.

Ngày chim sẻ

.

Sáng nay, từng bầy chim sẻ ào xuống đường như những loạt lá rụng. Đêm qua mười bốn, gạo muối cúng cô hồn vãi ra đường, sáng rằm… ngày của chim sẻ! Những ngọn lá nâu lay động, lích chích, líu ríu, rộn rã cả cõi lòng. Mấy lần tổ dân phố họp phàn nàn cứ đầu tháng, giữa tháng là tàn tro bay cùng, gạo muối vãi trắng nhưng đâu lại vào đó. Nắm gạo tung lên trời sau lời khấn, trong đêm sực mùi trầm hương, lung linh ánh nến đã thành hành động tâm linh, nối kết 2 cõi. Đó là nắm gạo muối người sống từ bi “thí thực” cho người chết, cho những linh hồn mồ côi, vất vưởng, đói khát. Sáng ngày, chim sẻ được no.

Một thời, ai đó liệt chim sẻ vào những con vật có hại vì chim ăn bớt thóc gạo của người. Chim sẻ bị diệt, châu chấu sinh sôi, đường quê, hè phố vắng bóng chim, vòm cây vắng tiếng hót, mới nhận ra chim ăn của người chút rơi vãi nhặt nhạnh nhưng giúp người diệt sâu bọ phá hại mùa màng, tặng khúc nhạc đồng quê, làm mềm tâm hồn phố thị. Mớ dây điện nhùng nhằng rối ren khuôn mặt bầu trời tươi sáng dường như cũng dễ chịu hơn khi có bầy chim sẻ đậu rỉa lông cánh. Ngói xi-măng có sẻ nâu sưởi nắng nhìn đỡ lạnh. Bước chân chim trên đường phố là tín hiệu yên bình… Chim sẻ là “hồn quê ở phố”.

Nhà vắng, sân buồn, lòng không thanh thản, tôi tung nắm gạo lên trời. Bầy sẻ nâu ào xuống, lích chích gọi nhau, nhỏ nhẻ nhặt, mê mải ăn rồi vút lên vòm lá, mái ngói tự tình, thả xuống từng giọt hạnh phúc trong veo. Nghe chúng hót cảm ơn Thượng đế lòng lành đã tạo ra muôn loài để hành tinh này muôn màu, muôn vẻ.

Nhưng có lần tôi bụm mặt khóc… vì chim sẻ! Bụm mặt, che mắt mà cảnh tượng hãi hùng vẫn mồn một hiện trước mắt qua từng giòng chữ của một nhà thơ: “Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét. Người bán điềm nhiên lôi chúng trong lồng ra vặt lông.”(*). Cái lạnh của bầy chim bị vặt trụi lông giữa phố, cái lạnh của những tâm hồn vô cảm phả ra từ chữ làm tôi rùng mình. Hồn nhiên ác, vô tư ăn. Chủ nhân hành tinh duy nhất có sự sống tự hào vượt trội muôn loài trong đó có cả cái ác. Thông minh nên sáng tạo nhiều hình thức “diệt” loài khác phục vụ mình. Giết chậm như vặt lông chim sẻ. Giết tươi trên bàn nhậu như cắt tiết rắn lấy máu hòa rượu, phạt ngang đầu khỉ nhô lên từ cái lỗ khoét giữa bàn múc óc ăn sống. Ngâm rượu tay gấu, bìm bịp con, bào thai động vật… Không tha chúa sơn lâm, không chừa cả ve sầu - loài vật bé mọn bao nhiêu năm ròng chui rúc dưới lòng đất tối tăm, kiên gan bền chí đợi ngày lên mặt đất ca hát. Nhạc sĩ mùa hè dạo này bặt luôn tiếng ca “ve… ve… hè đã về” có lẽ vì chúng đã bị túm từ khi còn mềm oặt và bất động trong khoảnh khắc thoát xác nhộng, mọc cánh bay lên… Ve sầu lăn bột, rang muối hấp dẫn đến nỗi “khúc ca mùa hè” chỉ còn là thứ vớ vẩn.

Chim sẻ, dẫu có cánh để bay vẫn không thoát lưới người. Chúng sống đàn bầy và người cũng đủ thông minh để bẫy cả đàn bầy. Hai tấm lưới như đôi cánh khổng lồ ụp lại bằng một cú giật, thế là xong bầy chim… Ngày rập cả vài trăm con bán cho quán nhậu. Kiếm bộn tiền khỏe re. Thế là người người đua nhau sắm lưới, sắm lồng.

Thành phố tôi sống, khu tôi ở rất nhiều chim sẻ nhưng tôi chưa hề gặp cảnh hãi hùng đó. Từ khi “thấy” nỗi thống khổ của chúng qua dòng chữ ấm hơi người, ngày nào vuông sân nhỏ của tôi cũng “rằm”. Tôi cho chúng ăn như chuộc lỗi bởi tôi cũng là con người. Vãi nắm gạo cho lũ bạn bé bỏng dễ thương cùng chung mái nhà trái đất, tôi mơ giấc mơ người - vật sống giao hòa… Một giấc mơ xa vời nhưng vẫn lung linh không tắt trong cõi đời bề bộn xấu tốt, hạnh phúc và thống khổ.

12-2009
Tạp bút của QUẾ HƯƠNG

(*) Nguyễn Quang Thiều

;
.
.
.
.
.