Đà Nẵng cuối tuần
Những cây cầu ngói nổi tiếng
* Ở Việt Nam có bao nhiêu cây cầu ngói nổi tiếng, trong đó cầu nào được cho là “cao niên” nhất và đẹp nhất? (Mỹ Linh, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Chùa Cầu (Hội An) là một trong 3 cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam. TRONG ẢNH: Du khách chụp hình lưu niệm sau khi chùa được trùng tu. Ảnh: V.T.L |
- Hiện có nhiều tờ báo tổng hợp và đưa tin về các cây cầu ngói nổi tiếng ở Việt Nam. Theo Báo Dân Trí (dantri.com.vn), có 5 cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam, được kiến trúc theo kiểu “Thượng gia, hạ kiều” (Trên nhà, dưới cầu).
Chùa Cầu được chọn là biểu tượng của thành phố Hội An, công trình do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Việt Nam xây dựng vào thế kỷ XVII. Cầu dài khoảng 18m, vắt qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là Cầu của những người bạn từ xa đến).
Cầu ngói Thanh Toàn cách thành phố Huế khoảng 8km về phía đông nam thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy. Cầu dài khoảng 17m, rộng 4m và được chia làm 7 gian với gian giữa là nơi thờ bà Trần Thị Đạo - người góp tiền xây cầu cho dân làng tiện đường qua lại vào thế kỷ XVIII.
Cầu ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 30km. Cầu dài 36m, rộng là 3m, có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Phía hai bên đầu cầu có các bậc tam cấp, chỉ người đi bộ mới qua được cầu. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cầu ngói Chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói Chợ Thượng. Cây cầu được xây dựng vào thế kỷ XVIII nhờ tiền công đức của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - cung phi của chúa Trịnh, là người con gái xuất thân làng Thượng Nông.
Cầu ngói Chùa Lương xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bắc qua sông Hoành, cách chùa Lương hơn 100m. Đầu cầu được chạm hình tượng 2 con nghê chầu uy nghiêm đang nâng cuốn thư đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”. Hai bên cầu là hai dãy hành lang cũng được uốn cong để khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ, phía ngoài hành lang là hàng lan can bằng gỗ.
Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định (namdinh.org.vn) cho biết thêm, Chùa Lương (hay còn gọi là Chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515) cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Lịch sử của chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước ở vùng biển Hải Hậu. Cầu được xây dựng cách đây chừng 300-400 năm vào thời Lê, được mệnh danh là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.
Theo các tư liệu cổ, lúc đầu, cầu chỉ đơn giản một cọc, chưa có mái ngói mà chỉ lợp cỏ đơn sơ. Đến thế kỷ XVII, cầu được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để phù hợp với cấu trúc và cảnh quan chung của quần thể Chùa Lương. Cuộc trùng tu lớn nhất là vào năm 1922, cầu được lợp ngói. Toàn bộ cầu gồm 9 gian uốn cong tựa cầu vồng, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân.
Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói Chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác. Vì vậy, cầu Chùa Lương huyện Hải Hậu (Nam Định) cùng với cầu Thanh Toàn (Huế), Chùa Cầu (Hội An) đã được chọn là 3 cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam, được phát hành tem vào năm 2012.
ĐNCT