Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ sau bão

14:48, 12/10/2024 (GMT+7)

1. Ngoài 50 tuổi, đôi khi ngồi lại một mình, nhìn xuống đôi bàn chân, những vết thẹo ngang dọc như dẫn mình về quá khứ.

Trận đại hồng thủy năm Thìn 1964 ở miền Trung. Ảnh: TL
Trận đại hồng thủy năm Thìn 1964 ở miền Trung. Ảnh: TL

Cũng như bao vùng quê miền Trung khác, quê tôi năm nào cũng chịu ít nhất một trận lụt. Thời ấy, những năm sau giải phóng, nhà tôi chỉ là một căn nhà nhỏ, mái tranh vách đất, trước nhà có con mương rộng chạy vắt qua, bên hông nhà có một mảnh ruộng. Ngôi nhà có vườn rau cải, mùa cải già trổ ngồng ra bông, đẹp như mùa hoa cải bên sông trong phim vậy. Nhưng mùa mưa lụt thì không còn gì trọi.

Thường trước khi lụt thì mưa trắng trời, mưa suốt ngày thâu đêm. Nước tràn ngập dần trên cánh đồng. Tới khi nhìn cánh đồng một màu mênh mông nước là biết lụt rồi.

Nước lụt, có ba bước nhảy, ngoài đồng, trong sân và vô nhà. Một, hai, ba… ùm. Mới thoáng thấy nước ngoài đồng, đã ngập vào sân và dâng lên lút vách. Ông bà ta nói: “Đừng để nước tới chân mới nhảy”, là nói nước lụt. Thường khi thấy nước mấp mé ngoài sân là má tôi dắt mấy đứa em di tản về ngoại. Chỉ còn tôi với ba tôi “đóng đô” ở nhà, bởi đơn giản, tôi là con trai đầu. Nhà ngoại tôi ở cách đó chừng hai cây số, nhưng nằm phía dưới đường cái quan (quốc lộ 1) nên lụt hiếm khi nào tràn qua. Thời đó, đường cái quan vẫn thường cao hơn mực nước lụt, năm nào lụt tràn qua, có nghĩa là lụt to.

Chỉ còn hai cha con ở nhà. Tôi phụ cha thu dọn đồ đạc, kê bàn ghế lên cao, có khi phải quây chuồng heo trên tấm phản trong nhà. Liệu bề lụt lớn thì phải lo dự trữ thực phẩm, gạo, mắm và thiết kế nhanh cái bếp trên mấy cây đòn dông. Thường là gác mấy miếng ván, lấy cái thau nhôm to bỏ tro vào, đặt cái kiềng bếp lên là xong. Hồi đó, ba tôi làm thợ mộc, nên trong nhà lúc nào cũng đầy gỗ và củi. Lúc này, việc quan trọng là neo dây thừng cho gỗ khỏi bị trôi. Nhưng dù cố gắng cách mấy, sau một trận lụt, gỗ trong nhà, trong sân gần như trôi sạch.

Hai cha con hì hụi bê những viên đá ong để kê bàn ghế lên. Chính những viên đá này đã gây nên những vết thẹo chi chít trên hai cẳng chân của tôi. Vả là, khi nước lụt vô nhà, thay vì ngồi im một chỗ, tôi lại hay leo trèo và lội nước, khi qua mấy cái bàn ghế, giường tủ, ống quyển cứ quẹt vào mấy cục đá ong đau điếng. Da tôi lại độc, thêm nhiễm nước lụt mấy ngày, qua trận lụt là chân lở ghẻ. Cứ năm này qua năm khác, thành chi chít những cái thẹo to đùng, xấu xí.

2. Sống đến một lúc nào đó, chúng ta có cảm giác như đang đi trên một con đường đầy sương mù, hay đang bơi trong một cái hồ nước mờ mịt và mênh mông. Nhưng, trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy lại cảnh mùa bão lụt ngày thơ bé.

Không gì ngao ngán bằng dọn bùn. Bùn nhiều quá phải đi mượn mấy người đàn ông trai tráng trong xóm tới phụ. Ngày xưa, nền nhà toàn bằng đất, nên để cho nền nhà không bị nhão lún, sau khi dọn bùn xong phải rải trên đó nhiều lớp tro bếp. Không rải tro bếp thì nền nhà cứ rịn nước, rất khó chịu. Thêm một cái gian nan là trét lại vách nhà. Có khi lụt qua cả tháng rồi mà vách nhà vẫn còn tan hoang, cái nắng cái gió, côn trùng và chim chóc cứ “phượt” thoải mái trong ngôi nhà.

"Khi bão tới thì không nên đóng kín cửa, mà phải mở he hé”.

Trong cơn bão Yagi vừa rồi, không hiểu từ đâu truyền tới cái “kinh nghiệm chống bão” lạ đời ấy. Hồi đó, nhớ những lần chuẩn bị đón bão tới, ba tôi phải lấy gỗ và đinh đi dằn hết mấy cánh cửa, đặc biệt là nóc nhà và ngạch cửa phải bịt kín không chừa một kẽ hở. Cú hoàn lưu hay lại nồm mới thật ghê gớm. Chỉ một khe hở, là cơn bão có thể hất tung cả một ngôi nhà. Những ngôi nhà mái tôn, gió giật và ném bay đi như những chiếc máy chém trên không, phạt đứt cả ngọn cây dừa.

Cho nên, khi bão tới, một là đóng chặt kín hết các cửa, trong trường hợp có cánh cửa nào không thể đóng chặt thì phải mở toang các cánh cửa khác ra. Bão không phải là cơn gió dịu dàng mà he hé chờ đợi.

Nước lũ hay nước lụt đều dâng rất nhanh, kiểu như thần tốc, bởi nó không chỉ là nước mưa, nước dâng lên từ sông, mà lúc này còn là nước xả từ hồ, từ đập. Từ xưa đã vậy. Nhưng xưa, nước chảy ra đồng bằng, ra đầm phá, ao hồ, kênh rạch… Giờ thì đô thị hóa, bê tông hóa nông thôn gần như toàn bộ rồi. Xưa thì nước chảy. Nay thì đất chảy. Đất và nước cùng chảy. Rừng đã cạn kiệt, không còn thảm thực vật để giữ mạch nước ngầm. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng vẫn cứ phải nhắc lại. Như tụng niệm. "Càng xa thiên thiên, càng gần cái ác”, một đời tôi chiêm nghiệm được điều này, nhưng rồi cũng chợt hiểu, mình cũng chỉ là cái cây, ngọn cỏ nhỏ bé giữa cơn bão đời hung bạo mà thôi.

TRẦN NHÃ THỤY

.