Đà Nẵng cuối tuần
Mời khách phương xa về Đà Nẵng
Con số 3.000 du khách đặt chân đến Đà Nẵng bằng đường biển, hàng không ngày đầu năm mới mở ra những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch thành phố năm 2025.
![]() |
Những du khách quốc tế trên du thuyền Noordam háo hức khám phá thành phố Đà Nẵng trong ngày đầu năm mới. Ảnh: T.Y |
Tạo ấn tượng về một “Đà Nẵng smile”
Dưới tiết trời se lạnh ngày đầu năm, gần 2.000 du khách quốc tịch Âu, Mỹ bước xuống cầu cảng Tiên Sa, mang theo những ánh nhìn háo hức khi lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng. Du thuyền Noordam với chiều dài gần 290m sừng sững như một khách sạn nổi giữa mặt biển trong xanh, đánh dấu chuyến ghé thăm đặc biệt đầu năm của dòng tàu du lịch hạng sang này.
Tại cầu cảng, không khí rộn ràng hơn bao giờ hết. Những điệu múa sư rồng, những bản nhạc truyền thống như lời chào mừng nồng hậu của Đà Nẵng gửi tới du khách. Vừa bước xuống từ tàu Noordam, bà Barbara (quốc tịch Mỹ) bày tỏ sự thích thú khi thử đội chiếc nón lá và chụp ảnh với những thiếu nữ trong tà áo dài duyên dáng. Được biết, chuyến ghé thăm Đà Nẵng lần này của bà Barbara là một phần trong hải trình khám phá châu Á cùng tàu Noordam, kéo dài qua nhiều quốc gia Singapore, Thái Lan, Campuchia. Trong thời gian lưu lại Đà Nẵng, bà đến thăm một số điểm đến nổi tiếng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, bãi biển Mỹ Khê hay trải nghiệm mua sắm, ăn uống tại chợ Cồn, chợ Hàn…
Việc lãnh đạo ngành du lịch trực tiếp đón đoàn tại cầu cảng, trao tặng món quà nhỏ mang đậm bản sắc văn hóa địa phương khiến nhiều du khách cảm động. Hòa chung dòng người đến Đà Nẵng xông đất đầu năm, ông John Wilson, du khách Anh vui vẻ nói: “Sự chào đón nồng nhiệt này khiến tôi cảm thấy Đà Nẵng không chỉ là điểm đến du lịch, mà còn là nơi mọi người bày tỏ sự chân thành, mến khách. Đây cũng là điều khiến tôi nhớ mãi về thành phố của các bạn và hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại”.
Nhiều năm qua, hoạt động đón tiếp đoàn khách trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết trở thành nghi thức ngoại giao quen thuộc của ngành du lịch Đà Nẵng. Cùng với đó, thành phố cũng tạo ấn tượng tốt khi xây dựng một lực lượng làm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện qua phong trào “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin phép, xin lỗi) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ). Chưa kể mới đây, thành phố tiếp tục ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng với tên gọi “Đà Nẵng Smile”.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch, mục tiêu của chiến dịch này là tiếp tục tạo dựng hình ảnh Đà Nẵng văn minh, thân thiện trong mắt du khách trong và ngoài nước. Qua đó, bộ tiêu chí định hướng hành vi, thái độ, tác phong ứng xử văn minh, văn hóa từ cơ quan, tổ chức, người dân tại điểm đến lẫn khách du lịch. Bà Hoài An nhấn mạnh trong bối cảnh cạnh tranh về điểm đến du lịch giữa các tỉnh, thành, quốc gia, khu vực thì yếu tố con người và văn hóa phục vụ chính là chìa khóa để Đà Nẵng tạo nên sự khác biệt. Du khách có thể quên đi cảnh đẹp từng ghé qua, nhưng họ sẽ mãi nhớ về nụ cười, sự hiếu khách và những trải nghiệm khó quên mà thành phố mang lại.
Xây dựng giá trị du lịch cốt lõi
Một hướng dẫn viên hay nhân viên lễ tân nếu biết cách kể câu chuyện về lịch sử, con người Đà Nẵng sẽ tạo nên ấn tượng tốt hơn so với việc chỉ cung cấp thông tin đơn thuần. Những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về Đà Nẵng - từ ký ức người dân, hương vị ẩm thực truyền thống đến sức sống hiện đại của một thành phố trẻ - nếu được lồng ghép khéo léo, sẽ tạo nên một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương. Đây cũng chính là một trong những giá trị cốt lõi để Đà Nẵng vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới. |
Nỗ lực không ngừng của ngành du lịch Đà Nẵng đã từng bước lan tỏa đến đội ngũ phục vụ - những người được ví như “đại sứ du lịch của thành phố”. Anh Trần Văn Hòa, nhân viên phục vụ tại một nhà hàng thuộc khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula cho biết bản thân làm việc hơn 10 năm và chứng kiến sự thay đổi từng ngày của ngành du lịch. “Chúng tôi luôn được đào tạo không chỉ về kỹ năng phục vụ mà còn về cách truyền tải câu chuyện văn hóa, con người Đà Nẵng đến với du khách. Ví dụ, khi khách hỏi về món ăn địa phương, tôi thường giới thiệu cả câu chuyện phía sau, như nguồn gốc món mì Quảng hay bánh xèo, để họ hiểu hơn và yêu hơn mảnh đất này”, anh Hòa chia sẻ.
Làm trong ngành du lịch, điều khiến anh Hòa tự hào chính là thái độ cởi mở, thân thiện của mọi người, từ lãnh đạo ngành đến anh lái taxi, cô bán hàng ở chợ Hàn hay đội ngũ phục vụ trong các khu nghỉ dưỡng. Anh vui vẻ nói: “Những ngày đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến nhà hàng tăng đáng kể, đặc biệt là các đoàn khách từ châu Âu. Mỗi khi thấy khách mỉm cười hài lòng sau bữa ăn hay khen ngợi cảnh sắc của Đà Nẵng, tôi cảm thấy công việc mình làm thật ý nghĩa”.
Nhìn nhận văn hóa giao tiếp, ứng xử là yếu tố quan trọng tạo nên điểm đến thân thiện, uy tín, từ năm 2020, Học viện Đào tạo IBH Academy (thuộc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An) tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển ngành du lịch Đà Nẵng như quy tắc ứng xử, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nghi thức lễ tân và ứng xử trên bàn tiệc… Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Điều hành Học viện Đào tạo IBH Academy cho biết, nội dung đào tạo hướng đến trang bị kiến thức chuyên môn cũng như rèn luyện thái độ, tác phong phục vụ chuyên nghiệp. “Trong du lịch, ngoài cảnh quan, cơ sở vật chất thì con người là yếu tố then chốt. Chúng tôi mong muốn mỗi nhân viên khách sạn, nhà hàng đều là những đại sứ văn hóa, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về Đà Nẵng”, bà Tâm chia sẻ.
Quan điểm này cũng thể hiện qua việc thành phố đầu tư xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng mềm, giao tiếp văn hóa cho đội ngũ làm du lịch. Hơn 21 lớp đào tạo, cập nhập kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên và người làm ngành du lịch được tổ chức trong năm 2024 cho thấy nỗ lực nâng cao vị thế Đà Nẵng trên bản đồ du lịch quốc tế. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, trong năm 2025, mục tiêu của ngành là đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến nổi bật và là nơi du khách luôn cảm thấy được chào đón như trở về nhà. “Chúng tôi hiểu rằng, để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực, Đà Nẵng cần tạo ra những giá trị khác biệt. Và giá trị đó không chỉ nằm ở cảnh quan đẹp, cơ sở vật chất hiện đại, mà quan trọng hơn là con người, là cách chúng ta đối xử và làm hài lòng mỗi vị khách”, ông Dũng nhấn mạnh.
Để những nỗ lực này thực sự mang lại hiệu quả bền vững, Đà Nẵng cần một chiến lược tổng thể gắn liền đào tạo nguồn nhân lực với xây dựng chính sách phát triển lâu dài. Trong đó, việc đầu tư vào con người là bài toán cần sự phối hợp từ doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú đến chính quyền địa phương. Không chỉ đào tạo các kỹ năng phục vụ cơ bản, ngành du lịch cần tập trung vào việc giúp nhân lực hiểu hơn về bản sắc văn hóa địa phương, cũng như các giá trị mà thành phố muốn truyền tải đến du khách.
Một hướng dẫn viên hay nhân viên lễ tân nếu biết cách kể câu chuyện về lịch sử, con người Đà Nẵng sẽ tạo nên ấn tượng tốt hơn so với việc chỉ cung cấp thông tin đơn thuần. Những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về Đà Nẵng - từ ký ức người dân, hương vị ẩm thực truyền thống đến sức sống hiện đại của một thành phố trẻ - nếu được lồng ghép khéo léo, sẽ tạo nên một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương. Đây cũng chính là một trong những giá trị cốt lõi để Đà Nẵng vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.
TIỂU YẾN