Đà Nẵng cuối tuần
Thổi hồn vào những bài dạy lịch sử
Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, nhiều thầy cô có những cách làm sáng tạo như đưa phim ảnh, nhạc, dựng kịch lịch sử hoặc thiết kế bài giảng theo lối mô phỏng bằng hình ảnh trực quan sinh động... Qua đó, góp phần giúp các em hào hứng đón nhận và tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng.
![]() |
Học sinh lên kịch bản, đóng vai trong một giờ học Lịch sử tại Trường THPT Thanh Khê. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
* Cô giáo Bùi Thị Huế, Tổ Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Khơi lên niềm xúc động, tự hào dân tộc
Chúng tôi luôn thấm thía “chân lý”, dạy Lịch sử thì phải khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước và để có thể chạm đến trái tim của học sinh, đội ngũ giáo viên phải chủ động tìm lời giải việc dạy Lịch sử hấp dẫn, hiệu quả. Trên cơ sở tiếp tục phát huy những phương pháp dạy học truyền thống, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch bài dạy, giáo viên phải kể được những câu chuyện lịch sử hay hoặc những đoạn phim tiêu biểu, “đắt giá”, các tác phẩm văn học có liên quan chủ đề đang học nhằm tạo cảm xúc cho học sinh.
Một kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu đó là tôi thường xuyên dành thời gian để xem các bộ phim tư liệu lịch sử trên truyền hình, rồi ghi lại hoặc tải về, cắt những đoạn phim hay, tiêu biểu phù hợp với nội dung dạy học. Thực tế cho thấy khi nghe kể chuyện hoặc xem những đoạn phim tư liệu hay học sinh thực sự xúc động, từ đó hình thành lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân.
* Thầy giáo Phạm Giang Hồ, Tổ Lịch sử Trường THPT Thanh Khê: Học sinh cần thấy được sự gắn kết giữa Lịch sử và thực tiễn
Thực tế việc giảng dạy môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tạo ra hứng thú học tập cho học sinh và phát huy giá trị giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là bài toán không có lời giải, mà vấn đề là cần phải đổi mới trong giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, thay đổi tư duy của người học, tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người học Lịch sử.
Môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được biên soạn theo chủ đề không quá nặng về ghi nhớ các sự kiện, nhưng khối lượng kiến thức vẫn còn nhiều khiến học sinh vẫn sợ học. Điều quan trọng là học sinh chưa thấy được sự gắn kết giữa lịch sử và thực tiễn. Nhiều em xem lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng, không thấy được giá trị của nó đối với đời sống hiện nay, dẫn đến thiếu hứng thú học tập. Thêm vào đó, hiện nay việc học nhằm mục tiêu phát huy các năng lực và phẩm chất của người học nhưng việc kiểm tra đánh giá vẫn nặng về ghi nhớ sự kiện và kiến thức hàn lâm.
Để tăng hứng thú học tập cho học sinh, chúng tôi sử dụng các ứng dụng như Quizizz, Kahoot trong củng cố kiến thức, giao bài tập cho học sinh. Sử dụng các phần mềm thực tế ảo Google Earth, Vr360... học sinh ngồi tại lớp học nhưng vẫn cảm nhận được bản thân đang trực tiếp ở tại các khu di tích, các bảo tàng sẽ giúp học sinh hứng thú hơn trong tìm tòi khám phá. Sử dụng phương pháp kể chuyện lịch sử, đóng vai nhân vật, đóng vai phóng viên hay hướng dẫn viên du lịch, học theo dự án để học sinh chủ động tham gia vào quá trình học tập và tiếp thu kiến thức.
Trong các tiết học, giáo viên tổ chức xem phim tư liệu, các buổi thảo luận, tranh biện về các vấn đề lịch sử để kích thích tư duy phản biện từ phía người học. Đổi mới trong kiểm tra đánh giá, không quá nặng nề về việc học sinh phải ghi nhớ quá nhiều kiến thức, sự kiện mà qua các dự án học tập như đóng vai, tranh biện dựa trên khả năng và tư duy của học sinh để đánh giá dựa trên nền tảng kiến thức đã học.
* Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Tổ Lịch sử - Kinh tế và Pháp luật, Trường THPT Thái Phiên: Khuyến khích học sinh đưa ra quan điểm riêng về lòng yêu nước
Lịch sử là môn học giúp thế hệ trẻ hiểu rõ quá khứ, trân trọng những giá trị hiện tại và góp phần bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho tương lai. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc cho thấy tầm quan trọng của môn Lịch sử hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu các giáo viên dạy Lịch sử phải nỗ lực xứng đáng với tầm vóc ấy. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn tồn tại đối với môn Sử là định kiến, khô khan, nhiều số liệu, sự kiện lịch sử…
Vậy nên, để tăng tính hấp hẫn, hiệu quả trong giảng dạy môn Lịch sử, giáo viên chủ động, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, thay vì bài học khô khan nhàm chán, chúng tôi kể chuyện lịch sử, tổ chức trò chơi, tổ chức diễn kịch lịch sử, thầy và trò ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) biên soạn phim Lịch sử, tham quan bảo tàng, hoạt động nhóm thông qua kỹ thuật phòng tranh; tổ chức kiểm tra, đánh giá bằng sản phẩm dự án như đóng phim, vẽ tranh lịch sử thay vì kiểm tra trên giấy ở các bài kiểm tra định kỳ.
Ví dụ: khi triển khai dự án học tập làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1911-1920, các em đưa ra ý tưởng đóng vai nhân vật lịch sử (Nguyễn Tất Thành). Các em háo hức lên kế hoạch, biên soạn kịch bản, phân công diễn viên, thuê trang phục, quay phim bằng camera điện thoại, xử lý ánh sáng, âm thanh…
Nhờ đó, khuyến khích học sinh đưa ra quan điểm riêng của mình về lòng yêu nước, lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Đây thực sự là một trải nghiệm học lịch sử với tình huống cụ thể. Ở bài học đó, tôi gieo vào tâm hồn các em ý thức trách nhiệm của bản thân với lý tưởng của Đảng, với công cuộc bảo vệ đất nước trong bối cảnh đầy sôi động hiện nay.
Một vấn đề khác cần đề cập đến đó là cần tạo ra động lực xã hội. Không phải tự nhiên các môn Toán - Văn - Tiếng Anh được các em lựa chọn nhiều, mà nó bắt nguồn từ nhu cầu của xã hội.
NHÂN HÒA ANH