.

Ký ức Hải Vân quan

.

Tôi sinh ra và lớn lên gần chân đèo Hải Vân ngót nghét đã 30 năm. Sống sát chân đèo, qua và về phía nam và bắc đèo Hải Vân không biết bao nhiêu lần trong khoảng thời gian đó. Trong tôi không có khái niệm sở hữu về một Hải Vân quan hùng vĩ như tranh là của địa phương nào, vì lý do khá đơn giản: Tôi - một nửa là người của huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, bởi đó là quê cha, một nửa là người của quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - nơi tôi sinh ra và lớn lên. Dẫu vậy, đã bao lần lên và xuống Hải Vân, lần nào cũng đọng lại một suy nghĩ: Sinh và sống ở đâu thì là người của đất ấy. Bởi vậy, tôi tự hào là người của thành phố có Hải Vân quan tĩnh mặc, trầm tư.

Hải Vân quan, cổng nhìn phía Nam 

Hải Vân là cửa ải hiểm trở trên con đường độc đạo nối hai miền Nam - Bắc từ trước khi có quốc lộ 1A như bây giờ. Sử sách ghi lại, từ thế kỷ XV, trong một lần du ngoạn qua đây, Vua Lê Thánh Tông đã tức cảnh sinh tình, bèn cho tạc vào đá mấy chữ để lại cho hậu thế. Nguyên văn đề tặng 6 chữ bên phía Nam Hải Vân, được dịch là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cũng theo sách sử, trên đỉnh Hải Vân còn có công trình kiến trúc được xây dựng từ đời Nhà Trần, sau này vua Tự Đức đời Nhà Nguyễn đã cho trùng tu lại. Ngoài ra, vào thế kỷ 19, thực dân Pháp còn cho xây dựng một cái lô cốt (còn gọi là Đồn Nhất) vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trên đỉnh đèo Hải Vân vào những năm 50 của thế kỷ trước. (Photo Tân Mỹ Đà Nẵng) 

Nhà thơ nghiệp dư Lại Phiền Hà (một thời gây phiền hà cho nhiều người), từng là lính của cha tôi, giờ là ông chủ VAC trên đỉnh đèo Hải Vân. Thỉnh thoảng, ông có ghé qua nhà tôi giới thiệu cơ ngơi của ông, lẫn những đổi thay hằng ngày trên cái đỉnh đèo nổi tiếng ấy. Ông nói: “Thế cháu có biết dự án đầu tư sắp tới tại Làng Vân không? Chú sắp thành tỷ phú rồi!”. Thì ra bao năm qua, mọi tích góp vật chất của ông là những mảnh vườn trên đỉnh đồi, là trang trại chăn nuôi và khu sinh thái gì gì đó, tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết, với “Ông Cách mạng” như cha, về hưu cả gia tài đáng giá nhất là ngôi nhà cấp 4 và chiếc xe Dame 50cc. Cứ mỗi lần về quê, ông chở tôi bằng chiếc xe máy cà tàng này ra Phú Lộc, một bên là con và một bên là can xăng 10 lít. Thời đó, các cây xăng làm gì mọc nhiều như bây giờ, lỡ chưa đổ đèo bên kia mà xăng hết là phải chịu khó dắt bộ cả mấy chục cây số dài đằng đẵng. Đã vậy, để tiết kiệm xăng, mỗi lần đổ đèo xuống Đà Nẵng, cha bảo tôi ôm chặt cha và về “mo” (trả số 0) một cách ngon lành. Tôi không dám mở mắt, chỉ mong đoạn đường ngắn lại, bánh xe lướt nhanh hơn cho đến khi xuống tới tận chân cầu Thủy Tú.

Đường qua đỉnh đèo Hải Vân hôm nay. 

Khi hầm đường bộ Hải Vân chưa hiện hữu, mỗi lần từ Huế về Đà Nẵng, trên chuyến xe đò lóc xóc và đầy những bất trắc, đám bạn theo về quê chơi vẫn cứ tấm tắc khen: “Ôi, đẹp quá! Đêm Đà Nẵng cứ như Hồng Kông thu nhỏ”, tôi lúc đó hết sức phổng mũi tự hào vì mình là “con dân” Đà Nẵng, đang được tận hưởng những lời khen chân tình của những cô cậu sinh viên là dân ngoại tỉnh. Thời còn tàu chợ, ga Kim Liên như người bạn thân của những đứa xa nhà chúng tôi. Bên cạnh ga tàu, người bạn đồng hành của chúng tôi còn có những chiếc xe lam ba bánh cũ kỹ, lúc nào cũng rồ rồ, bụi bặm. Chỉ vài ba ngàn đồng thay vì xe buýt trợ giá như bây giờ, thì xe lam chở chúng tôi đến tận ga và mua vé tàu chợ. Ngồi lẫn với mấy bà buôn mắm, muối, cá biển đầy mùi tanh nồng, là những chị bán bánh lọc, bánh mì đeo bám tàu ra tới ga Lăng Cô, Cầu Hai, Nước Ngọt… Có thêm nhiều phụ nữ làm nghề bốc vác, kiêm luôn vác củi khai thác trên núi Hải Vân nhảy tàu thật nguy hiểm. Hồi đó, chỉ hơn 100km đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế, nhưng đi tàu chợ phải chờ chuyến 6 giờ sáng xuất phát từ ga Đà Nẵng đến ga Kim Liên dưới chân đèo đã 8 - 9 giờ sáng, rồi dừng lại ngồi chờ tránh tàu Thống nhất cả 2 - 3 tiếng đồng hồ. Có lần, chuyến tàu chợ khởi hành tại Đà Nẵng từ 6 giờ sáng, ra đến Huế đúng 2 giờ sáng hôm sau. Tới nơi, cả bọn không dám về nhà trọ gọi cửa bà chủ nhà vì sợ bị mắng, đành phải nhảy rào vào Nhà thờ Nguyễn Huệ, chịu làm mồi cho muỗi cắn qua đêm.

Đèo Hải Vân - nơi tôi đến và đi có quá nhiều kỷ niệm. Hơn 20 cây số từ phía bên này qua phía bên kia, có lẽ, đây là đường đèo dài nhất của Việt Nam, một trong những cái đèo nguy hiểm không kém những cái đèo tôi đã từng đi qua miền núi Tây Bắc. Câu ca về miền Trung “Quê em hai mùa mưa nắng...” quả chưa đủ khi xét về thời tiết ở Hải Vân. Một ngày bình thường, thời tiết ở đây 4 mùa. Nếu ai có dịp qua

“Không có phong cảnh thần tiên nào trên bờ Địa Trung Hải có thể vừa đẹp mắt vừa lớn lao như vậy... Nếu đem so với xung quanh về diện tích, độ cao, hình thể nhân với 100, thì đáp số sẽ là Đà Nẵng. Vẻ đẹp Hải Vân có được là không chỉ do hình mà còn do thế nữa...”.
Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902)

Hải Vân mùa xuân, buổi sáng những hạt sương mai đọng lại trên những lá cây và giăng thành một màn sương trắng xóa, có thể người đi sau cách người đi trước vài mét cũng khó thấy nhau. Thế nhưng, khi qua khỏi một vạt đèo, thoáng thấy nắng sáng, sự hong hanh lan tỏa rọi vào người đi đường khiến ta cảm thấy ấm áp. Có những hôm qua đèo, từ Phú Lộc mưa còn rả rích không ngớt, nhưng qua một nửa Hải Vân Nam, trời hé nắng, ấm dần và một bình minh rộn rã hướng về làng chài Nam Ô, Hòa Hiệp. Rồi tiếp đến con đường chạm biển đẹp hút lòng người chạy dài xuống nội ô, một bên là biển, một bên là nhà cao tầng chưa lấp đầy với những cơ ngơi hoành tráng của một thành phố sầm uất đang trên bước đường thay da đổi thịt…

Bây giờ, người ta ít đi qua đường đèo, thay vào đó là qua hầm. Ra khỏi hầm phía bờ nam, nhìn về phía trời đông, một thành phố Đà Nẵng trẻ hiện ra và bừng sáng hơn bao giờ hết. Ở đó, người ta tự hào là công dân của đất Đà Thành, nơi thiên nhiên hào phóng ban tặng những gì tươi đẹp nhất mà không phải nơi nào cũng có.

Tạp bút của Duyên Anh

;
.
.
.
.
.