.

Tản mạn từ Cần Thơ

.

Anh kể chuyện cuối năm từ Cần Thơ về Sài Gòn họp tổng kết. Lạ là lòng dạ cứ nôn nao mong gặp được cô bạn đồng hương xứ Quảng đang phụ trách chi nhánh miền Trung. Hổng hiểu vì sao như vậy, chỉ thấy nóng ruột lắm.

ảnh :Mai Hoa
Có phải vì cùng làm chung đơn vị mà lâu nay chưa từng biết mặt nàng? Hổng phải, bởi cũng có cô bạn ở chi nhánh miền Bắc chưa gặp nhưng sao không thấy bụng dạ bồi hồi như vậy. Mà người bạn này, lâu lâu mới trao đổi e-mail, lâu lâu mới gọi điện thoại cho nhau... À phải rồi, lâu lâu như vậy nhưng mà cái giọng xứ Quảng, cái lối viết e-mail hoặc nhắn tin mang đầy hồn phách xứ Quảng, thường bắt đầu bằng chữ “Hì!” lạ lẫm với dân miền Nam, nhưng lại là máu thịt ở trong lòng anh kể từ ngày cha sanh mẹ đẻ cho tới giờ, hơn nửa đời người trôi qua.

Nghe tiếng bạn qua điện thoại, dù thường mở đầu khách sáo là “Chào anh!” thì dường như anh đã nghe vọng lại tiếng sóng biển Cửa Đại mặn mòi cá mắm, tiếng mưa gió bão bùng, tiếng rao mì Quảng ngạt ngào... trong tuổi thơ lang bạt khắp Kim Bồng, Hội An, Đà Nẵng... của những ngày xưa khói lửa chiến tranh. Ngày xưa ấy, cha mẹ anh lên nguồn xuống biển tần tảo bán buôn nuôi tám đứa con. Có những bữa, hạt cơm trắng quý như hạt ngọc, lai rai bấu víu vào những lát khoai, lát sắn ghế chật nồi cơm. Mẹ bới chén cơm, lừa hết những hạt ngọc ấy cho con, giữ lại những lát khoai, lát sắn cho mình.

Một lần về quê, anh lặng lẽ dẫn thằng con trai vô chợ Hội An, tới cái sạp bán khoai lang khô, chỉ cho nó và nói, hồi nhỏ vào mùa bão lụt, nhà nội thường ăn cơm ghế khoai như vậy. Lần đầu tiên anh biết nó hiểu chữ ghế có nghĩa là gì. Một lần khác ở Cần Thơ, thấy khách sạn Hoàng Cung ra mắt món mới mì Quảng với dầu phộng, củ nén, rau thơm và cả ớt sừng trâu mua từ Đà Nẵng chở vào, anh đã rủ vợ con đi ăn với bao nhiêu là háo hức.

Trong khi nhoáng một cái anh đã ăn hết tô mì thì thằng con chậm rãi khám phá, còn bà vợ quê Cần Thơ mới nhẩn nha được nửa tô. Anh chưa kịp hỏi ăn có ngon không thì đã nghe bà xã nói một câu trúng-tim-đen: “Anh ăn cả cái hương vị quê nhà rồi đó”.

Thế là hai ngày họp hành ở Sài Gòn, dù bận bịu tới đâu, dù lúc nào cũng phải bàn tính chuyện sinh kế cho năm mới 2009 dự báo đầy khó khăn, thì cái hương vị quê nhà ấy nó như đang sống dậy trong lòng. Anh tìm mọi cách để được ở gần cô bạn nhỏ, để được hỏi han, nghe bạn nói, chụp hình chung. Tìm mọi cách để được nhìn ngắm bạn, dù chỉ là thầm lặng, len lén một mình.
 
Lòng vui không tả được, anh mơ hồ cảm nhận rằng, giọng nói, ánh mắt, nụ cười và dáng đi kia, chính là của “nàng xứ Quảng”. Anh bỗng vội vàng như sợ bạn sẽ ra về và mình sẽ ra đi. Ôi, người con gái quê hương, như là biển xanh Cửa Đại, như là bắp nếp Cẩm Nam, như là gió đêm Đà Nẵng...

Và anh đã ra đi, bạn cũng sắp ra về. Khi xe đò rời Sài Gòn quay lại Cần Thơ, anh buồn lắm. Bụng dạ cứ nghĩ về... quê nhà hổng dám gọi, hổng dám nhắn tin. Vừa tới Long An, chợt nhận được tin nhắn: “Anh lên xe chưa?”, anh vội vã trả lời: “Anh đi rồi. Vừa nghĩ về em thì được tin nhắn. Anh em mình ở gần nhau ít quá”. Quê anh nhắn lại: “Hì, nhưng có nhiều tình cảm là quý rồi anh ạ.

Hẹn lần sau anh em mình gặp nhau được lâu hơn. Chúc anh thượng lộ bình an”. Trời đất! Đúng là tiếng của quê hương, lâu lắm rồi anh mới được gặp lại. Anh tự nhủ, ngày xưa, mình cũng hay chúc nhau như vậy. Lâu nay nhắn tin thời kỹ thuật số, hiếm có ai nhắn cho mình đủ đầy và chơn chất như nàng.

Hôm sau, từ Đà Nẵng, cô bạn quê nhà đã gửi e-mail về Cần Thơ, những tấm hình chụp cả nhóm nhân viên cơ quan gặp nhau cuối năm... quậy ở Sài Gòn. Và bạn viết thêm mấy dòng nhắn gửi: “Hì, em chưa chỉnh sáng. Anh chỉnh lại nhé. Xong gửi cho mọi người giúp em luôn nha. Chào anh. Chúc anh một ngày vui vẻ”.

Anh nói: “Với tôi, một kẻ xa nhà, những lời quê như vậy thật vô cùng ấm áp. Tôi sẽ giữ mãi hình bóng quê nhà cuối năm, như một kỷ niệm dấu yêu”.

Huỳnh Kim

;
.
.
.
.
.