Đà Nẵng cuối tuần
Đổi mới sáng tạo trong trường học: Chìa khóa cho tương lai
Trong vai trò là cố vấn đổi mới sáng tạo quốc gia và Quyền Giám đốc tại Swinburne Việt Nam, cơ sở Đà Nẵng, bà Lê Mỹ Nga không chỉ gây ấn tượng qua chương trình Shark Tank mùa 7 mà còn tiên phong trong việc mang đổi mới sáng tạo vào giáo dục thế hệ trẻ. Với tâm huyết của một nhà giáo dục, bà Nga đã và đang nỗ lực xây dựng những chương trình giúp các bạn trẻ không chỉ học hỏi mà còn trở thành người kiến tạo giải pháp cho xã hội.
![]() |
Bà Lê Mỹ Nga (bìa phải) tham gia trực tiếp lớp học dự án với mentor tại Swinburne Việt Nam, cơ sở Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Không mới nhưng luôn cần thiết
Khi được hỏi về đổi mới sáng tạo, bà Nga chia sẻ: "Đổi mới sáng tạo nghe có vẻ mới nhưng thực chất lại không mới. Đó là khả năng nhận diện vấn đề xã hội và tìm ra giải pháp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để mang lại giá trị mới cho cộng đồng”. Theo bà, đổi mới sáng tạo không đơn thuần là sáng tạo mà là sự kết hợp của nhiều kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và tư duy giá trị. Đây chính là yếu tố khiến con người khác biệt so với máy móc.
Bà Nga nhấn mạnh rằng tư duy đổi mới sáng tạo cần được rèn luyện từ sớm, ngay khi trẻ em bắt đầu khám phá thế giới. “Nếu không bắt đầu từ sớm, thì còn chờ đến khi nào?”, bà đặt câu hỏi. Trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, hay năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp bách, thế hệ trẻ cần được trang bị tư duy và kỹ năng để không chỉ nhận diện mà còn giải quyết những thách thức này.
Hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục sớm, bà Nga đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế để xây dựng chương trình giảng dạy bài bản, được thiết kế riêng cho từng lứa tuổi. Để học đổi mới sáng tạo, bà Nga chia sẻ một số gợi ý thiết thực. Trước hết, bà khuyến khích các bạn trẻ tham gia các cuộc thi giải quyết vấn đề xã hội, như mô phỏng vai trò lãnh đạo quốc gia, nơi họ sẽ phải đưa ra quyết định trong những tình huống khó khăn. Thứ hai, khám phá 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo hay giáo dục bình đẳng, đòi hỏi thế hệ trẻ phải hiểu rõ và tham gia giải quyết.
Trang bị tư duy từ sớm
Bà cũng nhấn mạnh thế mạnh của "cư dân công nghệ" (digital native), cho rằng các bạn trẻ cần biết cách tận dụng công nghệ để đưa ra các giải pháp sáng tạo và hiệu quả hơn. Cuối cùng, bà Nga khuyên các bạn cần học cách tìm kiếm người hướng dẫn và xây dựng nhóm cùng chí hướng để chia sẻ kiến thức và tăng cường học hỏi. Bà nhận định: "Nếu được trang bị tư duy này từ sớm, các bạn trẻ sẽ có đủ hành trang để khi vào đại học, không chỉ học thêm kiến thức mới mà còn tạo ra những giải pháp đột phá, đóng góp tích cực cho xã hội".
Với vai trò Trưởng ban đào tạo tại Swinburne Việt Nam, cơ sở Đà Nẵng, bà Lê Mỹ Nga cũng đang nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trở thành một phần quan trọng trong chương trình học cử nhân tại đây. Bà quyết tâm đưa các dự án doanh nghiệp thực tế và các cuộc thi vào giảng dạy, giúp sinh viên làm quen với đổi mới sáng tạo trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề thực tế của thị trường và xã hội. Bà Nga chia sẻ, sinh viên tại Swinburne Việt Nam được trang bị tư duy và kỹ năng của công dân toàn cầu, như tư duy phản biện, tính sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, nhờ vào môi trường học tập quốc tế. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng các bạn cần biết ứng dụng những kỹ năng này để tìm ra những lĩnh vực yêu thích, nhận diện vấn đề và tạo ra giải pháp có giá trị cho xã hội.
Với tầm nhìn chiến lược và tâm huyết dành cho giáo dục, bà Lê Mỹ Nga đang góp phần hình thành một thế hệ trẻ tự tin và sẵn sàng đối mặt với những thách thức của xã hội. “Nếu được trang bị tư duy đổi mới sáng tạo từ sớm, các bạn trẻ sẽ không chỉ học hỏi mà còn kiến tạo những giải pháp đột phá”, bà Nga khẳng định. Đổi mới sáng tạo không chỉ là một khái niệm, mà là chìa khóa để thế hệ trẻ trở thành những công dân toàn cầu, những người tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.
VÂN KHÁNH