Đà Nẵng cuối tuần
Màu xanh ấy vẫn cùng tôi...
Tôi luôn bị ám ảnh bởi màu xanh. Cái màu xanh ấy đã theo mình từ tuổi thơ sông nước và ruộng vườn, rồi bị hất văng ra khỏi khi chiến tranh ập tới. Sau này nhiều năm, từ cuộc sống của người cha yêu thích làm nông, tôi bắt đầu quay lại. Màu xanh ấy đã thôi ám ảnh, mà dần trở thành sự thật...
Thu hoạch lúa hữu cơ ở Phong Thử. Ảnh: T.Đ.T |
1. Năm lên mười tuổi, cánh đồng thấp ven sông trước nhà tôi là một cảnh tượng lý tưởng. Băng qua dãy ruộng cao trước nhà, tôi lội tiếp qua một gò đất rộng, rồi bước xuống những thửa đất thấp sát mặt sông. Ở đây, mùa nước lớn, nước sông dâng lên vừa lút mắt cá chân nhưng trong vắt, lúp xúp trong cỏ. Chúng tôi lăn lộn trong đám cỏ nước đó, nô đùa cho đến khi trời chạng vạng mới quay về. Dưới bóng nước trong xanh đó là những hàng tre nghiêng bóng.
Đi ngược về phía thượng lưu của dòng sông, là một cánh đồng luôn xanh mượt bóng lúa. Những hôm nghỉ học, chúng tôi thường ra ruộng, mang theo cái giỏ lớn đựng khoảng chục con vịt vừa trổ lông huê. Nghiêng cái giỏ tre, bầy vịt liền nhảy ra khỏi giỏ, giành nhau lội vào mấy đám lúa vừa uốn câu, tìm mồi.
Chúng tôi cứ việc rủ nhau lội hết mương suối này qua mương suối khác, tìm bắt ốc, mò cá thỏa thích. Khi cá, ốc đã đầy giỏ, bọn nhóc chúng tôi lại tìm đến bầy vịt. Khi nghe tiếng gọi, những chú vịt ngoan đã chíu chít chạy lại, chui vào giỏ cho chúng tôi gánh về.
Ký ức của bọn trẻ chúng tôi trên những cánh đồng làng chỉ có vậy, suốt những năm tuổi nhỏ, nhưng vô cùng đằm thắm, đầy luyến nhớ. Đến nỗi sau này, khi chiến tranh nổ ra phải trốn ra phố, nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn thấy bến sông, đàn vịt và những ruộng lúa hiển hiện. Ngồi nhớ lại lúc ấy, những cánh đồng lúa thật giản dị. Người ta chỉ việc cày đất thật thục, rải lên đó vài gánh phân chuồng, trước khi gieo cất.
Trên sông lại càng đơn giản hơn. Không một cọng rác. Chỉ thỉnh thoảng mấy anh trai tráng gánh ra bến sông vài gánh cỏ, rửa sạch mang về cho trâu bò, rồi nhào xuống tắm mát. Dòng sông không một cọng rác. Nước trong xanh như có thể soi thấy đáy nước. Thỉnh thoảng có một chuyến ghe chở củi từ phía nguồn xuống hay một chuyến cá lên từ phía biển. Sau đó, vẻ yên bình được trả lại.
Dân làng tôi chẳng thấy ai quan tâm đến ô nhiễm, hay bờ sông bị xói lở. Sông nước, cây cỏ và con người sống chan hòa với nhau như tự bao đời nay vẫn vậy!
Trên bờ sông ấy có một máy bơm nước đổ lên một con mương, chảy ra cánh đồng cánh đó vài trăm mét. Bọn chúng tôi vẫn nhào xuống những mương nước ấy để tắm mỗi lúc đi học ở làng bên quay về. Mương nước ấy lại đổ ra những ruộng bắp, khoai, thuốc lá của dân làng. Cuộc sống vẫn bình lặng trôi qua nhiều tháng năm như vậy, như thể dòng nước ấy, môi trường ấy mãi tắm mát đời chúng tôi…
2. Khi chiến tranh ùa vào làng tôi, cả gia đình tôi tản cư ra phố. Nhưng cha tôi, dường như tâm hồn ông cũng gắn liền với nông thôn, vườn tược. Nghề chăn vịt đưa ông đến những bến sông, cánh đồng nhưng chưa làm ông thỏa mãn. Đầu năm 1972, cha tôi thuê máy cày lên vùng chân núi Gò Cà, thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang ngày nay. Hàng chục ngôi nhà và ruộng vườn ở vùng này đã bị bỏ hoang. Cha tôi cho máy cày san ủi thành những thửa ruộng, rộng cả chục hecta. Rủ thêm mấy bác nông dân người cùng quê đến làm nông. Ông trồng thuốc lá, rau củ, đậu phộng, cà rau đủ loại. Ông hay nói phải lấy ngắn nuôi dài, nghĩa là dùng rau củ ngắn ngày đưa xuống chợ Cồn (bằng chiếc xe lam mua được) bán để mua gạo, mua cá, mua cả cà phê, thuốc lá lên “bồi dưỡng” cho thầy thợ.
Lợi dụng các hố bom trong vùng, cha tôi mua máy bơm nước, đào mương làm thủy lợi, dẫn nước đến từng chân ruộng. Tết tôi giã từ Sài Gòn quay về cũng đến vùng rẫy của cha để phụ việc.
Cha tôi là người am hiểu nông nghiệp xanh, tức không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Chỉ dùng phân xanh và phân chuồng. Nghe người ta mách bảo có một lò mổ gần sân bay Đà Nẵng, ông tìm đến khảo sát. Thấy ở đó, lò mổ có mấy hố xi-măng chứa toàn phân heo, lông heo lưu cữu không có nơi giải phóng, cha tôi mua với giá rẻ mạt rồi thuê xe tải chở lên Gò Cà, ủ tiếp với phân xanh cắt từ mấy cánh rừng. Có phân hữu cơ và nước, tức là việc làm nông đã thành công một nửa, cha tôi kết luận.
Tôi nghỉ học về thăm chơi, những đâu có chơi được. Từ tờ mờ sáng đã mang giỏ cần xé ra đồng, thu hoạch các loại cà chua, cà tím rồi khiêng ra cho người chở về giao cho bạn hàng là chủ các quầy trái cây. Rồi lại mua gạo, mua cá thịt lên rẫy cho gia đình.
Những năm 1972-1975 vùng Hòa Khương còn yên tĩnh, gia đình tôi sống nhờ vào khu rẫy này, nhờ vậy cũng vượt qua thời kinh tế khó khăn. Sau 1975, các gia đình bản xứ quay về, cha tôi đã vui vẻ trả lại đất cho họ với lời cám ơn chân tình. Nghe kể các gia đình ấy sau này cũng học cách làm nông nghiệp xanh của cha tôi truyền lại…
3. Tôi có 10 năm làm việc trong ngành nông nghiệp, nên học lóm được nhiều người về bảo vệ thực vật, giống cây, thời vụ và cách chăm bón các loại cây trồng. Anh bạn Thiện, nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã Điện Thọ 1 ở Điện Bàn, sau làm giám đốc trung tâm khuyến nông, là một trong những người bạn trẻ mà tôi quen biết nhiều năm.
Sau này Thiện nghỉ hưu lại đứng ra lập một hợp tác xã sản xuất giống và lúa gạo hữu cơ. Tôi xin cùng tham gia nên lại có dịp lội ruộng trên cánh đồng Đông Hòa của quê Thiện. Bạn bè anh góp vốn mua máy cấy lúa, máy gặt từ Nhật về, áp dụng cả phương pháp bảo vệ thực vật từ sinh học, sản phẩm được đóng gói tự động bằng máy hút chân không... Nhiều nông dân địa phương hợp tác bằng việc cho thuê đất hoặc hưởng lợi bằng sản lượng cao hơn năng suất họ từng làm. Vậy là công ty nông nghiệp và giống Điện Thọ ra đời và thu hái được nhiều thành công. “Gạo quê Phong Thử” từ những năm 2018 đã ra đời và cung cấp cho nhiều siêu thị, các đại lý tận Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Nam…
Lội ruộng, vác lúa và ôm cả rơm khô, nhưng thú vị nhất vẫn là ngửi được mùi thơm của lúa trên những thửa ruộng mà ta đoán chắc rằng đó là lúa sạch, không có hơi hám của chất độc từ dư lượng kháng sinh là một niềm vui, như là sống lại một tuổi thơ đã từng mất đi. Vậy nên vài hôm tôi lại quay vào cách đồng Đông Hòa của Thiện.
Một bất ngờ là từ cánh đồng lúa sạch ấy tôi lại liên tưởng đến cái làng Duy Tân Phong Thử từ thời cụ Phan Thúc Duyện những năm đầu thế kỷ XX. Lại đi tìm lại các di tích Bến Hục, trường Duy Tân, sân banh cũ trong làng. Để biết thêm rằng truyền thống Duy Tân, lập nông-thương hội từ xưa vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của các thế hệ người dân ở Phong Thử. Do vậy, đổi mới, sáng tạo trong việc làm lúa hữu cơ, mở ra giai đoạn mới về nông nghiệp xanh của Thiện và các đồng sự của anh như một lẽ tất yếu!
Trở lại giai đoạn lịch sử sau 1975, do bức bách của bài toán lương thực, chúng ta đã say sưa với năng suất và sản lượng, đẩy mạnh làm 3 vụ lúa mỗi năm, đất đai và cả con người cũng không có thời gian nghỉ ngơi, mà chạnh lòng!
Trong cuốn phim tư liệu về làng Phong Thử mà tôi có tham gia, tôi đã dẫn lại một câu nói của Thiện, đại ý: “Làm nông nghiệp xanh, sạch, chính là trở lại phương thức canh tác hữu cơ của các thế hệ đi trước, cộng với các tiến bộ của khoa học công nghệ mới. Đó là con đường gìn giữ màu xanh cho không gian sống của chúng ta…”.
Bây giờ Thiện đã ra đi về miền xanh miên viễn, nhưng tôi tin rằng giấc mơ màu xanh ấy vẫn còn theo anh mãi!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG