.
Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2012

Mang thương hiệu Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế

.
Đồng chí Võ Duy Khương
Đồng chí Võ Duy Khương

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2012 (DIFC 2012) với chủ đề “Sắc màu Đà Nẵng” sẽ diễn ra vào hai đêm 29 và 30-4. Để DIFC 2012  mang lại những khác biệt và ấn tượng sâu sắc với du khách trong nước và bạn bè quốc tế cần sự nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng chí Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực DIFC 2012 đã dành cho Báo Đà Nẵng cuộc trao đổi về công tác chuẩn bị cho sự kiện rất được mong đợi, một năm mới có một lần và duy nhất tại Việt Nam.

* Đồng chí có thể cho biết những điểm khác giữa lễ hội pháo hoa năm 2012 và các năm trước? Yếu tố nổi bật nào là điểm thu hút những du khách đã từng thưởng thức lễ hội này quay lại với Đà Nẵng?

- Điểm khác biệt lớn nhất giữa Cuộc thi năm 2012 và các năm trước chính là màn trình diễn của các đội. Đặc biệt, năm nay là sự hội tụ của  các nhà vô địch như: Canada (2008), Trung Quốc (2009), Pháp (2010) và Italia (2011), nên chất lượng các màn trình diễn sẽ rất cao. Đội chiến thắng năm 2012 sẽ là “vô địch của các nhà vô địch”. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phụ trợ được tổ chức như: Nhạc hội Lung linh sắc Việt lần thứ hai, quy tụ nhiều ngôi sao ca nhạc và hoa hậu Việt Nam; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch, Vũ hội Vui cùng pháo hoa lần đầu tiên được tổ chức sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị.

Thành phố Đà Nẵng và đơn vị tư vấn đã chọn những đội pháo hoa trong nhóm tốt nhất trên thế giới để mang đến cho người dân và du khách những màn trình diễn đặc biệt. Sự kết hợp giữa pháo hoa với âm nhạc chính là điểm thu hút du khách quay trở lại với Đà Nẵng. Bên cạnh đó, con người thân thiện, phong cảnh thiên nhiên hữu tình và thức ăn ngon của Đà Nẵng cũng là điều khiến cho du khách quay trở lại vùng đất này.

* Về lâu dài, để duy trì Cuộc thi thì chính quyền thành phố cần phải làm những gì? Vẫn biết, thành phố đang thuê chuyên gia nước ngoài tiến hành tổ chức sự kiện, từ sân khấu đến kịch bản, vậy thành phố có giải pháp nào để việc tổ chức trở nên hấp dẫn, chuyên nghiệp hơn?

- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước tổ chức thi pháo hoa quốc tế, nhưng không sử dụng kinh phí ngân sách. Do vậy, để duy trì cuộc thi, cần thiết phải tìm được nguồn kinh phí. Ngoài ra, thành phố cũng cần nghiên cứu cũng như kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động phụ trợ để Cuộc thi ngày càng phong phú. Về lâu dài, thành phố cũng sẽ tính đến chuyện giao sự kiện cho các đơn vị có đủ năng lực, đặc biệt là kỹ thuật và tài chính để có thể thay thành phố trong công tác tổ chức.

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng không sử dụng ngân sách Nhà nước mà kêu gọi tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Các nhà tài trợ ký kết tài trợ kinh phí cho DIFC 2012. 								                     Ảnh: VIỆT DŨNG

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng không sử dụng ngân sách Nhà nước mà kêu gọi tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Các nhà tài trợ ký kết tài trợ kinh phí cho DIFC 2012. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để tổ chức sự kiện này, thành phố đã thuê Công ty Global 2000 của Malaysia làm tư vấn. Nhiệm vụ chính của công ty là tư vấn chọn đội tham gia và vấn đề kỹ thuật. Do có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức pháo hoa trên thế giới nên họ biết được trình độ của các đội để có thể mời đến Đà Nẵng những đội có trình độ cao. Ngoài ra, họ còn là người chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn của việc lắp đặt pháo, tư vấn cho màn trình diễn của đội Việt Nam... Còn những nội dung như sân khấu, kịch bản, khán đài, chương trình nghệ thuật, các hoạt động phụ trợ, công tác bảo đảm an ninh... đều là do các cơ quan của thành phố và một số công ty của Việt Nam thực hiện.

Qua 4 năm tổ chức, các cơ quan của thành phố đã có nhiều kinh nghiệm, chủ động thực hiện được nhiều mảng công việc. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài chuyên về lĩnh vực này. Đội pháo hoa Đà Nẵng cũng đã được đào tạo tại Malaysia và sắp đến, sẽ được học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức cũng như trình diễn tại một sự kiện pháo hoa lớn của thế giới là Lễ hội pháo hoa Ánh sáng Vancouver, Canada. Những biện pháp này sẽ làm cho công tác tổ chức của thành phố ngày một chuyên nghiệp hơn.

* Để bảo đảm việc tổ chức Cuộc thi hằng năm cần phải có nguồn tài chính rất lớn, thành phố đã có những giải pháp nào để huy động tài trợ và kết quả năm nay như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

- Như đã nói ở trên, Cuộc thi sử dụng hoàn toàn kinh phí từ nguồn vận động tài trợ. Trong các năm qua, Cuộc thi đã tạo được một hình ảnh trên bản đồ sự kiện Việt Nam và bước đầu ra với thế giới. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình và cũng chính là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp tài trợ cho Cuộc thi.

Những con số ấn tượng

15 là số quốc gia, vùng lãnh thổ có đại diện tham dự DIFC từ năm 2008 đến năm 2011. Các đội thi là những “anh tài” của nghệ thuật pháo hoa thế giới và đạt nhiều giải cao tại các cuộc tranh tài quốc tế. 30.000 là số lượng du khách đến với Đà Nẵng tại DIFC 2008. Đến năm 2011, con số này đã tăng gấp 10 lần với 300.000 người. 10.000 là số ghế dành cho khán giả tại DIFC 2008, 60.000 là số ghế tại DIFC 2011. 2.000 là số lượng người tham gia công tác hậu cần, an ninh để bảo đảm 2 đêm thi thành công. 400.000 là số lượng du khách ước tính đến Đà Nẵng tham dự DIFC 2012.

Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng, thành phố còn vận động các doanh nghiệp lớn ngoài thành phố tham gia tài trợ. Ngoài việc vận động các doanh nghiệp tài trợ bằng tiền mặt, thành phố cũng vận động các doanh nghiệp tài trợ sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho Cuộc thi như vé máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ truyền thông... cũng như tổ chức các hoạt động phụ trợ theo hình thức xã hội hóa.

Tính đến ngày 5-3-2012, thành phố đã vận động được tổng số tiền 22,239 tỷ đồng, hiện vật (quy ra tiền) là 4,248 tỷ đồng. Đang đàm phán để thống nhất con số cụ thể với tổng số tiền tài trợ khoảng 3,78 tỷ đồng, hiện vật (quy ra tiền) khoảng 5,6 tỷ đồng. Trong năm 2011, giá vé đồng hạng ở mức 200.000 đồng/người/đêm. Năm nay, giá vé khán đài C1 là 300.000 đồng/người/đêm; C2 là 250.000 đồng/người/đêm; C3 là 200.000 đồng/người/đêm. Ngoài ra còn có bán vé xem pháo hoa trên thuyền với mức 300.000 đồng/người/đêm.

* Hiện còn hơn 1 tháng nữa mới tới cuộc thi trình diễn pháo hoa. Tuy nhiên, nhiều khách sạn, nhất là những khách sạn dọc 2 bên bờ sông Hàn giá phòng tăng gấp 4, 5 lần giá bình thường. Vậy UBND thành phố có biện pháp gì để kiểm soát được giá phòng và các dịch vụ khác?

- Để hạn chế tối đa tình trạng này, UBND thành phố đã giao cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách; chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra. Quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là giá phòng khách sạn bán cao hơn so với giá niêm yết (tối đa tăng không quá 30% so với mức giá bình thường).

Vừa qua, thành phố đã kiểm tra và xử phạt khách sạn Sunshine tại lô Z27 Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà 10 triệu đồng về hành vi “bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá cao hơn giá niêm yết”; đồng thời buộc khách sạn này trả lại khách hàng số tiền đã đặt cọc theo phiếu thu, yêu cầu phải thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá đã kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước.

* Xin cảm ơn đồng chí.  

Đường dây nóng

Trường hợp phát hiện các cơ sở dịch vụ bán vượt giá đã niêm yết, UBND thành phố đề nghị người dân và du khách phản ánh về đường dây nóng của Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng qua số điện thoại: 0511.3886761, 0905 155 159 hoặc Chi cục Quản lý thị trường (090 350 3378).

VIỆT DŨNG - MAI TRANG thực hiện

;
.
.
.
.
.