Đà Nẵng cuối tuần

Ám ảnh Chanchu

14:29, 16/11/2024 (GMT+7)

Đến năm 2026, là người ta đã nhắc đến con số 20 năm sau bão Chanchu.  Mỗi lần, cứ nghe có cơn bão ập đến trên dải đất này, là tôi lại nhớ đến những tiếng gọi khản đặc, gấp gáp, của anh em Đồn Biên phòng 248 đóng trên địa bàn quận Thanh Khê trong những ngày cả nước xót đau trong bão Chanchu, tháng Năm, năm 2006.

Bài báo Từ đất liền gọi biển đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 22-5-2006. Ảnh: P.H.P
Bài báo Từ đất liền gọi biển đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 22-5-2006. Ảnh: P.H.P

“Từ đất liền gọi biển”

Đó là tên gọi của bài báo đầu tiên về cơn bão Chanchu của tôi đăng trên Báo Đà Nẵng số thứ Hai, ngày 22-5-2006. Bão lụt không phải là lĩnh vực mà tôi được phân công theo dõi, nhưng khi dõi nhìn những dải khăn trắng phất phơ, cùng những đôi mắt với đến tận nơi xa nhất trên mặt biển mênh mông, thì tôi đã lao theo tác nghiệp cùng anh em báo chí trong và ngoài Báo Đà Nẵng. Đi rồi, tôi mới kịp xin ý kiến lãnh đạo cơ quan để viết bài và được chấp thuận ngay.

Bên máy Icom, ở Đồn Biên phòng 248, những ngày 18, 19 và 20-5-2006, những tiếng gọi được lặp đi lặp lại: 48 gọi 45, 48 gọi 99, 48 gọi 89. Vọng lại, chỉ là những giọng nói Quảng Đông. Mọi người kiên nhẫn, hét lên trong máy: Ai biết tiếng Anh? Ai biết tiếng Quảng Đông? Đến cuối ngày 20-5-2006, thông tin đã khá hơn: Tổng cộng đã có 17 thi thể đang được chuyển về trên 3 chiếc tàu mang số hiệu ĐNA 90345, 90099 và 90189.

Bảng danh sách số tàu chìm và mất tích, được Trung tá Nguyễn Đình Liên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 cập nhật đến ngày 20-5, đã lên đến 10 tàu chìm và mất tích. Trong đó, phường Thanh Khê Đông có 7 tàu chìm, mất hoàn toàn liên lạc, người còn sống và người đã mất đều không xác định. Sơ bộ, có trên 220 lao động trên 10 con tàu chìm và mất tích. Hy vọng đổ dồn về trên dưới 15 con tàu ở quận Thanh Khê sống sót qua cơn bão hiện đang quần ngoài biển để kiếm tìm người còn sống sót và thi thể. Điện thoại bàn, điện thoại cầm tay liên tục áp vào tai Trung tá Liên và Thiếu úy Hoàng Ngọc Thái, người trực báo vụ của Đồn 248. Họ thèm nghe được từng tiếng nói quen thuộc của ngư dân vọng về.

Dọc theo tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, từ địa phận phường Xuân Hà kéo lên Thanh Khê Đông, những bàn thờ bày trên cát ngày mỗi mới. Ngày 19-5, chỉ là những bó hương. Ngày 20-5, thêm cúc vàng, trái cây, đồ vàng mã. Ngày 21-5, thêm hoa huệ và cờ tang của hội từ thiện. Những người đàn bà bó gối ngó trân trân ra biển. Người chờ thi hài. Người chờ tin tức. Những người đàn ông cũng không làm trụ cột được nữa. Họ cũng trân trối và im lặng nhìn ra biển. Tất cả ánh mắt như ngây như dại. Nhiều người sụp xuống, rũ rượi.

Ngay từ ngày 20-5, họ đã đứng ngóng chờ thi thể sẽ được đưa vào, ngóng được ôm chầm lấy những người còn sống. Nhưng bao lâu tàu mới tới? Ngày 21-5, anh em ở Đồn 248 nói rằng, cũng phải mất 2 ngày, 2 đêm nữa? Thế mà người dân vẫn không chịu rời khỏi biển. Anh Lê Văn Chua, một người đi bạn trên con tàu mang số hiệu ĐNA 9007 thoát hiểm trở về đã luôn đứng giữa đám đông ngư dân suốt mấy ngày đó. Tàu anh thoát bão đơn giản chỉ vì chỗ trú ẩn đã kín, đành tháo hết giàn phơi mực vứt xuống biển và chạy như may, như rủi, thoát về.

Còn nhớ, trước khi thảm họa xảy ra, đêm, mở chương trình dự báo thời tiết trên VTV1, cô phát thanh viên xinh xắn vẩy tay một cái, cơn bão đang di chuyển từ hướng này, lại đột ngột bật sang hướng khác. Không ai nghĩ rằng, cơn bão đã quật thẳng vào đảo, nơi rất nhiều con tàu đang an toàn trú ẩn, gây ra thảm cảnh.

Căn nhà chị Lê Thị Huệ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) những ngày sau bão luôn có hàng chục người ngóng chờ tin tức quanh chiếc máy Icom - khi đó dường như là phương tiện duy nhất có thể liên lạc với ngoài khơi. Chị Huệ là chủ của 4 chiếc tàu thuộc loại lớn nhất, nhì của Đà Nẵng vào năm 2006, trong đó có tàu ĐNA 90053 đã bị chìm và 3 tàu đang tham gia cứu hộ. Anh Nguyễn Út Thanh, chồng chị, một thuyền trưởng dày dạn, bản lĩnh, bám biển suốt bao nhiêu năm và người em rể Nguyễn Văn Hùng đã hòa vào lòng biển theo chuyến tàu định mệnh ấy. Chị đang cố sức để làm điểm tựa cho 4 đứa con, dù lúc đó, chị không nhấc nổi ly sữa trên bàn, không buồn cột lại mái đầu tóc rối.

Tôi cứ nghĩ mãi, về 6 ngư dân đã bám được vào cột dây neo suốt 15 tiếng đồng hồ, đến khi thấy tàu ĐNA 90345 đến cứu, 4 người đã buông tay và hút sâu trong biển, chỉ còn 2 người ráng sức bám thêm vài phút là được cứu. Họ đã kiệt cùng sức lực hay họ đã mừng vui tột độ để buông tay? Rồi lại nghĩ về sự bất lực của tài công Nguyễn Phú Hồng (tàu ĐNA 90307) trước lời kêu cứu lạc giọng của tàu anh Nguyễn Văn Đức (ĐNA 90247) “Cứu 47 với, cứu 47 với, cứu 47 với...”.

Theo như những người trở về miêu tả, cơn bão đã quăng quật và nhấn chìm tất cả những gì xoắn vào tầm ngắm của nó. Mặt biển bừng đỏ, hoang dại, mịt mùng tứ phía. Chừng 24 tiếng đồng hồ sau, trời êm. Biển đã đẩy cả chục con tàu lừng lững với cả trăm con người vào chốn nào đó lặng câm không dấu vết. Nhiều chiếc áo phao nổi lên đã bị đứt tung, nổi lềnh bềnh trên biển. Thợ máy Nguyễn Cảnh Vân trở về từ tàu ĐNA 90189 tả nét mặt của những con người được trời tha sau bão với những từ: thất thần, tím tái, và hoảng loạn.

Xin xăm và chuyện nợ

Lúc hy vọng mất đi, những người dân gượng dậy. Họ bắt đầu đi xin ngày giờ để lập bàn thờ. Tôi nhớ mãi, người đàn ông tên Lê Văn Bán (đi xin ngày cho em trai là Lê Văn Thanh, cùng mất tích với 14 người trên con tàu ĐNA 90393) sè sẹ đặt tờ 10 ngàn đồng lên bàn “xin ông nhận giúp chút tạ ơn này của con” rồi hỏi lại cho chắc chắn “Vậy là ngày mồng 3, thưa thầy”. Cựu Tư lễ làng Thanh Khê Đông, ông Nguyễn Văn Phương vừa trả lại tiền, vừa từ tốn: “Ừ, gia đình cứ chọn ngày đó là tốt nhất để làm tang cho em nó”.

Ngày đó, ông Phương đã đón không biết bao nhiêu người lặng lẽ đến để xin ngày lo tang lễ, hoặc cầu mong điều may mắn. Đêm mồng 1 tháng Năm, ngày đầu tháng âm lịch năm 2006 (27-5-2006), ở Thanh Khê, mùi hương đậm khắp những con kiệt nhỏ. Bà Mười Ruột, mẹ của anh  Phạm Văn Hoa - 1 trong 4 người may mắn ở Thanh Khê được tìm thấy thi thể - ngồi xem ti-vi, cạnh bàn thờ mới lập, còn nguyên những vòng hoa mới. Từ ti-vi, cô phát thanh viên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng đọc thông báo chậm rãi “đến ngày... giờ ... ban tiếp nhận tiền cứu trợ đã nhận được số tiền của các đơn vị, cá nhân...”. Bà Mười Ruột nhìn lên bức ảnh con trai rồi lặng lẽ chấm tay vào khóe mắt.

Những ngày Thanh Khê nhận từng tin dữ tàu chìm và mất tích, chủ các gian hàng chuyên bán hàng chịu các vật dụng và nhu yếu phẩm dành cho nghề đi biển trên địa bàn quận cứ khựng lại tự hỏi rằng: không biết, trong đợt bán hàng vừa rồi, mình có lỗi gì không?

Gian hàng nhỏ của chị Huỳnh Thị Minh Phượng trên đường Trần Cao Vân có một chồng vở ghi nợ của những người đi bạn trên các tàu bị đắm, chị để riêng cả nửa tháng, không dám lật một tờ nào để xem, vì cứ giở ra là thấy hiện rõ hình hài, giọng nói, cử chỉ chân chất hiền lành của những người đàn ông đi biển.

Trong cuốn sổ, có người nợ trên dưới 100 ngàn, có người trên dưới 500 ngàn. Tổng số bạn nợ lên đến 14 triệu đồng, số tiền ấy gần phân nửa số vốn của gian hàng. Gian hàng chị Đặng Thị Lãnh, bán cho bạn đi rải rác trên cả 6 tàu chìm. Chỉ riêng gạo, mỗi chủ tàu mua chịu cũng đã là 1 tấn, cùng nước uống, thuốc, bia, cà phê, bánh kẹo… tổng số tiền người đi bạn và chủ tàu nợ chị lên trên 110 triệu đồng.

Chị Lãnh nói rằng, bán hàng cho người đi biển người ta kiêng cữ lắm, chỉ cần dùng dằng, kỳ kèo giá cả một chút là cứ sợ người ta ra biển có chuyện gì. Thì ra, những người như chị Lãnh, chị Phượng cứ lo âu mình có lỗi gì không là vậy! Mà nào có ai dám khó dễ với bạn hàng. Các chị bảo, thấy đàn ông ở quê ra đi mua chịu từng cái cà mèn, từng chiếc khăn mặt, từng cục xà bông, hay kem bót đánh răng là thấy thương không để đâu cho hết. Cái nghề đi bạn này, khi thuyền cập bến, chia bên này, trừ khoản kia, kiếm được đồng tiền đem được về quê nhọc nhằn và đầy bất trắc.

Đi bạn cả đời, cũng chỉ là đi bạn, không ai thoát khỏi cái nghèo. Thế nhưng, người ta vẫn rời gia đình để ra đi, để hy vọng mùa ra khơi này trúng hơn mùa trước, để đồng nợ cũ từ phía chủ tàu và các đại lý tạp hóa được trừ cho hết. Khi thấy những người đi bạn ở trên địa bàn quận Thanh Khê may mắn trở về từ vùng bão, người cạo tóc, người chặt đứt một ngón tay, người ăn chay, nguyện không ra biển nữa thì các chủ hàng lại càng không dám nói gì đến nợ. Xem như số tiền các bạn nợ là tiền mà họ dành để thắp nén hương, phúng điếu cùng bạn tàu. Ngay cả người phụ nữ tật nguyền như chị Trần Thị Thu Hà, vốn liếng để sắm gian hàng áo quần, mũ, nón, đồ đi mưa chỉ vẻn vẹn 5 triệu đồng, mà người đi bạn nợ phân nửa, cũng nghĩ về cách ấy.

Chủ các đại lý dầu, gas lại gánh một khoản nợ rất lớn từ phía các tàu chìm. Có đại lý đổ dầu cho 1 tàu, có đại lý đổ cho 2-3 tàu. Anh Nguyễn Hoàng Chương nói rằng, chuyến đi này tàu ĐNa 90247 - con tàu bị đắm đầu tiên kéo theo 19 người mất tích trong cơn bão - đổ 9 tấn dầu (khoảng 10 ngàn lít), tính cả số tiền nợ gối đầu, chủ tàu đã nợ anh gần 150 triệu. Tất cả các tàu câu mực đều nợ như vậy cả, như luật bất thành văn, chuyến sau trả tiền cho chuyến trước. Chủ dầu và chủ tàu tin tưởng, dựa vào nhau mà tồn tại.

Nợ, cái từ thường ngày mà người ta có thể gọi điện, có thể gặp, có thể hỏi, có thể đòi, nay như thể một từ gì đó, mà không ai dám chạm vào.

Ông Sáu Vịnh, chủ con tàu ĐNa 6018 (bị chìm cùng 20 thuyền viên), nói rằng, tất cả các con tàu khi vươn khơi đều ăm ắp các khoản nợ. Ông đã 2 lần mất tàu, và thêm lần này nữa, ông xem như đoạn tuyệt với nghề. Nghĩa là, một khoản tiền rất lớn mà ông nợ chủ dầu Mỹ Ánh không biết bao giờ mới trả? Khi biển lấy đi tất cả, chủ tàu, nếu may mắn, vẫn còn một con tàu thứ 2, thứ 3 nào đó tiếp tục ra khơi và vớt vát nợ nần, còn người đi bạn thì bi thảm hơn rất nhiều. Chủ tàu Nguyễn Văn Ánh kể rằng, lúc vợ chồng anh vào xã Bình Minh, huyện Thăng Bình lập bàn thờ cho bạn, có những nhà, mà người ta lấy thân tre xâu từng viên gạch ống để dựng thành chỗ ở. Có lẽ, thấu cái sự khổ của người đi bạn, mà những người phụ nữ như chị Phượng, chị Lãnh, chị Hà... sẽ chẳng ai nỡ đến những căn nhà gạch ống như thế mà đòi nợ nữa.

Ngày đó, thông qua anh Nguyễn Đình Xê, Báo Người Lao động (từng là lãnh đạo trực tiếp của tôi những năm trước ở Báo Đà Nẵng), báo điện tử VietNamNet đã liên hệ và nhờ tôi gửi bài về bão Chanchu. Tôi luôn thầm cảm ơn Ban Biên tập Báo Đà Nẵng đã đồng ý để tôi gửi bài “Từ đất liền gọi biển” cho VietNamNet đăng ngày 20-5-2006. Ngày 23-5-2006, Báo Hà Nội mới cũng liên hệ với anh Trương Công Định, Phó Tổng Biên tập đề nghị tôi chuyển đăng lại bài báo này. Tôi nhớ, anh Định nói, càng nhiều bạn đọc, càng tốt. Chanchu đã ám ảnh tôi với thêm 4 bài viết tiếp sau đó: Hy vọng từ vô vọng (Đà Nẵng cuối tuần số 28-5-2006), Thanh Khê sau bão (Báo Đà Nẵng số 29-5-2006), Khi tàu không trở về (Đà Nẵng cuối tuần số 11-6-2006),  Đi tìm câu hát biển khơi (Đà Nẵng cuối tuần số 25-6-2006).

Chưa đầy nửa năm sau, đúng vào ngày 1-10-2006, bão Xangsane đổ vào miền Trung (mà Đà Nẵng là tâm bão), anh Nguyễn Chung Anh, nhận nhiệm vụ Thư ký tòa soạn, tôi nhận nhiệm vụ phụ trách tờ Đà Nẵng cuối tuần. Hai anh em bần thần nhìn cảnh cơ quan, chỗ nào cũng thấm dột, rồi nhìn cảnh anh chị phóng viên, vội vàng gấp gáp, lao đến rồi lao đi mỗi người mỗi ngả. Công việc mới cuốn đi, chưa có lần nào tôi tìm lại những gia đình bị nạn, nhất là chị Huệ, người phụ nữ mà tôi mãi không thể quên tên.

Qua thông tin trên các báo, được tin rằng, năm 2009, chị đã bán cả 3 con tàu cũ để trả nợ ngân hàng, bán luôn căn nhà, cùng với số tiền vay mượn, địa phương hỗ trợ, để giữa năm 2011 chị đóng mới con tàu công suất 605 mã lực. Năm 2013, chị lại đóng thêm một con tàu 880 mã lực. Vậy là, nơi ngư trường xa xôi, chồng chị và những người đi bạn bỏ mình trên biển năm nào, đã có thể mỉm cười trên ngọn sóng.

PHAN HOÀNG PHƯƠNG

.