Còn hơn một tháng nữa mới đến ngày Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) diễn ra, thế nhưng giá vé cho chỗ ngồi đẹp trên những tòa nhà cao tầng dọc hai bên sông Hàn đã nóng lên từng ngày. So với năm trước, năm nay giá cao hơn từ 20-30%, thậm chí có nhiều vị trí xem thuận lợi còn hét giá gấp đôi.
Ảnh: HUY ĐẰNG |
Trong vai một người đi đặt chỗ cho gia đình cùng bạn bè xem DIFC, chúng tôi được hai nhân viên quầy lễ tân khách sạn N. trên đường Trần Hưng Đạo tiếp đón khá niềm nở khi biết tôi đặt 14 chỗ cho người lớn và 4 chỗ cho trẻ em. “Nếu đứng trên tầng thượng thì mỗi người 400 ngàn đồng, còn ngồi phòng Vip ở tầng 7 có tiệc buffet thì người lớn 850 ngàn đồng, trẻ em 550 ngàn đồng”, cô nhân viên lễ tân liếng thoắng. Thấy tôi chê giá quá cao, cô nhân viên này liền hạ giá: “Trẻ em tính anh 500 ngàn đồng, còn người lớn vẫn giữ nguyên 850 ngàn đồng”, đồng thời cũng không quên nhắc nhở: “Anh có đặt thì nộp trước 50% tiền, nếu qua ngày mai thì không có giá này đâu”. Chưa hết bất ngờ với giá trên trời này thì tôi lại gặp bất ngờ khác, khi anh nhân viên bảo vệ của chính khách sạn này tranh thủ mời tôi: “Nếu anh cần chỗ ngồi, em bán cho anh mỗi vé 250 ngàn đồng/ghế, còn thức ăn thì anh được mang vào khách sạn”. Giải thích về việc vì sao mới vừa trong quầy lễ tân giá chỗ đứng 400 ngàn đồng/người nay đã giảm xuống còn 250 ngàn, anh nhân viên bảo vệ nói: “250 ngàn đồng là giá của khách sạn đưa ra, nhân viên bán được trên giá đó thì được hưởng lời. Mới hôm qua thôi, hai nhân viên lễ tân này bán được 10 chỗ ngồi cho đoàn khách Hà Nội với giá 1 triệu đồng/người đó”.
Rời khách sạn N., tôi tìm đến cơ sở massage tên W. cũng nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Lúc này bà chủ cơ sở massage đang bận giao dịch với một khách Hà Nội muốn “mua đứt” ban công tầng 3 giá 10 triệu đồng với khoảng 15 chỗ ngồi. Kỳ kèo một hồi, cuối cùng vì sợ hết chỗ, vị khách này đã đồng ý với giá 12 triệu đồng và liền sau đó đặt đủ tiền. Để tìm hiểu cái “ban công xem pháo hoa tốt nhất thành phố” như lời bà chủ giới thiệu, tôi liền khen: “Vị trí của mình đẹp quá, chị dành cho tôi ban công tầng 7 được không?”. Lời khen của tôi thật sự phát huy tác dụng, khi bà chủ bỗng tỏ ra vui vẻ và nhiệt tình dẫn tôi đi xem toàn bộ những vị trí có thể xem pháo hoa của tòa nhà 7 tầng này. Bà chủ say sưa phác họa: “7 ban công, mỗi cái phải đúng 12 triệu mới bán, còn trên sân thượng phía mặt trước mỗi ghế là 400 ngàn đồng, bên hông chỗ nào có cửa nhìn được thì bán 300 ngàn đồng/ghế, còn phía sau khó coi hơn nên tôi giảm còn 200 ngàn đồng thôi (!) “Nếu có khách thì hai đêm bắn pháo hoa, chắc chị cũng kiếm cả trăm triệu đồng?”, tôi hỏi, bà chủ liền khoe: “Năm rồi tôi đã bán được 135 triệu đồng mà, năm nay 200 triệu là cái chắc!”.
Góc nhỏ thế này trên sân thượng tầng 7 của cơ sở massage W. được bà chủ cho biết có thể bán được 10-12 chỗ ngồi xem pháo hoa với giá 300 ngàn đồng/ghế. |
Không hét giá ngất ngưởng như khách sạn N. và cơ sở massage W. nhờ vị trí đẹp, nhưng các khách sạn khác xa hơn một chút, thậm chí lùi xa về phía gần Đài Phát thanh -Truyền hình DRT, nhiều khách sạn cũng chắc giá mỗi chỗ ngồi 250 ngàn đồng, chỗ đứng 150 ngàn đồng, chưa kể tiền nước. Tuy nhiên các khách sạn này cũng không quên “nhắc nhở” khách “phải mua ngay nếu không gần hết chỗ rồi, giả sử còn thì sẽ tăng thêm giá !”.
Xung quanh chuyện giá chỗ ngồi xem pháo hoa đang “nóng” từng ngày, chúng tôi được ông Lê Bá Công, nhân viên Văn phòng UBND phường An Hải Bắc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, đầu tháng 3 vừa rồi, phường đã mời 29 nhà hàng, khách sạn và 2 cơ sở massage trên địa bàn phường đến tuyên truyền việc bảo đảm cung cấp dịch vụ cho khách xem pháo hoa tốt nhưng không được “chặt chém” . Dự kiến khoảng ngày 10-4, khi Sở Công thương công bố giá cước đăng ký của các nhà hàng, khách sạn, phường sẽ mời những chủ nhà hàng, khách sạn này lên và buộc ký cam kết bán đúng giá niêm yết. Mặc dù vậy, theo ông Công, việc xử lý các cơ sở “chặt, chém” khách rất khó, vì phải có phản ánh từ chính du khách cùng với những bằng chứng cụ thể mới xử lý được. Thế nhưng hầu hết giao dịch giữa khách hàng với khách sạn, nhà hàng đều thông qua giao dịch miệng nên rất khó để xử lý.
Thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực rất nhiều để có được một thương hiệu DIFC như ngày nay. Và dĩ nhiên các nhà hàng, khách sạn dọc theo hai bờ sông Hàn cũng được hưởng lợi, thế nhưng vì hám lợi, họ luôn tranh thủ “chặt, chém” du khách, gây ảnh hưởng xấu cho thành phố. Vì vậy, các cơ quan chức năng hãy nhanh chóng vào cuộc để có trong tay “bằng chứng” cụ thể xử lý nghiêm những “con sâu làm rầu nồi canh” này.
Bài và ảnh: THANH VÂN