Đà Nẵng cuối tuần
Lận đận tình người - Một nhà báo
“Nhìn vào tác phẩm nào của Nguyễn Văn Phương cũng thấy rưng rức tình người”. Đó là một cảm nhận hết sức tinh tế, tình cờ tôi nghe được từ một người khách lạ ghé vào quầy bán báo của vợ Phương. Ở đây, chị vẫn để nguyên trên tường những bức ảnh đã có tên hoặc chưa kịp đặt tên từ ngày chồng chị ra đi vĩnh viễn vào năm 2009.
Nhà báo Nguyễn Văn Phương trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Tư liệu |
Nói ít, làm nhiều là vốn tính trời sinh ra anh
Nhà báo Nguyễn Văn Phương từ biệt cõi đời này khi mới ngoài 50 tuổi. Ở tuổi chín muồi, sung mãn nhất của một đời người mà cái gì cũng chưa kịp đối với anh. Chưa kịp sẻ chia, tâm tình với người bạn tâm giao về một điều gì đó còn băn khoăn trong đời sống thường ngày. Chưa kịp làm tròn lời hứa với ai đó về sự giúp đỡ trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật mà họ tin tưởng gửi gắm.
Chưa kịp thực hiện được ước mơ cháy bỏng nung nấu tình người qua nhiều tác phẩm nghệ thuật: Toàn cảnh 64 tỉnh, thành độc đáo trong cả nước. Những bức ảnh Panorama dài lòng nhòng như chính thân hình cao lêu khêu của anh (Phương khều) vẫn còn bỏ ngỏ trong bộ album ảnh, dự định sẽ ra mắt công chúng một lần thôi trong đời làm nghệ thuật của mình… Còn nhiều thứ chưa kịp quá! Đau đớn lắm phải không Phương?
Vì sao còn nhiều thứ chưa kịp quá vậy! Phải chăng, Phương biết và giỏi nhiều nghề không phải đơn thuần để kiếm sống mà quan trọng hơn là để thỏa mãn niềm đam mê khám phá và giúp đời được nhiều hơn?! Ai nhờ việc gì Phương cũng không nỡ chối từ. Mà đã nhận rồi thì làm, mà đã làm thì làm đàng hoàng không để mất lòng tin. Phương luôn vui vẻ chấp nhận nghèo khó và lúc nào cũng ở trong trạng thái quá tải cả về thời gian và sức lực. Say mê công việc, mày mò nghiên cứu, rất mực hiền lành, thủy chung, nói ít, làm nhiều là vốn tính trời sinh ra anh.
Quen thân với Phương mấy chục năm nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh phàn nàn điều gì trong công việc hay trách cứ một ai đã xử sự không phải với mình. Tôi thiết nghĩ đây là những phẩm hạnh cao quý nhất hình thành nhân cách Nguyễn Văn Phương. Nhưng đồng thời nó cũng làm cho anh phải gánh chịu không ít thiệt thòi lẽ ra không đáng có. Khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, anh không muốn liên lụy tới ai kể cả vợ con, anh em ruột thịt huống hồ là đồng sự. Chắc mẩm quỹ thời gian của mình còn quá ít, anh không hề xin cơ quan cho đi điều trị hoặc nghỉ dưỡng. Ngược lại, Phương càng gia tăng cường độ lao động cho đến những ngày cuối đời.
Chị Hoàng Kim Loan vợ Phương chảy dài nước mắt kể với mọi người: “Anh Phương sống cho người khác nhiều hơn cho bản thân. Anh giấu hết mọi người trong nhà về bệnh tình của mình. Những ngày cuối cùng, căn bệnh hành hạ anh đau đớn không thể tưởng. Có một hôm đau quá không chịu nỗi, anh bò lăn dưới nền nhà cả đêm nhưng không cho ai làm phiền y, bác sĩ. Đến gần sáng vừa dịu cơn đau, anh liền hỏi tôi: "Đêm qua, vì anh mà em thức suốt phải không?". Tôi chỉ trả lời: "Em sợ quá đi mất!". Thế là từ đó về sau dù đau đến mấy anh cũng cắn răng chịu đựng không hề rên la tý nào. Đúng là Phương mãi lận đận tình người cho đến phút lâm chung.
Một đồng nghiệp của anh nói lại rằng: “Trước khi nhập viện, Phương có nhận chụp giúp ảnh đám cưới cho con một người bạn, nhưng nửa chừng thì mệt quá phải nhờ Huy Đằng. Đám cưới xong Huy Đằng hoàn tất công việc và đem 800 nghìn đồng vào bệnh viện đưa cho Phương. Lúc đó Phương đang nửa tỉnh nửa mê không nói được chỉ đưa ngón tay cái lên tỏ ý Huy Đằng tốt bụng và cảm ơn. Thế mà hôm sau Phương sực nhớ ra là số tiền Huy Đằng đưa cho mình là thù lao của chính anh ấy nên có nhờ tôi nhắn Huy Đằng vào để trả lại, nhưng tôi quên chưa kịp nói với Huy Đằng thì Phương đã ra đi”.
Sức chịu đựng bền bĩ và nghị lực phi thường
Để có được chùm ảnh đoạt giải nhất cuộc thi ảnh Báo chí năm 2008 do Báo Quảng Nam tổ chức, anh đã phải tích lũy, đi lại nhiều năm về các vùng núi của tỉnh Quảng Nam. Còn bức ảnh toàn cảnh Đà Nẵng (đã đăng ký bản quyền) của anh hiện được rất nhiều người đã và đang sống ở Đà Nẵng yêu thích, anh phải mất gần hai năm đi tìm địa điểm, phục thời tiết và hoàn chỉnh ý tưởng, nội dung tác phẩm trong nhiều ngày với rất nhiều thử nghiệm. Qua bức ảnh, người ta có thể biết được những nét chính, những điểm nhấn và cả những đặc điểm riêng của Đà Nẵng mà không nơi nào có được". Nhà báo Đức Thịnh |
Những chuyến công du ra Bắc vào Nam, lên nguồn xuống biển trong thời gian ngắn ngủi này, Phương đã để lại biết bao tình cảm sâu sắc và kỷ niệm khó quên đối với bạn bè, đồng nghiệp. Huy Đằng xúc động nói: “Thời gian không thể làm lu mờ những giọt sương long lanh, lạnh buốt đậu trên mái đầu hoa râm đã “cắt cua” của anh Phương trên đỉnh Yên Tử”.
Chuyến săn ảnh gấp gáp và vô cùng vất vả qua năm tỉnh, thành ở phía Bắc sau Tết Mậu Tý 2008, bạn bè mãi ấn tượng về tính cần mẫn, siêng năng, sự chịu đựng bền bĩ và nghị lực phi thường trong con người Phương. Đến lúc đó rồi mà Phương vẫn còn đủ sức leo bộ nửa ngày lên đỉnh Yên Tử. Dù rất mệt, Phương vẫn quyết tâm phải đến cho được Yên Tử mới chịu quay về. Huy Đằng rơm rớm kể: “Bọn em thì đứa nào cũng nghèo nên việc nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường rất đơn sơ, thương ảnh quá chị ạ!...”.
Còn chuyến đi phía Nam thì đông người hơn nhưng Phương không phải là thành viên chính thức của đoàn. Trên đường về, anh em ngồi lại để tính toán chi phí. Trong lúc nói qua, nói lại có người hơi to tiếng, Phương thấy thương anh em trong đoàn nên góp ý rất chân tình: Thôi, có gì mình về nhà hãy thanh thỏa với nhau, đừng ồn ào ở đây không khéo người ta hiểu nhầm...
Nguyễn Văn Phương sinh năm 1957 tại Đà Nẵng nhưng gốc người Hà Tây. Hồi Pháp thuộc, năm 1954 cha anh bị bắt lính rồi đưa vào Nam sau khi hiệp định Genève hiệu lực. Sau Phương là mười đứa em. Cha Phương làm nghề sửa chữa đồng hồ và đồ dùng điện tử để kiếm sống. Năm 1970, ông xin vào làm bảo vệ tại Trường Trung học Phan Châu Trinh cho đến năm 1983 thì qua đời vì bệnh.
Trong năm này, người em kế sau Phương là Thượng sĩ Nguyễn Văn Thịnh cũng hy sinh tại chiến trường K. Từ đó gánh nặng gia đình chính thức đặt lên vai Phương. Vốn tính đa đoan, anh “ôm” cả gia đình và xã hội. Hồi còn học phổ thông, Phương biết tranh thủ theo cha làm nghề sửa đồng hồ, đồ điện tử để kiếm tiền tự trang trải học hành. Đồng thời anh còn tham gia hoạt động từ thiện trong hội Hồng thập tự Đà Nẵng và học thêm lớp Y tá điều dưỡng do hội tổ chức.
Khi nước nhà thống nhất, ngay từ tháng 5-1975, vừa tròn 18 tuổi, Phương đã vào làm công tác kỹ thuật ở phòng Quang tuyến X tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, rồi làm y tá tại các trạm y tế quận Sơn Trà. Sau đó, anh được điều lên làm việc ở trạm y tế B1 thuộc công trường thủy lợi Phú Ninh của tỉnh suốt 3 năm. Dù ở đâu làm gì anh cũng lấy chữ nhân, chữ tín làm trọng và lao động hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Sanh nguyên Trạm trưởng y tế B1 kể: “Phương là cánh tay phải của trạm, khi tôi đi vắng mọi việc đều giao cho Phương điều hành, lo liệu. Làm y tá không được cấp áo quần, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm cũng thấp hơn nhưng Phương không hề tơ hào đến của công. Anh rất thương công nhân, thường xuyên có mặt dưới các đội lao động. Bất cứ lúc nào dù mưa hay nắng, hễ ở đâu cần là anh đến ngay. Phương là người quá tốt nhưng lại quá lận đận…”.
Lễ thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước do nhà báo Nguyễn Văn Phương chụp, tháng 7-2009. Ảnh: Tư liệu |
Những chuyện, Phương giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp một cách vô tư không vụ lợi thì kể sao cho xiết. Chỉ đơn cử một việc giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Tuấn quê Bình Định mua và sử dụng máy Scan thôi thì cũng ít ai làm được. Vì máy mua lại nên không có catalogue, Phương không những trực tiếp hướng dẫn Tuấn rất tỉ mỉ, tận tình mà còn tự lập trình rồi ghi vào đĩa VCD để Tuấn tiện sử dụng. Tuấn nói: “Ở đời mà tìm được một người như anh Phương để kết tình bằng hữu là không dễ dàng, tôi không bao giờ quên ơn ảnh”.
Nguyễn Văn Phương là phóng viên ảnh tại Báo Quảng Nam - Đà Nẵng từ những năm 1980, khi hoàn cảnh kinh tế và trình độ kỹ thuật của đất nước ta còn nghèo nàn và lạc hậu. Hồi đó làm nghề ảnh vô cùng vất vả, anh phải thức suốt nhiều đêm trong buồng tối bức bối, nóng hầm hập để mày mò thử nghiệm, tạo ra các công thức pha màu tự chế thuốc rửa phim, rửa ảnh cho vừa ý và tiết kiệm tiền bạc.
Tuy chưa qua trường lớp nào nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp, anh luôn say sưa nghiên cứu và thành công rất sớm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví như, anh đã thực hiện tác nghiệp tự động trong nghề ảnh từ khi cả nước ta đang còn làm ảnh đen-trắng. Rồi tự chế thành công đèn flash nháy liên tục nhiều “phát” trong thời gian cực ngắn đến việc sản xuất đồng hồ canh giờ, đo sáng dành cho in ảnh màu thủ công.
Anh có biệt danh “Phương color - chuyên viên ảnh màu” cũng từ đấy. Khi xuất hiện máy lab in ảnh màu tự động hiện đại rất đắt tiền, Phương cũng là người đầu tiên dám khám phá, nghiên cứu sửa chữa thành công và từng được các cơ sở ảnh màu lớn ở Đà Nẵng như photo Trường Sơn, Anh Đức… tín nhiệm nhiều năm. Riêng về kỹ thuật điện tử, anh đã sản xuất bảng hiệu led từ những năm 1980…
Mười lăm năm công tác tại Báo Đà Nẵng với nhiệm vụ phóng viên ảnh và kỹ sư tin học, Nguyễn Văn Phương đã góp phần từng bước hiện đại hóa phong cách làm báo cho nhiều cán bộ, phóng viên trong và ngoài cơ quan...
Nguyên Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Ngô Quy Nhơn đã từng tin tưởng và trân trọng ghi nhận thành tích của anh. Ông rưng rưng: “Từ lâu, tôi đã biết Phương là người tài hoa và hiền lành đức độ, lăn lộn vào đời rất sớm, hết mình vì công việc… Nhưng tôi lại không ngờ Phương nghèo đến như vậy. Lao động nghiêm túc cả một đời mà không tích cóp được ít tiền cần thiết để chữa bệnh. Rất tiếc, là thủ trưởng của Phương nhiều năm mà tôi đành bất lực, không làm được gì nhằm giúp anh kéo dài thêm sự sống để anh có thể còn kịp hoàn thành bộ album ảnh nghệ thuật tâm huyết và đau đáu tình người - Nhà báo Nguyễn Văn Phương”.
PHẠM LAN HOA