Đà Nẵng cuối tuần
Rứa hỉ!
Tiếng nói, giọng quê không đơn thuần là phương tiện giao tiếp, mà còn là dáng hình, hơi thở của một vùng đất. Người Đà Nẵng - Quảng Nam nói tiếng địa phương như nói chính tấm lòng mình: mộc mạc, chân thành, không màu mè kiểu cách. Một câu “răng rứa”, một tiếng “đi mô” là cách mọi người bày tỏ sự quan tâm, kéo nhau gần lại chứ không chỉ là câu hỏi.
![]() |
Mô, tê, răng, rứa như là sợi dây vô hình kết nối những người con xứ Quảng chân thành mến khách với du khách thập phương. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bất kỳ người dân xứ Quảng nào chỉ cần nghe đôi ba tiếng địa phương quen thuộc cũng thấy lòng rưng rưng thương nhớ. Những thanh âm mộc mạc ấy cất lên như gió biển thổi qua miền ký ức, mang theo vị mặn cùng cái nắng hanh hao miền Trung và cả tấm lòng chân phương, đôn hậu của người dân xứ này. Không phải “là thế đó” hay “được không”, một tiếng “rứa hỉ” buông nhẹ từ người xa lạ cũng đủ để lòng chợt xốn xang.
Từng đi đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, tôi nhận ra giọng Quảng không nhấn nhá, trầm bổng hay thâm thúy như miền Bắc, cũng chẳng luyến láy như người Nam. Nó cứ tự nhiên, độc đáo, đa tầng nghĩa tựa như câu hò xứ Quảng tưởng đơn sơ mà chứa đựng bao nỗi niềm. Một chữ “rứa” mà chứa cả sự ngạc nhiên, xác nhận và cả đồng tình. Một tiếng “hỉ” mà nhẹ bâng như gió, chân thành như tấm lòng người dân quê hương.
Nhớ những tháng năm sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đôi lần vội vã chợt nghe ai đó cất lên “rứa hỉ”, tự dưng bẫng lại vài giây để ngoái đầu nhìn theo người ta rồi lòng lại chộn rộn thương nhớ. Hay mỗi lần gọi điện thoại về nhà, nghe giọng má qua điện thoại, gần cuối cuộc trò chuyện bao giờ má cũng dặn “rứa hỉ”, tôi lại thấy lòng mình ấm áp lạ thường. “Rứa hỉ” của má không chỉ là sự quan tâm, dặn dò mà là cả một trời yêu thương.
Ở đâu quen đó, phần vì muốn nói giọng phổ thông cho dễ hiểu, phần sợ bị chọc là “nhà quê” nên nhiều người mới ít dùng giọng địa phương khi đi học, đi làm hay tiếp xúc với người lạ. Có lẽ, người dân xứ Quảng “ở mô” cũng không quên được những thanh âm quen thuộc ấy. Chỉ một câu ngắn ngủi đặc sệt giọng Quảng cũng có thể khiến cả một miền ký ức tràn về. Ấy là những trưa hè rủ nhau làm ná bắn chim để rồi một đứa thốt lên “trật rồi tề” khi đồng bọn bắn không trúng.
Là những chiều lăn tăn theo từng con sóng biển Mỹ Khê, những tối chạy dọc bờ sông Hàn thơ mộng, nói với nhau “nhìn đẹp hề” (đẹp quá). Xa rồi mới thấy, đôi khi quê nhà không nằm ở một vùng đất, mà ngay trong những giọng điệu thường ngày.
Đợt trước Tết, có dịp đón cô bạn làm ăn xa trở về Đà Nẵng, tôi mới nhớ lại cảm giác này. Đáp xuống sân bay, cô sảng khoái cất lên giọng nói đặc sệt của dân Quận Ba (Sơn Trà): “Chừ đi mô rứa?” chứ chẳng phải “bây giờ đi đâu?” của giọng phổ thông. Hay trong chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, doanh nhân Lê Hùng Anh (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cũng dùng chính giọng nói rặt Quảng để trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp hay đầu tư cho các dự án.
Trên sóng truyền hình Quốc gia, chất giọng ấy khiến ta thân quen biết bao. Anh từng chia sẻ: “Từ lúc tốt nghiệp phổ thông, đi xa quê tới nay đã mấy chục năm, mình vẫn nói giọng Quảng. Mình không giả giọng bởi vì chí ít mình nói ai cũng hiểu được. Một phần khác vì mình yêu quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Ở xa, nghe đâu đó một giọng Quảng giống mình hoặc kể về điều gì ở quê là mình thích thú vô cùng”.
Một lần khác, vô tình lướt tiktok xem được video của cô gái tài khoản tên Lèm người Nghệ An hướng dẫn cách nói giọng Đà Nẵng. “Ý là”, “như rứa”, “ê”, “từng nớ”… được liệt kê đầy đủ cùng tông giọng đặc trưng của người Đà Nẵng nhận được phản hồi thích thú từ nhiều người. Bởi mới thấy, không có gì quê mùa hay cũ kỹ trong từng chữ “mô, tê, răng, rứa”. Đó là sợi dây vô hình kết nối những người con xứ Quảng và cả du khách thập phương lại với nhau, hay hơn thế là phương ngữ, văn hóa đặc trưng của vùng miền.
Quả thật, không khó hiểu khi ai đó sống lâu năm ở đất khách, mỗi lần về quê chỉ cần nghe giọng nói là mọi người xung quanh nhận ra: “Rặt giọng Quảng, không lẫn đi mô được!”. Người ta có thể học cách phát âm theo địa phương khác để dễ giao tiếp, nhưng trong những khoảnh khắc tự nhiên nhất, tiếng Quảng vẫn cứ bật ra. Như cách một người bạn của tôi, dù đã sống ở Hà Nội gần chục năm nhưng khi gặp nhau ở lòng thủ đô vẫn thốt lên “mô”, “tê”, “răng”, “rứa”… mà chẳng mảy may điều chỉnh.
Có lẽ, trong lòng thành phố hiện đại, khi những con phố cũ được thay bằng các khu đô thị sầm uất thì giọng nói quê hương có lẽ là một trong những điều còn vẹn nguyên nhất. Một tiếng “rứa hỉ” thốt lên cũng làm ấm lòng người xa xứ, đủ để biết mình thuộc về đâu. Âm sắc ấy không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là mạch ngầm nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người con Đà Nẵng và Quảng Nam nói chung.
VĂN HOÀNG