Ở ta, chẳng rõ bộ sưu tập bản đồ cổ đã tập hợp được bao nhiêu? Chỉ biết mỗi khi chiêm ngưỡng các tấm bản đồ non nước ta, lòng lại dậy lên những bồi hồi khó tả! Hình như hồn non nước đã nhập vào từng hình vẽ ngọn núi, dòng sông… khơi dậy trong ta cảm xúc vô bờ về những thời kỳ cha ông từng đổ máu đào giữ gìn bờ cõi!
“Quảng Nam toàn đồ “ được ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế giới thiệu tại Hội thảo “Quảng Nam - những giá trị đặc trưng” tổ chức tại Quảng Nam năm 2001. |
Một dị bản ca dao xưa có câu:
Anh về ngoài Huế khó vô
Họa bức địa đồ để lại cho em
Điều thú vị là câu ấy lại gợi liên tưởng đến bản “Quảng Nam toàn đồ” (QNTĐ) trong bộ “Đại Nam toàn đồ” có thể được vẽ vào triều Tự Đức. Tập bản đồ này hiện được lưu tại gia tộc Nguyễn Hữu ở làng Dương Xuân (nay thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế) và được nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông thuộc Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế công bố vào năm 2000.
Khảo sát những nét vẽ địa hình và chú thích địa danh trong QNTĐ, người Đà Nẵng am hiểu có thể khẳng định những mô tả về núi sông, cửa biển, đồn binh, lỵ sở… trong bản đồ này là hoàn toàn sát thực tế ghi trong sử sách và trong thơ ca dân gian:
Quê em đất rộng dân nghèo
Có chùa Non Nước, có đèo Hải Vân
Vùng đất Đà Nẵng và phụ cận trong QNTĐ được vẽ phía bắc giáp “Thừa Thiên giới” với hình vẽ các núi lô nhô phía bắc đèo Hải Vân. Nét vẽ lại thể hiện những ngọn núi chập chùng phía tây với ghi chú là “Man động giới” rồi chuyển về phía nam đến hết địa giới huyện Hòa Vinh xưa (Hòa Vang bây giờ). Phía đông giáp biển là hình vẽ những con sóng dập dờn với một loạt chú thích về các đồn binh (tấn) án ngữ các vùng cửa biển Cu Đê (Câu Đê tấn), Đà Nẵng (Đà Nẵng tấn), Hải Vân (Hải Vân tấn). Xưa, từ tấn biển Hải Vân có đường lên đèo ra Huế như đã tả trong câu ca dao giễu học trò xưa:
Anh từ trong Quảng ra thi
Leo lên đèo ải chữ chi mập mờ.
“đèo ải” đó là đèo Hải Vân từng được tả:
Hải Vân bát ngát ngàn trùng
Hòn Hành ở đó là trong vịnh Hàn
Hòn Hành, xưa gọi là đảo Thông Sơn. Năm 1805, vua Minh Mệnh đổi tên đảo là Định Hải, cho đặt nơi đây một pháo đài. Trên QNTĐ, chú thích Định Hải pháo đài được ghi rất rõ.
Đặc biệt, vùng phía ngoài trấn Hải Vân có vẽ hình một cái đầm lớn với chú thích là Huỳnh Đàm (đầm vàng). Chưa thấy sách địa chí nào ghi nhận tên này; nhưng nhìn vào thực địa, có khả năng đây là đầm Lăng Cô. Chẳng rõ theo phân định địa giới thời xưa, có lúc nào Lăng Cô thuộc vùng Đà Nẵng?
Cũng căn cứ vào bản đồ này, Đà Nẵng xưa thuộc phủ Điện Bàn với một số lỵ sở được ghi là Hòa Vinh huyện và Điện Hải thành. Đây cũng là nơi hội tụ các dòng chảy đổ ra vịnh biển. QNTĐ vẽ và chú thích các dòng chảy đó: Câu Đê giang, Cẩm Lệ giang, Lộ Cảnh giang, Vĩnh Điện hà. Người địa phương có thể liên hệ từ những tên sông này bao điều mới, cũ.
Hải Vân quan xưa. |
Người yêu Đà Nẵng một cách lãng mạn rất muốn hiểu “Cẩm Lệ” theo nghĩa “dòng nước mắt long lanh” của mỹ nhân sầu muộn từng rơi; nhưng, tự dạng chữ Hán trong tấm bản đồ lại ghi theo nghĩa khác “một loại cỏ có sắc như gấm”. Đành mượn tạm một câu thơ của người tiếc thuở học trò mà an ủi vậy!
Vẫn xanh biếc một dòng sông Cẩm Lệ
Một phần tư thế kỷ đã qua rồi!
Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế?
Níu vai cầu thương nhớ mãi không thôi!
Ở đầu các dòng chảy vừa nêu, QNTĐ ghi chú các tên Câu Đê nguyên, Lỗ Đông nguyên, Ô Da nguyên. Đem hình vẽ các dòng sông và vùng đầu nguồn này đối chiếu với những mô tả trong sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) viết thời Tự Đức thấy rất giống nhau. “Nguyên” chính là “nguồn”! Như câu ca “Ai về nhắn với nậu nguồn” mà câu lục về sau đã chuyển thành nhiều dị bản. Bên cạnh “mít non”, người ta còn đưa cả “măng le”, “đọt môn”, “khế rừng” vào câu ca “gửi xuống” để gắn với “cá chuồn gửi lên”.
QNTĐ vẽ hình tượng trưng các nguồn nằm giữa các cụm núi. Tuy không thể hiện được hết các ngọn núi như Phù Nam, Hội An, Cu Đê, Dương Sơn, Phước Tường thuộc huyện Hòa Vang xưa và vùng phụ cận mà sách ĐNNTC từng mô tả, QNTĐ đã ghi tên và vẽ hình tượng trưng các ngọn (cụm) Phù Thủ, Lao Giáo, Nam An, Xuân Sơn, Cẩm Lệ, Cảnh Hóa, Tượng Võng, Đồng Hoạch, Trà Sơn … Trong đó núi Hải Vân và toàn bộ vùng đèo qua cụm núi này được vẽ thật rõ, kể cả hai cửa quan phía nam và phía bắc. Xem đồ hình đoạn này mới cảm nhận sâu sắc mấy câu thơ của vua Lê Thánh Tông viết năm 1471 sau buổi Nam chinh ca khúc khải hoàn:
Hỗn nhất xa thư cọng bức viên
Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên.
(Xa thư gộp một nền chung
Hải Vân nét gạch khoanh vùng trời Nam)
Phong cảnh Ngũ Hành Sơn. (Ảnh tư liệu) |
Quê hương anh mây giăng đèo Ải
Chiều ấu thơ êm ả câu hò
Nước mấy nguồn sông hẹn về cửa Đại
Ngũ Hành Sơn năm cụm núi xanh lơ.
Bản QNTĐ vẽ cung đường thiên lý từ của quan Hải Vân qua các trạm Nam Chân rồi Nam Ổ và đến cuối vùng Đà Nẵng là trạm Nam Giản để vào các trạm phía nam. Cung đường này được thể hiện bằng những nét vạch ngang gần liền nhau. So sánh với bây giờ có thể thấy quốc lộ 1 qua vùng Đà Nẵng dường như dựa hoàn toàn vào nền đường thiên lý cũ. Một bộ phận dân cư gần trạm Nam Chân xưa, sau khi bị giặc Pháp triệt hạ xóm làng, đã lưu tán vào vùng Gia Định. Vùng gần trạm Nam Ổ xưa sau này có tên Nam Ô. Vùng gần trạm Nam Giảng về sau có tên Quá Giáng.
Nhìn chung, QNTĐ đã cung cấp cho người đời sau những thông tin hết sức cơ bản về diện mạo vùng đất Đà Nẵng nói riêng và cả Quảng Nam nói chung vào một thời mà cương vực đất nước đã đi vào ổn định. Tất nhiên, có những chi tiết sông núi chưa thể hiện được đầy đủ và cần phải xem hết toàn bộ 29 tờ trong bộ Đại Nam toàn đồ để có một cái nhìn toàn diện về diện mạo nước ta vào hạ bán thế kỷ XIX. Nhưng, với những gì đã lược qua, có thể thấy để vẽ được tờ bản đồ này, chắc hẳn phải có sự đóng góp rất nhiều của người xứ Quảng.
Kết thúc bài “tản mạn” này, xin ghi lại mấy câu thơ cũng của Tường Linh (1964) cảm nhận về Đà Nẵng trong những mùa xuân chưa hết chiến tranh:
Quê hương tôi bên ni đèo Ải
Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn
Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện
Đêm Đà Nẵng vọng buồn con sóng biển
Bún chợ Chùa, thương nước mắm Nam Ô
để thấy “Mùa Xuân Đà Nẵng 2009” bây giờ khác đến thế nào!
Phú Bình