.

Đà Nẵng cuối tuần

Hết lòng với nghề

18:41, 01/03/2025 (GMT+7)

Tròn mười năm làm Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng và đảm nhận các chức vụ Chánh Văn phòng tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng Thư ký Hội nhà báo Việt Nam… Nhà báo Hoàng Trà để lại ấn tượng trong mắt đồng nghiệp về người lãnh đạo cần mẫn, tận tụy với nghề, với chữ. Ông cũng tạo nên nhiều bước ngoặt làm thay đổi tờ báo Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Nguyên Tổng Biên tập Hoàng Trà (hàng ngồi, ở giữa) tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Báo Đà Nẵng nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: TT
Nguyên Tổng Biên tập Hoàng Trà (hàng ngồi, ở giữa) tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Báo Đà Nẵng nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: TT

Mang lại sự đổi thay

Nhà báo Hoàng Trà, tên thật là Trà Quang Phong, sinh năm 1936 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Ông sinh trưởng trong gia đình có 9 chị em, ông là con thứ 6, ba mất sớm, mẹ ông một mình đảm đương kinh tế nuôi các con. Thuở nhỏ, nhà báo Hoàng Trà nổi tiếng nhất xã vì học rất giỏi, đặc biệt có khả năng cảm thụ nhanh về mảng văn chương cùng khả năng viết lách điệu nghệ và có ước mơ trở thành nhà báo. Nhà báo Hoàng Trà học tiểu học tại quê nhà, học trung học tại Trường Thiếu sinh quân và học phổ thông tại Trường Trung học Lê Khiết (nay là Trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi).

Sau khi thi đỗ tú tài (bằng tốt nghiệp THPT hiện nay), năm 1954, nhà báo Hoàng Trà được chọn đi tập kết ra Bắc phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Ra Thủ đô Hà Nội, nhà báo Hoàng Trà học ngành Báo chí tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam. Sau này, ông tốt nghiệp đại học và làm phóng viên tại Báo Thiếu niên Tiền Phong hơn 5 năm. Vợ nhà báo Hoàng Trà bày tỏ, quá trình công tác ở miền Bắc, nhà báo Hoàng Trà phải di chuyển liên tục các tỉnh lân cận để tác nghiệp. Đây là cơ sở để ông tích lũy vốn sống và kinh nghiệm làm báo. Nhờ những lần tác nghiệp, nhà báo Hoàng Trà gặp bà tại tỉnh Thanh Hóa và nên duyên vợ chồng. Ngoài viết báo, nhà báo Hoàng Trà còn làm thơ, viết sách, để lại nhiều tư liệu quý giá cho nghề.

Sau khi cưới nhau, nhà báo Hoàng Trà viết đơn xin “đi B”, với tinh thần tự nguyện bí mật vượt dãy Trường Sơn vào miền nam công tác, phục vụ chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Hòa bình, vợ chồng nhà báo Hoàng Trà trở về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng sinh sống đến nay.

Thời kỳ sau ngày đất nước giải phóng, đội ngũ làm báo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được bổ sung phóng viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí từ các trường phía Bắc, nhà báo Hoàng Trà được tiếp nhận công tác và trải qua vị trí phóng viên và dần trưởng thành qua các chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng rồi làm Chánh Văn phóng Tỉnh ủy vào năm 1977.

Đầu năm 1983, nhà báo Hoàng Trà được điều động làm Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn này, với sự lèo lái của nhà báo Hoàng Trà, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng có sự thay đổi lớn về tổ chức, gồm bốn phòng, ban và từ 25 phóng viên lên 33 cán bộ, phóng viên biên chế. Với bộ máy lãnh đạo mới cùng đội ngũ phóng viên, biên tập giỏi chuyên môn, giàu kinh ngiệm, tờ báo dần nâng cao về mặt mọi tiêu chí. Lúc này, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao về nội dung, trình bày lẫn in ấn đẹp.

Dám làm, dám thay đổi

Thừa thắng xông lên, đầu năm 1984, để chuyển tải các vấn đề trong tuần theo chiều sâu, nhà báo Hoàng Trà cho ra tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật với quy mô 32 trang, khổ 21x 29cm, in 2 màu. Cuối năm 1984, chuẩn bị tinh thần, lực lượng và tạo bước tập dượt ra báo ngày vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 3-1985), báo ra thêm một số thường trong tuần, nâng toàn bộ số kỳ phát hành lên 4 số/ tuần.

Thời điểm này, tuy lực lượng phóng viên, phương tiện chuẩn bị xuất bản, phương án ra báo, bảo đảm quy trình chặt chẽ và thậm chí đưa cán bộ đi học tập cách làm báo ở các tờ báo bạn đã được cấp giấy phép, nhưng do chỉ tiêu kế hoạch giấy không được cấp trên giải quyết đồng bộ nên kế hoạch ra báo ngày tháng 3-1985 không thành. Nhưng ước vọng báo ngày vẫn hừng hực và nung nấu trong mỗi cán bộ, phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đến năm 1986, đất nước đi vào giai đoạn đổi mới theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, nhà báo Hoàng Trà tiếp tục đổi mới Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là lực lượng cộng tác viên và bạn đọc tăng lên khá đông. Trong đó, báo được nhiều cây bút, những nhà báo tầm cỡ ở hai đầu Tổ quốc đồng hành, chia sẻ nội dung, ý tưởng.

Ngoài 3 số báo thường phát hành vào các ngày thứ ba, năm, bảy luôn giữ vững chất lượng từ nội dung, trình bày, in ấn, với số phát hành 5.000 bản/kỳ thì tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật cũng chiếm chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc trong và ngoài tỉnh với số lượng phát hành cao nhất là 2 vạn bản/kỳ trong năm 1986. Báo có mặt với số lượng không nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận khác.

Với tính cách dám làm, dám thay đổi, từ năm 1988, được Thường vụ Tỉnh ủy cho phép, báo phối hợp Tỉnh đoàn thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng hình thành một bộ phận (cả phóng viên và tòa soạn riêng) cho ra đời tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Trẻ vào tháng 3-1988 với 16 trang, khổ 29x42cm, xuất bản nửa tháng/kỳ.

Tờ báo góp phần lớn vận động, cổ vũ các tầng lớp thanh niên trong tỉnh tham gia các phong trào xây dựng và phát triển kinh tế  - xã hội địa phương. Báo được thanh thiếu niên quan tâm và chú ý.
Đồng thời, từ năm 1984-1990, tờ báo giúp các huyện miền núi của tình hình thành các tờ tin Giằng, Hiên, Trà My và Phước Sơn, phát hành hằng tháng từ 300-500 tờ/kỳ, in 4 trang, khổ 30x42cm. Các tờ tin huyện đồng loạt được in chữ cỡ lớn, nhiều hình ảnh, ít chữ và có cách nhìn, nếp nghĩ phù hợp trình độ cán bộ và nhân dân các dân tộc anh em.

Qua đó, đưa được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đến đồng bào các dân tộc Katu, Bhe, Tariêng, Cor Bh’nông… trở thành công cụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, động viên nhân dân vùng cao xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa của tỉnh và phản hồi ý nguyện của đồng báo các dân tộc với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, được lãnh đạo các địa phương và bà con các dân tộc hoan nghênh đón đọc.

Bước sang năm 1991, tờ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục chuyển sang bước ngoặt mới và dành vị trí quan trong lòng bạn đọc từ phương tiện, nội dung đến trình độ in ấn. Ví như từ in typô chuyển sang in ốpsét. Chất lượng in ấn được nâng lên rõ rệt so với cách in sắp, đúc chữ chì. Báo được in màu, giúp hình thức hấp dẫn hơn.

Có thể nói, từ năm 1983-1992, dưới thời lãnh đạo của nhà báo Hoàng Trà, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho bạn đọc ở nhiều tỉnh thành, tạo nên thành công lớn. Ngoài công việc, nhắc đến nhà báo Hoàng Trà, vợ ông và nhiều đồng nghiệp cùng thời cho biết, ông là người nguyên tắc, chuẩn mực và liêm khiết.

Vợ nhà báo Hoàng Trà bộc bạch, vì quá bận rộn, đôi khi, ông không dành nhiều thời gian cho gia đình. Thậm chí, đang ăn dở chén cơm nhưng nhận cuộc gọi gấp từ cơ quan, ông đành gác lại, chạy đi cấp tốc. Tuy nhiên, sâu trong tâm khảm của bà, ông vẫn là người chồng chung thủy, hết lòng với công việc và gia đình, con cái. Dẫu giờ đây ông đi xa, nhưng ký ức đẹp về ông, bà vẫn giữ nguyên vẹn trong tâm trí.

TƯỜNG VY

 Tư liệu: Lịch sử Báo Đảng bộ các tỉnh và thành phố (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000)

 

.