Đà Nẵng cuối tuần

Đường cái quan

20:36, 30/11/2024 (GMT+7)

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã định nghĩa về con đường theo cách điệu triết lý: “Con đường, vừa giải phóng, vừa câu thúc con người; vừa phát huy nhân tính, vừa hủy diệt cá tính”. Người xưa thì giản dị hơn: “Không có dấu chân con người thì mặt đất không có con đường”. Con đường đang nói đến là quốc lộ 1A ngày nay, vốn có cái tên cũ khá thơ mộng là “Đường cái quan”.

(Chứ) bớ anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại (cho) em than đôi lời.

Cây cầu trên đường cái quan, giữa Tuy Hòa và đèo Cả, Phú Yên năm 1898.  Ảnh: Tư liệu
Cây cầu trên đường cái quan, giữa Tuy Hòa và đèo Cả, Phú Yên năm 1898. Ảnh: Tư liệu

Câu hát ấy đã chạy suốt chiều dài không gian - thời gian, bắt đầu từ nhu cầu dân sinh và trở thành hiện thực lịch sử trên dặm dài mở nước của dân tộc Việt.

Đường cái quan còn gọi là đường quan lộ, đường quan báo, đường thiên lý, đường xuyên Việt; chạy dài từ km 0 tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến km 2301+340m tại thị trấn Năm Căn (Năm Căn, Cà Mau) trên lãnh thổ Việt Nam, dài 2.301km. Được hình thành từ thời nhà Lý và kéo dài đến thời Nguyễn, đường cái quan đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế cũng như quốc phòng. Tuyến đường huyết mạch này đi qua sáu vùng kinh tế trọng điểm, trải dài qua 31 tỉnh thành, từ Lạng Sơn xuống Hà Nội rồi đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang… Sóc Trăng và Cà Mau.

Con đường xương sống của đất nước có nhiều quốc lộ nối chiều ngang đông-tây của đất nước như đường 9 nối thị xã Đông Hà đến nước Lào, đường 21 nối Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột…

Từ phương Bắc của thời kỳ tự chủ tại Thăng Long, con đường đã chạy dần về nam, vượt qua đèo Ngang, để nghe… tiếng than của Bà huyện Thanh Quan: "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa".

Rồi con đường tiếp tục chạy đến Phú Xuân (Huế) qua câu chuyện công chúa Huyền Trân vào đất Chiêm để giúp triều đình mở đất về Nam. Năm 1402, triều đình đã cho đắp đường thiên lý từ Tây Đô (Thanh Hóa) đến Hóa Châu (Thừa Thiên Huế - Quảng Nam). Sau này nhà Lê tiếp tục đắp thêm, kéo dài đến Bình Định.

Theo thời gian, con đường hướng về vùng Gia Định - Đồng Nai ngày nay để hoàn tất những yếu tố cuối cùng của nền văn minh Lạc Việt. Cùng với con đường, xuất hiện những Chợ Trạm, để chuyển thư tín và mệnh lệnh của triều đình đến các trấn, hạt, lộ… Quanh các trạm này, dần dần hình thành những cụm dân cư. Trên đất ngày trước của người Chiêm Thành, Trạm Nam Phước nối lên thủ đô Trà Kiệu của vương quốc Chiêm là cung đường đã có từ trước khi người Việt vào đến. Việc mở đường giao thương là một trong những công việc có tính chiến lược của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, mà ngày nay chúng ta còn có thể tìm thấy qua những ghi chép trong sách Gia Định thành thông chí. Ở phía Bắc, chúa Trịnh tu sửa và sử dụng con đường từ Thăng Long vào Nam trong cuộc tương tranh với Chúa Nguyễn. Vào những năm 70 của thế kỷ thứ XVIII, Ải Vân quan từng chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Sau khi lên ngôi năm 1802, Nguyễn Ánh và những đời vua kế tiếp tu sửa hoàn chỉnh. Đây là lần đầu tiên, con đường mang ý nghĩa của sự thống nhất đất nước.

Sau khi chiếm sáu tỉnh Nam kỳ, Pháp đặt ra những viên chức Lục lộ, chuyên lo việc đường sá. Trên đường cái quan, xuất hiện những cột mốc cây số, những cây cầu bằng sắt, đường được trải nhựa. Những con đường cũng biến đổi theo thời cuộc của một đất nước liên tiếp chịu đựng chiến tranh. Thời kháng chiến chống Pháp, đường cái quan đã nhiều lần bị máy bay phe Đồng Minh đánh bom vào những cây cầu. Kháng chiến quân cũng đào xới con đường bộ và đường xe lửa nhằm ngăn sự lưu thông của kẻ địch. Những thanh tà-vẹt được dùng làm tiếng kẻng báo động, tiếng hiệu lệnh sinh hoạt trong thôn xóm thời kháng chiến.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ tại miền Bắc, rất nhiều cầu đường bị hư hỏng. Những năm tháng ấy, mới thấy hết tấm lòng của người dân Việt Nam, không tiếc một sự hy sinh nào cho Tổ quốc thống nhất, cho đường cái quan không còn bị chặn lại ở mốc vĩ tuyến 17 đau thương.

Tại miền Nam, năm 1955-1956, đường cái quan được sửa chữa lớn, nhưng vẫn không rộng hơn lòng đường cũ. Khi trực tiếp đổ quân vào miền Nam năm 1965, Mỹ đã mở rộng con đường, nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến tranh. Có những đoạn đường mở rộng gấp đôi, gấp ba, như xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, Sài Gòn - Tây Ninh… Các đèo như Ải Vân, đèo Cả được mở rộng, tạo thông xe hai chiều. Trên con đường cái quan, hầu hết cầu được xây dựng mới...

Ngày nay, 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đường cái quan ngày xưa đã trở thành quốc lộ 1A hiện đại, là nguồn lưu chuyển dòng-máu-sự-sống chính của đất nước Việt Nam. Cùng với những cửa biển, cửa sông, con đường là những điểm giao lưu, hội tụ tạo nên nền văn minh của con người. Đường cái quan Việt Nam là cột xương sống của lịch sử mấy ngàn năm. Đi trên con đường ấy, qua các tên đất tên làng, chính là hòa tâm hồn của mỗi một cá thể với hồn thiêng đất nước.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

.