễn Hoàng năm 1558. Vì vậy việc đặt tên làng xã của vùng Quảng Nam - Đà Nẵng vừa giống vừa khác các địa phương khác và có mấy đặc điểm tiêu biểu sau:
- Một số tên mang tên Chăm do người Việt đã đến cộng cư và tiếp biến văn hóa Chăm;
- Một số tên làng xã có nguồn gốc từ tên làng xã của phía Bắc do “lưu dân đã gánh theo tên đất tên làng trong mỗi chuyến di cư” (như Nghi Sơn, Lộc Đại, Câu Nhi);
- Phần lớn tên làng xã thể hiện ước muốn muôn thuở của con người. Những tên này thường có các từ tố thể hiện sự bình yên (An, Bình), sự lâu bền (Trường, Cửu), sự linh thiêng (Long), sự giàu có (Phú), được hưởng ơn phước của trời đất (Phúc, Phước, Lộc), thể hiện sự đẹp đẽ (Mỹ, Cẩm),…
- Một số tên làng gắn với đặc điểm của làng về vị trí địa lý, địa hình, địa vật, đặc điểm tự nhiên, đặc điểm sản xuất, văn hóa, lịch sử… (như Tam Kỳ, Hương Quế, Đồng Tràm, Trà Kiệu…).
Theo một số tài liệu cổ còn lưu lại thì ít nhất ở Quảng Nam đã có 4 lần tên làng xã được thay đổi vào các năm 1558, 1604, 1824, 1841. Lần đổi tên đặc biệt nhất là vào năm 1824 dưới thời Minh Mạng. Nói đặc biệt vì 2 lý do: thứ nhất là không phải vì kỵ húy như ba lần khác mà vì muốn thay tên từ chữ Nôm thành chữ Hán cho “nhã” (đẹp); thứ hai vì đây là lần thay đổi tên làng xã có quy mô lớn ảnh hưởng đến nhiều địa phương nhất.
Về lý do đổi tên, sách Đại Nam Thực lục cho biết “Lại sai Bộ Hộ xét danh hiệu các tổng xã thôn phường ở các địa phương, những tên Nôm và mặt chữ không nhã thì bàn định đổi đi” (Bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo Dục, trang 332). Trong một bản tấu của Bộ Hộ lên nhà vua họ cho rằng tên gọi cũ của một số địa phương “còn có chữ quốc âm (Nôm) không được đẹp (bất nhã)”. Nên “thay dùng tên đẹp để lưu lại muôn đời”.
Nhà nghiên cứu Hy Giang, Lê Thị Mai cho biết thêm trong tác phẩm Đất Quảng trong lịch sử - Tư liệu và nghiên cứu (NXB Đà Nẵng, năm 2024, trang 212): “Theo ý chí của nhà vua, Bộ Hộ bàn thảo và tấu lên các địa danh được đổi, đến việc vua phê chuẩn thi hành thay đổi trong bản tấu diễn ra trong gần một tháng”. Điều đó cho thấy chủ trương đổi tên làng xã diễn ra rất nhanh chóng, quyết liệt!
Cũng theo các tác giả trên thì lần đổi tên này có 28 địa phương với 525 địa danh được thay đổi. Những địa phương có số địa danh bị thay đổi nhiều là: Quảng Nam (99), Thanh Hóa (55), Sơn Nam (20), Quảng Trị (19), Phú Yên (18), Quảng Bình (16), Quảng Ngãi (15)… Tất cả thông tin này còn được ghi lại trong Minh Mạng tấu nghị hiện được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
Trong số 99 địa danh bị thay đổi của Quảng Nam thì một nửa nằm ở các phủ huyện, còn một nửa là ở các thuộc (đơn vị hành chính độc lập tương đương các tổng). Huyện Lễ Dương (nay là Thăng Bình) là địa phương có số địa danh bị thay đổi nhiều nhất (21 địa danh). Liêm hộ thuộc là đơn vị dẫn đầu các thuộc về số địa danh bị đổi (Liêm hộ là đơn vị hành chính tập hợp những hộ khai thác vàng).
Ngày nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (vốn phần lớn thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn ngày đó) có một số địa danh được thay đổi như:
- Ba xã Bàu Nghè Đông, Tây, Trung thuộc tổng Hòa An Thượng đổi thành ba xã An Ngãi Đông, An Ngãi Tây, An Ngãi Trung nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (sách Địa bạ Gia Long ghi là Bàu Nghi).
- Xã Bàu Đán thuộc tổng Bình Thái Hạ đổi thành xã Hoa Đán nay là khối phố Xuân Đán thuộc phường Xuân Hà, quận Thanh Khê.
- Xã Bàu Đán Đông cũng thuộc tổng Bình Thái Hạ đổi thành xã Hoa Đán Đông nay là khối phố Phục Đán phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê.
Năm 1841, vì kỵ húy bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị nên địa danh Hoa Đán và Hoa Đán Đông đã đổi thành các xã Xuân Đán và Phục Đán.
- Phường Cồn Nhâm đổi thành Nhâm Phường, nay thuộc khu vực Nam Dương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu.
- Xã Cồn Nhâm đổi thành Nhâm Xã, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Với việc Hán hóa các địa danh lần này đối với những người “có chữ” có lẽ sẽ cảm thấy “nhã” hơn nhưng còn đối với người dân ở các địa phương bị đổi tên sẽ cảm thấy mất đi một cái gì thân thuộc. Chuyện “được”, “mất” khó mà đong đếm!
LÊ THÍ