.

Đầu năm đọc Thơ Đường về mùa Xuân

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Thơ viết về mùa xuân nhiều như hoa cỏ giữa đất trời. Chọn cho hết những lời châu ngọc về một mùa đẹp nhất trong năm là điều không thể. Trong viên mãn của đất trời năm mới, mời bạn đọc lại một số bài thơ xuân của những tác giả nổi tiếng nhất qua bản dịch của Quỳnh Chi, Thạc sĩ văn chương, hiện làm việc tại đài NHK (Nhật Bản) gửi cho Đà Nẵng Xuân Canh Dần.

Mai hoa

Ngâm hoài trường hận phụ phương thì
Vi kiến mai hoa triếp nhập thi
Tuyết hậu viên lâm tài bán thụ
Thủy biên li lạc hốt hoành chi
Nhân liên hồng diễm đa ứng tục
Thiên dữ thanh hương tự hữu tư
Kham tiếu Hồ sồ diệc phong vị
Giải tương thanh điều giác trung xuy

Lâm Bô


Hoa mai

Tìm thơ vội tả hoa mai
Giận thơ mãi vụng để hoài vẻ xinh
Trên cành khi ngậm tuyết trinh
Khi kề bên giậu nước in bóng lồng
Người ưa phàm tục sắc hồng
Trời ban thanh khiết mùi hương đậm đà
Rợ Hồ cũng biết yêu hoa
Soạn cho trẻ khúc tù và " Lạc mai "

(21-12-2006)


Xuân dạ hỉ vũ

Hảo vũ tri thì tiết
Đương xuân mãi phát sinh
Tùy phong tiềm nhập dạ
Nhuận vật tế vô thanh
Dã kính vân câu hắc
Giang thuyền hỏa độc minh
Hiểu khan hồng thấp xứ
Hoa trọng Cẩm quan thành

Đỗ Phủ


Mưa lành đêm xuân

Mưa lành báo hiệu mùa sang
Đây mùa xuân tới rộn ràng trời xuân
Mưa theo làn gió âm thầm
Trong đêm thánh thót tưới nhuần cỏ cây
Đường thôn mây xám đầy trời
Trên sông ánh lửa thuyền ai lập lòe
Sáng ra rực rỡ đồng quê
Với ngàn hoa thắm đã về cùng xuân

(25-2-2005)


Xuân Hiểu

Xuân miên bất giác hiểu
Xử xử văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

Mạnh Hạo Nhiên


Buổi sáng mùa xuân

Xuân còn say ngủ mơ màng
Tiếng chim buổi sáng rộn ràng khắp nơi
Đêm qua gió tạt mưa rơi
Trong vườn hoa rụng nào hay ít nhiều

(12-5-2006)


Xuân dạ

Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim
Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm
Ca quản lâu đài thanh tế tế
Thu thiên viện lạc dạ trầm trầm

Tô Đông Pha


Đêm xuân

Đêm xuân một khắc ngàn vàng
Hương hoa thanh khiết mơ màng ánh trăng
Lầu cao vẳng tiếng ca ngâm
Vườn khuya vắng bóng giai nhân lặng buồn


Thương xuân khúc

Thâm thiển thiềm hoa thiên vạn chi
Bích sa song ngoại chuyển hoàng ly
Tàn trang hòa lệ há liêm tọa
Tận nhật thương xuân xuân bất tri

Bạch Cư Dị


Bài hát thương tiếc xuân

Bên thềm muôn cánh hoa tươi
Chim oanh ríu rít chuyền ngoài màn hoa
Buông rèm lặng ngắm xuân qua
Xuân nào hay kẻ lệ nhòa tiếc xuân

(1-2006 )


Xuân dạ Lạc thành văn địch

Thùy gia ngọc địch ám phi thanh
Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành
Thử dạ khúc trung văn chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình

Lý Bạch


Tiếng sáo đêm xuân

Vẳng nghe tiếng sáo bổng trầm
Lẫn trong tiếng gió đêm xuân vọng về
Khúc đâu viễn xứ biệt ly
Chạnh lòng ai chẳng nhớ quê bồi hồi

(30-1-2003)


Quỳnh Hải nguyên tiêu

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thuyền quyên
Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tản
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên
Cụng đồ liên nhứ dao tương kiến
Hải giác thiên nhai tam thập niên

Nguyễn Du


Nguyêu tiêu ở Quỳnh Hải

Vườn hoang ngập ánh trăng thanh
Nguyên tiêu trăng vẫn lung linh thuở nào
Một trời xuân đẹp xiết bao
Mà người lữ thứ dạ nào vui xuân
Không nhà huynh đệ ly tan
Giận đời điên đảo năm năm bạc đầu
Tạ lòng trăng đến tìm nhau
Ba mươi tuổi vẫn lao đao góc trời

(15-2-2006)


Xuân hứng

Dương liễu âm âm tế vũ tình
Tàn hoa lạc hậu kiến lưu oanh
Xuân phong nhất dạ xuy hương mộng
Hựu trục xuân phong đáo Lạc thành

Võ Nguyên Hành


Xuân hứng

Mưa phùn vừa ngớt, liễu xanh
Hoa tàn, thấy bóng chim oanh chuyền cành
Gió xuân đưa tới mộng lành
Trong mơ theo gió về thăm quê nhà

(7-4-2007)


Tạp thi

Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trứ hoa vị

Vương Duy


Tạp thi

Bác từ quê mới ra đây
Chuyện trong quê chắc chẳng ai biết bằng
Cành mai gầy tựa bên song
Ngày đi đã nở được bông hoa nào ?

(7-4-2007)


Tuyệt cú

Trì nhật giang san lệ
Xuân phong hoa thảo hương
Nê dung phi yến tử
Sa noãn thụy uyên ương

Đỗ Phủ


Tuyệt cú

Xuân về non nước đẹp tươi
Gió đưa hương ngát muôn loài cỏ hoa
Đất mềm, én lượn gần xa
Uyên ương cát ấm trên bờ ngủ say

 (1-3-2007)



 

;
.
.
.
.
.