.

Đoản khúc 2008

.

Năm của một lễ hội tưng bừng, của một chuỗi dài những sự kiện đánh thức tâm trí của người dân. Vẻ đẹp của đêm pháo hoa chưa kịp cho con người nắm bắt, thì giá gạo tăng vọt, giá xăng cồn cào gan ruột. Mọi việc kéo ta đi, ngoảnh lại, những dư âm còn theo mãi.

Sức mạnh của Lễ hội

Ảnh: ÔNG VĂN SINH
Đêm 27-3, được người bạn mời xem pháo hoa ở sân thượng tòa nhà khách mới xây ở đầu đường Bạch Đằng. Vừa ăn, vừa uống, vừa ngắm pháo hoa, gần như thể ở ngay trước mặt. Chỉ có điều, có một cảm giác gì đó thật xa xôi và cách biệt với dòng người giăng kín dưới lòng đường. Chợt nhớ, cũng đoạn đường này, gần 2 năm trước, cũng một dòng người đông đặc, ròng rã cả ngày trời, chờ đợi từng thi hài tìm kiếm được sau cơn bão Chanchu. Lúc đó, không một người dân nào ở thành phố này có cảm giác của sự cách biệt.

Đêm 28-3. Chập tối, đổi hướng sang bờ bên kia để xem pháo hoa, cả nhà ghé vào quán nhỏ ven đường Ngô Quyền. Bàn bên, những giọng Bắc-Quảng xen lẫn: “ngày xưa; ngày nay; khác lạ...”. Họ đã uống vài chai bia. Ăn cũng đã gần xong, và rời quán. Gia đình bé nhỏ của tôi cũng rời bàn sau đó vài chục phút.

Giữa bạt ngàn giọng nói, tiếng cười như vỡ cả mặt sông, chúng tôi chợt nhận ra những người vừa ở trong quán ăn lúc nãy, ngồi ngay cạnh. Ngạc nhiên, như một cơ duyên! “Đêm qua, tôi đã nằm thức trắng trên ghế đá ở gần Đài truyền hình để được tận hưởng sự khác lạ. Đà Nẵng đã đổi thay vượt qua sức tưởng tượng”. Một người trong số họ, thấy tôi cầm máy ảnh-đoán là nhà báo- nói với tôi như quen biết. Tìm vội cây bút và mảnh giấy, tôi ghi lò mò trong đêm vài dòng ông kể. Tên: Nguyễn Hữu Tài. 63 tuổi, nguyên là kỹ thuật viên vô tuyến điện, Tiểu đoàn thông tin mặt trận Quảng Đà... Nơi ở: 12 Cái Tắc, Sở Dầu, Hồng Bàng, Hải Phòng. Điện thoại 0313528441... Ông chỉ những người đồng đội của ông hiện đang sống ở Đà Nẵng đang ngồi cạnh: Đây là Phạm Mai Khanh (hiện đang sống ở số nhà 41 Lê Bá Trinh, phường Hòa Cường Bắc), đây Lê Cao Tư...

Cũng như bao nhiêu người lính đã hiện diện tại thành phố này vào ngày 29-3-1975 lịch sử, sau khi tiếp quản thành phố, họ lại lặng lẽ trở về cuộc sống thời bình. Phải 33 năm sau, ông Tài mới quyết định đi thăm đồng đội. Đêm 27-3, ông không vội tìm đến nhà bạn, mà nao nao đêm trắng bên sông Hàn. Ngửa mặt lên trời, ông thầm thì cùng đồng đội: Sự hy sinh của chúng ta đã không hề uổng công...

Tên gọi chính thức là Thi bắn pháo hoa quốc tế, nhưng người dân vẫn cứ gọi là Lễ hội pháo hoa. Với kỷ lục truyền hình trực tiếp hai đêm diễn ra Lễ hội, trong một không gian mênh mông, ăm ắp tình người; Lễ hội, với tất cả những bất ngờ, khát khao, sự phấn khích, đã làm cho con người xích lại gần nhau và yêu mến nhau hơn. Những người Đà Nẵng sống ở mọi miền đất nước không về chung Lễ hội, đã reo lên qua điện thọai: Thấy rất rõ đêm Đà Nẵng lấp lánh. Người bà con bên Mỹ cũng bảo Tết không về, mà để dành 29-3.

Đến lần thứ bao nhiêu thì Lễ hội pháo hoa sẽ gắn liền với ngày 29-3?

Nếu không có sự hòa đồng mãnh liệt, say mê nhập cuộc, ông Tài sẽ không thấu nhận được cảm giác này, để bỗng dưng bộc lộ niềm cảm xúc. Lễ hội tan, ông Tài lại tiếp tục cuộc hành trình vào Nam, để đúng 30-4 có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Không biết, ông có chụm đầu quanh bè bạn, để kể về Lễ hội pháo hoa, kể về Đà Nẵng “ngày xưa; ngày nay; khác lạ...”.

Từ vũ điệu gạo - xăng nghĩ về cách sống...

Ông Nguyễn Hữu Tài cùng đồng đội cũ (2 người ngồi ngoài bên phải) bên sông Hàn, chờ giây phút bắn pháo hoa.

Những ngày cuối tháng 4, giá gạo tăng chới với. Gạo tám thơm Đài Loan, giá 12.000-13.000 đồng/1 kg, lên 24.000-25.000 đồng/1 kg. Giá gạo tẻ Bắc Hương, 8.000 đồng, lên 15.000 đồng/1kg. Người nghèo ngoảnh mặt đi qua hàng gạo. Người khá tấp nập tìm gạo trữ. Gặp ai, dù không quen biết, người ta cũng có thể nói với nhau về giá gạo. Ngỡ ngàng. Nhiều người dân đã rất bình tĩnh, chỉ mua gạo vừa đủ ăn. Sau đợt tăng giá bất thường này, một điều rất hay là nhiều gia đình đã thay đổi hẳn cách sống: Không hắt hủi soong cơm nguội nữa, mà đong gạo thật vừa cho bữa ăn, hoặc cất cơm thừa vào tủ lạnh.

Xăng là “một bài ca” được ngân lên nhiều nhất trong năm. Ngày 21-7, giá xăng A 92 đột ngột bước lên 19.000 đồng/lít, tăng 4.500 đồng/lít so với mức cũ. Nâng lên đặt xuống, có thể, là 5 hay 7 lần gì đó, người dân không buồn nhớ nữa. Và xăng là một sự thức tỉnh khác; khi giá xăng cao, nhiều chiếc xe đạp cũ nằm im trong góc nhà đã được sơn sửa lại, thay lốp. Một điều hay là khi xăng hạ trở lại mức cũ 11.000 đồng/lít thì nhiều người vẫn tiếp tục đạp xe đi làm.

Cũng trong tháng 7, tại cảng Tiên Sa, vụ nhập 434 tấn thép phế liệu có chứa chất thải nguy hiểm cho môi trường lớn nhất được phát hiện. Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2008, qua truyền hình trực tiếp, người dân Đà Nẵng tiếc nuối biết rằng, nếu không có việc này, thì thành phố đã được chọn để trao giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN 2008.

Việc gia tăng rộng lớn của sự tiêu dùng, cộng với sự phát triển dân số và việc tiêu thụ ngày càng ồ ạt các nguyên liệu và năng lượng đi kèm, đang tạo ra một sức ép mãnh liệt đối với môi trường. Chúng ta đã mặc sức tiêu dùng một cách bừa bãi, với một cảm nhận rất rõ là có một hậu quả thật xấu đang chờ đợi. Không thể giải quyết được các vấn đề về sự hủy hoại môi trường và sự suy thoái của xã hội do sự tiêu thụ mà chúng ta gây ra, chừng nào mà cách xử sự của chúng ta chưa quan tâm đến khái niệm về tính thanh đạm. Giữ điều độ trong sự tiêu dùng, giản đơn trong lối sống

Nhìn lại cuộc sống của mình, sẽ nhận ra rằng: Cứ sau một chuỗi những mong muốn đã được thỏa mãn, lại nảy sinh ra một chuỗi mới. Cái chuỗi liên tiếp những ham muốn ấy tạo thành một thứ cối xay, có chạy đấy, nhưng chẳng tiến được lên. Một cuộc sống thanh đạm rất gần với cuộc sống giản dị. Rất đông người trong chúng ta đã từng sống vào thời điểm này hay thời điểm khác của cuộc đời, một cách giản dị hơn thường lệ, và nhờ đó đã từng cảm thấy gần gũi hơn với những gì thực sự có giá trị trong đời.

Giá trị của sự chia sẻ

Ngày 8 tháng 8, buổi tiếp dân tại sân vận động của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố liên quan đến dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân với gần 2.000 người tham dự - đông nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng - được dư luận cả nước quan tâm. Sau đó chừng 5 ngày, trong một lần báo cáo công việc với ông, tôi hỏi: “Thực tình, ông có thích những lời khen từ phía dư luận? “Không nên khen chuyện này. Tiếp dân phải là chuyện nên làm và làm thường xuyên – ông nói, Không làm thường xuyên là có tội. Chúng ta ít làm quá mà đâm ra hiếm... Nếu tiếp dân với một sự giả vờ đóng kịch thì sẽ không bao giờ giải quyết được việc gì”.

Rồi ông chuyển sang câu chuyện khác: Cách đây mấy ngày có một em bé ở đường Lê Hồng Phong-tôi nhớ mang máng là số nhà 61- gọi điện cho ông, sau giây lát ấp úng, em bé cho biết, em đã để dành được 100 ngàn đồng, muốn ủng hộ cho Bệnh viện ung thư. Ông đặt điện thọai xuống, mà lòng cảm nhận thật rõ sự hạnh phúc. Hạnh phúc của một thành phố nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân trong từng việc lớn, việc nhỏ, ở từng vị phụ lão đến từng đứa trẻ thơ.

* Năm 2008, Đà Nẵng tạo được nhiều ấn tượng, thật sự chạm vào ý nghĩ, sự quan tâm của người dân cả nước. Đó là lễ hội pháo hoa. Là cuộc tiếp dân kỷ lục. Là việc đề xuất thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố. Là việc bàn tính xây dựng quỹ dưỡng liêm...

Giữa cuộc họp HĐND, người dân qua truyền hình trực tiếp đã nghe được con số (cho dù chưa chính thức) thế này: Mỗi tháng bỏ vào quỹ 5-6 triệu đồng thì mỗi cán bộ, công chức công tác 30 năm sẽ có trên 1 tỷ đồng. Một số tiền thật ấn tượng. Trước khoản lợi tức này lúc về hưu thì khoản phong bì dăm ba triệu để “đến cửa quan” trở thành chuyện nhỏ. Thực lòng, nhiều người hy vọng đề xuất này của Đà Nẵng đi vào thí điểm rồi nhanh chóng trở thành chính sách chung của cả nước.

Khép lại một vòng quay. Không phải là vòng quay của cái cối xay có chạy mà không có tiến, mà là một chuỗi của những suy nghĩ và sáng tạo. Có thể, đây sẽ là một cái Tết mà người dân phải lựa chọn một thái độ tiêu dùng chừng mực hơn. Nhưng không vì thế, mà tước bỏ đi niềm hy vọng đón chờ một Lễ hội pháo hoa trong năm tới, để cùng thăng hoa, phấn khích, cùng chung một niềm khao khát vẻ đẹp, sự yên bình, gần nhau trong niềm yêu mến, tiếp tục cưỡi lên gió mà bay...

PHAN HOÀNG PHƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.