Đà Nẵng cuối tuần
Ngã ba Huế - hình hài quá khứ
Không còn nhiều bóng dáng của một ngã ba Huế hồi hai chục năm về trước, sau khi nút giao ngã ba Huế thành hình, nhưng với những thế hệ từng sống ở nơi “phố cửa ngõ” này, hình ảnh xóm cũ, nhà xưa vẫn hiện rõ mồn một trong những câu chuyện kể. Họ nhắc về phố cũ để tự hào với sự đổi thay và phát triển của một địa danh lâu đời trên bản đồ thành phố.
![]() |
Dự án nút giao thông ngã ba Huế thay đổi diện mạo khu vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: XUÂN SƠN |
Một thời “phố cửa ngõ”
Nhà ông Huỳnh Tấn Lý (SN 1957, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là một trong những gia đình ở lại xóm cũ sau công cuộc giải phóng mặt bằng, phục vụ nâng cấp nút giao ngã ba Huế mười mấy năm trước. Qua những năm tháng trong quân ngũ rồi làm công nhân Nhà máy Dệt Hòa Thọ, dường như cuộc đời ông không đi quá xa nơi thành phố này.
Sau khi nút giao ngã ba Huế hoàn thành, khoảng hiên trước nhà ông thành quán cà phê bình dân. Khách đến quán chủ yếu là người địa phương sống loanh quanh khu vực các phường Hòa Khê (quận Thanh Khê), Hòa An (quận Cẩm Lệ) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Trong đó, không ít người từng là hàng xóm cũ của ông ngày trước. Họ gặp nhau bên ly cà phê nóng, ngồi nhìn lên vòm cầu vượt của nút giao ngã ba Huế và không gian phố mới khang trang, rồi nhớ về những ngày cũ: “Hồi đó, nhà tui khúc này, nhà bà T. khúc kia, nhà ông Tr. là đoạn nớ…”.
Trong ký ức những thị dân ngã ba Huế, giai đoạn những năm cuối thế kỷ XX tới đầu thế kỷ XXI, khu phố này như một thị trấn rộn ràng người xe qua lại, nhà cửa san sát, được gọi với cái tên “phố cửa ngõ”. Gọi là cửa ngõ, bởi đây là vùng giáp ranh 3 quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ bây giờ, cũng là điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường sắt Bắc - Nam và trục đường Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thành phố.
Nơi đó, theo bà Lê Thị Bích Thủy (SN 1967, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) - người có chục năm mưu sinh bên quán nước ở vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, chính là chỗ đậu, đón và trả khách của nhiều xe khách chạy tuyến Bắc - Nam. Có lúc là trạm dừng của những chuyến xe lam hai chiều từ Thanh Khê lên Liên Chiểu - có thể coi tiền thân của xe buýt nội thành bây giờ.
Khách cũng ít lưu trú tại Đà Nẵng, họ dừng chân mua cái bánh tráng, chai nước, ăn vội ổ bánh mì… rồi tiếp tục hành trình về phương trời khác. Bà nhớ, những năm đầu thập niên 90 cho tới năm 2000, người dân ngã ba Huế sống túm rụm dọc khu vực đường tàu Trường Chinh, đường Tôn Đức Thắng. Trong cái hối hả của phố, mỗi nhà có một "món" để mưu sinh. Nhà bà T. bán cơm, bà H. bán bún bò, chị P. bán cà phê sáng, ông B. bán đá lẻ… Có những quán ăn mở xuyên đêm để phục vụ khách trên những chuyến xe đêm băng qua cửa ngõ thành phố.
Hồi ức xóm đường tàu
Bà Võ Thị Bích Thu (SN 1969, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) nhắc về xóm nhỏ dọc đường Trường Chinh. Nơi đó là tuyến đường gom dân sinh, song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam, được người dân gọi tên “xóm đường tàu”. Bà Thu gọi mình là người “Hòa An gốc”, bởi gia đình bà đã gắn chặt cuộc sống với nơi này từ rất lâu. Căn nhà số 54 Trường Chinh bây giờ là nơi bà sinh ra, lớn lên, quen với hình ảnh cặm cụi của gia đình với nghề buôn sắt thép rồi sau này làm hương. Trước nhà là tuyến đường sắt còn đơn sơ, mỗi ngày lại có vài chuyến tàu chạy ngang, chở theo những vị khách xa lạ và những buồn vui từ những miền đất khác. “Ngày xưa nơi đây chưa có số nhà. Đường sắt cũng chưa rào chắn như bây giờ, rứa là người ta trồng đủ thứ ven đó: mía, đậu, bắp, cây ăn quả… Với tuổi thơ chúng tôi, trong giai đoạn khó khăn ấy, đó là cả một thế giới thú vị”, bà Thu nhớ lại.
Ngày đó, những gia đình ở ngã ba Huế chỉ cần đi bộ vài bước chân đã đến chợ Hòa Phát. Chợ không nhỏ, không to, nép mình bên xóm đường tàu, họp chủ yếu vào sáng và trưa. Mùa mưa, đường vào chợ ướt nhèm nhẹp, mùa nắng lại lởm chởm đá dăm, y hệt tình cảnh với tuyến đường gom trước cổng. Ai đạp xe qua đoạn ấy cũng gặp cảnh xe dồng xóc như cái lò xo. Trong ký ức nhập nhoạng, thế hệ sau như bà có lẽ đã quên hình hài con đường ấy nếu như không có người đi trước kể lại.
Trên con đường gần chợ Hòa Phát, gần 30 năm trước, bà có dịp theo chân người lớn đi mua bánh mì tại hai lò bánh nức tiếng ở làng Hòa An (huyện Hòa Vang) thời điểm đó là Minh Quý và Nhựt Bình. Bà Thu nói, hai lò có tuổi đời cũng áng chừng 50 năm, người ở xóm đường tàu thích nhất mỗi lần đi ngang, nghe hương bánh thơm lừng cả khu chợ. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến, không ai không bị thu hút bởi mùi bánh quy gai tỏa ra từ căn bếp rực hồng.
Đối diện xóm đường tàu là khu dân cư trên đường Trường Chinh thuộc phường An Khê (quận Thanh Khê) ngày nay. Cũng cùng một con đường nhưng khác quận, khác huyện, nhưng người dân chưa bao giờ thấy xa cách. “Bên phía đó, ngày xưa có quán mì bà Lư cực nổi tiếng, khách đến quán đông nghịt, lúc nào ăn cũng thòm thèm và đã mấy chục năm rồi, hương vị đó chúng tôi còn nhớ mãi”, bà Thu nói. Gần đó có tiệm ảnh “photo Quỳnh”, tiệm ảnh mà người dân khu đó khẳng định: “Hình như đứa trẻ nào sinh ra ở ngã ba Huế cũng đều có ít nhất một bức ảnh chụp ở nơi đây”.
Phố mới
Trong những hồi ức, cũng có những khó khăn. Điều người dân địa phương lo ngại nhất thời kỳ ngã ba Huế chưa được chỉnh trang, có lẽ là an ninh trật tự và an toàn giao thông, đơn cử nạn cò mồi bắt xe, trộm cắp. Rồi luồng xe qua lại quá đông, đặc biệt trong giờ cao điểm và khi có tàu hỏa đi ngang đã biến nơi đây thành một “ma trận” về giao thông.
Những trăn trở ngày đó đã qua, khi phương án di dời giải tỏa 350 hộ dân tại 4 phường gồm Hòa An (quận Cẩm Lệ), An Khê và Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu) được khởi động vào năm 2012. Người dân đồng thuận hiến đất mở đường, cây cầu vượt 3 tầng sừng sững mọc lên trên chính những xóm nhỏ ngày xưa. Không gian phía dưới cũng được thiết kế thông thoáng, kết nối với trục Tây Bắc. Còn con đường gom lộc cộc đá dăm ngày xưa cũng được làm lại khang trang sau khi dự án đường gom dân sinh ngã ba Huế - ngã tư Hòa Cầm hoàn thành năm 2018.
“Hạ tầng và bộ mặt ngã ba Huế đã lột xác, đi lại “sướng” gấp nhiều lần so với ngày xưa. Những người dân rời đi cũng tìm được nơi ở mới tốt hơn, bảo đảm điều kiện hơn”, bà Thu nói. Với những người dân ngã ba Huế như bà Thu, cũng như bà Thủy, ông Lý, họ nhắc về ngã ba Huế ngày xưa bằng sự hoài niệm, nhưng đồng thời tự hào với sự phát triển của nơi này từ những chủ trương của thành phố.
Ngã ba Huế không mất dấu trên bản đồ đô thị Đà Nẵng. Sau công cuộc chỉnh trang đô thị, “phố cửa ngõ” năm xưa vẫn ở đó trong một hình hài mới, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố này.
XUÂN SƠN